You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Dương: Hiệu quả từ công tác đầu tư xã hội hóa cơ sở vật chất TDTT

Để thúc đẩy sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh, trong những năm qua, Bình Dương đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, vấn đề xã hội hóa trong đầu tư các thiết chế văn hóa và thể thao trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao; 2 thành phố (Dĩ An, Tân Uyên) và 4 huyện (Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng) đã xây dựng các hạng mục cơ bản của Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh. Ở cấp xã, toàn tỉnh đã có 66/91 xã, phường có Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng, trong đó có 28 Trung tâm được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn về diện tích, công năng, phù hợp với quy định của Bộ VHTTDL. 

Thành phố Dĩ An – đơn vị đi đầu trong công tác xã hội hóa đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bình Dương. Hiện Dĩ An đã thành lập được 113 CLB Văn hóa, Văn nghệ và TDTT hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như: Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống, Công viên văn hóa suối Lồ Ồ, Trung tâm văn hóa - thể thao các phường: Dĩ An, Tân Bình, An Bình, Bình Thắng và đang triển khai dự án Khu di tích Suối Mạch Máng - Sinh thái Hố Lang và cụm văn hóa - thể thao phường Đông Hòa. Cùng với các công trình được xây dựng từ nguồn kinh phí nhà nước, trên địa bàn thành phố còn có 117 thiết chế văn hóa, thể thao tư nhân đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân. 

Nhiều trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được trang bị, lắp đặt tại các công viên, vườn hoa phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân

Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng bằng nguồn kinh phí nhà nước, hệ thống các cơ sở ngoài công lập bước đầu phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu về sân chơi, bãi tập cho nhân dân. Điển hình như các doanh nghiệp: Tổng Công ty Becamex IDC, Cty Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phước Hòa, Cấp thoát nước và Môi trường, Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An cũng đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như Trung tâm Văn hóa thể thao, Nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, Nhà Văn hóa, phòng truyền thống, sân bóng đá, bóng chuyền, … một số doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp cũng quan tâm và chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao nội bộ như hội trường đa năng có sân khấu để biểu diễn văn nghệ, sân chơi một số môn thể thao phổ thông (bóng đá, bóng chuyền) để làm nơi cho công nhân sinh hoạt vui chơi, giải trí.

Với những chủ trương đúng đắn cùng những cơ chế chính sách phù hợp, Bình Dương đã huy động được ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác xã hội hóa TDT. Do vậy, hệ thống sân thi đấu thể thao, hồ bơi, phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình với kinh phí đầu tư hàng vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng… được xây dựng tại các khu dân cư, trong khuôn viên các công sở, trường học.

Đặc biệt, việc đầu tư sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đã được hình thành khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn, với gần 700 sân (216 cơ sở, điểm tập), góp phần vào việc nâng cao sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Toàn tỉnh có 1.062 cơ sở, câu lạc bộ TDTT (võ thuật, bida, bóng đá mini, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao, bơi lội, yoga,...), góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân.

Không chỉ chú trọng phát triển xã hội hóa trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Bình Dương đã mạnh dạn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các môn thể thao thế mạnh để hướng tới nền thể thao chuyên nghiệp, như: Becamex IDC đầu tư bóng đá, quần vợt; Công ty Vật liệu xây dựng M&C đầu tư vào bóng chuyền; Tổng Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương Biwase đầu tư vào xe đạp (nữ), Bóng bàn, Cầu lông; Công ty Nhựa Đạt Hòa đầu tư vào xe đạp nam,…

Bình Dương đã thành lập được 11 tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT. Trong đó, nhiều đơn vị hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Xe đạp - mô tô Thể thao, Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Taekwondo, Hội Golf, Hội Thể dục dưỡng sinh, Liên đoàn Thể thao dưới nước,... hoạt động tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT tại địa phương trong thời gian qua.

Để có được những kết quả trên, Bình Dương đã ban hành những quy định về chính sách và các danh mục khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực TDTT, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh hoạt động về TDTT. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được trang bị phục vụ cho hoạt động TDTT ở các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng về số lượng và chất lượng; các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện nơi công cộng được trang bị rộng khắp, nhất là ở các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất dành cho Công nhân, lao động; Các công trình, dự án về TDTT được đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là trong các trường học, cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục thể chất của học sinh, sinh viên và người dân có nhiều sự lựa chọn trong rèn luyện sức khỏe hàng ngày.

Các mô hình CLB TDTT, các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời được lắp đặt tại các công viên, các điểm vui chơi của trẻ em được hình thành  ở các khu phố, trong các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp có nhiều lao động… nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của người dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phát triển đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, các chỉ số về TDTT như số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình tập luyện TDTT đến nay lần lượt là trên 36,2% và 29,8%. Toàn tỉnh có trên 1045 CLB TDTT các môn, phục vụ nhu cầu tập luyện cho các tầng lớp nhân dân.

Thể thao thành tích cao của Bình Dương cũng từng bước khẳng định vị thế trên bình diện quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Bình Dương đang đầu tư 28 môn thể thao thành tích cao theo các tuyến. Tính đến tháng 6/2023, các đội tuyển của tỉnh đã tham dự 69 giải các cấp, đạt được 300 huy chương (82 HCV, 85 HCB, 133 HCĐ), chiếm 46% kế hoạch cả năm. Có 03 HLV, 14 VĐV thuộc 09 bộ môn tham dự SEA Games 32 đạt được 1 HCV, 2 HCB và 6 HCĐ.

Cũng nhờ đẩy mạnh công tác xã hội  hóa, đã giúp cho nhiều đội tuyển thể thao của tỉnh có được điều kiện tập luyện cũng như thi đấu tốt nhất. Trong năm 2023, nhiều đội tuyển thể thao của tỉnh đã lần đầu tiên giành thành tích ấn tượng trong đó phải kể đến: đội tuyển Xe đạp (giành vị trí số 1 tại  Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh), đội Taekwondo (xếp thứ Nhì giải vô địch Taekwondo quốc gia 2023), đội Karate Bình Dương đạt 6 HCV, 2 HCB, 13 HCĐ tại giải Karate miền Nam năm 2023…

Trong thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất TDTT; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ, trọng tài, HDV, cộng tác viên TDTT các cấp. Cùng với đó, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục hỗ trợ và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT của tỉnh và các CLB TDTT ở cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yêu thích thể thao có điều kiện tập luyện và sinh hoạt thuận lợi.

Bài, ảnh Việt Dũng 

Ảnh trong bài
  • Bình Dương: Hiệu quả từ công tác đầu tư xã hội hóa cơ sở vật chất TDTT