You must configure this module first via "Module Settings"

Thái Bình: nỗ lực hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ

Xác định thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình đã luôn quan tâm, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cũng như rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhiều nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố được đầu tư xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT cũng như phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương

Với những chính sách kịp thời, cùng sự sát sao của các cấp chính quyền, hệ thống thiết chế VHTT của tỉnh từng bước được quan tâm, đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, 260/260 xã, phường, thị trấn đã quy hoạch và xây dựng trung tâm VHTT cấp xã; trong đó, 100% có nhà văn hóa, 98,4% có khu thể thao. Nhìn chung, cơ sở vật chất nhà văn hóa bảo đảm yêu cầu phục vụ các cuộc họp, hội nghị, hội diễn, hội thi văn hóa văn nghệ của các địa phương với các hoạt động diễn ra thường xuyên, hiệu quả. Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn có diện tích quy hoạch từ 500m2 trở lên. Khu thể thao xã, phường, thị trấn từ 12.800m2 trở lên, bao gồm sân vận động, sân tập thể thao, nhà tập luyện thi đấu thể thao và được trang bị một số dụng cụ thể thao phổ thông cần thiết.

Đối với khu thể thao thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh Thái Bình cũng có hơn 1.500 (đạt 88,8%) thôn, tổ dân phố có khu thể thao quy hoạch độc lập theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn gần 300 thôn, tổ dân phố chưa có thiết chế văn hóa này, mà sử dụng chung sân thể thao của xã hoặc nhờ các thôn lân cận.

Hệ thống thiết chế VHTT thôn, tổ dân phố đã phát huy hiệu quả công năng sử dụng, từ đó trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 3.000 CLB văn hóa văn nghệ được duy trì tại khắp các địa phương. Cùng với đó, phong trào TDTT của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các chỉ số về TDTT đều tăng hàng năm. Nếu như năm 2017 toàn tỉnh có 31,4% số người tập luyện TDTT thường xuyên, 21,5% số gia đình thể thao thì đến năm 2022 con số này lần lượt là 35,8% và 25,8%. Hệ thống thiết chế VHTT cơ sở từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân tích cực tham gia rèn luyện, nâng cao sức khỏe.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã, đang nỗ lực triển khai Đề án hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố đến năm 2025 với mục tiêu cụ thể là: Ưu tiên các thôn thuộc xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, hoặc các thôn, tổ dân phố có di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu cần được bảo tồn, truyền dạy. Bên cạnh đó, ưu tiên các thôn, tổ dân phố có cán bộ và phong trào văn hóa, thể thao phát triển; có nhà văn hóa, khu thể thao thôn được xây dựng mới. Thực hiện đề án trên, nhiều mô hình xây dựng nhà văn hóa, thể thao ở cơ sở được xây dựng thí điểm và nhân rộng ở nhiều địa phương, nhất là các ở cấp xã, thôn.

Trong thời gian tới, Thái Bình phấn đấu các huyện, thành phố mỗi năm chủ động hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cấp huyện, xã và huy động xã hội hóa để nhân rộng thêm mô hình với chỉ tiêu ít nhất từ 1 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố kiểu mẫu trở lên tại địa bàn một xã, phường, thị trấn. Cụ thể, theo lộ trình, giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, mỗi năm ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho 100 mô hình được Sở VHTTDL lựa chọn, với số vốn tối đa là 8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí và 50% còn lại là ngân sách huyện, xã và xã hội hóa. Dự kiến có 448 thôn, tổ dân phố được UBND tỉnh hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Đây sẽ là tiền đề tạo sức bật trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từng bước nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa trong nhân dân.

Giai đoạn 2021 - 2025, ở cấp tỉnh đã có 3 thiết chế được xây dựng mới, gồm Thư viện tỉnh (công trình được xây mới, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020) và 2 nhà thi đấu TDTT (tại phường Hoàng Diệu) và Nhà thi đấu TDTT (đường Hai Bà Trưng) do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh quản lý được cấp kinh phí sửa chữa trong các năm 2021, 2022 hiện là nơi tập luyện của VĐV và tổ chức một số giải thể thao của tỉnh, của các ngành.

Không chỉ ở cấp tỉnh mà tại các huyện cũng đều dành kinh phí xây dựng các thiết chế VHTT. Trong đó, phải kể đến huyện Đông Hưng đã có 75 nhà văn hóa được xây mới, 96 nhà văn hóa và 54 sân thể thao được sửa chữa, nâng cấp. Tại huyện Tiền Hải có 75 nhà văn hóa được xây mới, 27 nhà văn hóa được cải tạo, nâng cấp. Tại thành phố Thái Bình đã xây mới 5 nhà văn hóa, đang triển khai xây mới 3 nhà văn hóa và tu sửa, nâng cấp 11 nhà văn hóa. Hay tại huyện Thái Thụy năm 2021 đã xây dựng 36 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu của 36 xã, thị trấn. 

Nhờ sự đầu tư đồng bộ cùng với những giải pháp phù hợp, hệ thống thiết chế VHTT các cấp hầu hết được xây dựng đáp ứng tiêu chí được đề ra như ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của người dân; có kiến trúc hiện đại, bền vững; quy mô xây dựng, cải tạo tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các thiết chế VHTT có trang thiết bị phù hợp, đáp ứng được yêu cầu hoạt động, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao của nhân dân. Các huyện, thành phố cơ bản đã quan tâm đầu tư kinh phí và huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT các cấp.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình: Hệ thống nhà văn hóa thôn, tổ dân phố của tỉnh Thái Bình hiện nay đang rất khởi sắc, được đầu tư hiện đại, bài bản. Nhân dân được hưởng thụ những thành quả của sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là thành quả của xây dựng đời sống văn hóa. Sở đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các trang thiết bị âm thanh, loa máy, wifi, thiết bị hỗ trợ họp trực tuyến, dụng cụ phục vụ tập luyện TDTT thông thường... Từ đó, các buổi chiều ở vùng nông thôn như ngày hội, người dân cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống văn hóa nông thôn.

Cùng với những kết quả đạt được, hiện nay thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn những tồn tại, yếu kém như: một số thiết chế còn thiếu trang thiết bị, xuống cấp và không đảm bảo; công tác quản lý và sử dụng thiết chế ở một số địa phương còn nhiều hạn chế và chưa thực sự mang lại hiệu quả. Tại một số địa phương, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được cải tạo, nâng cấp từ các công trình cũ như trường mầm non, trụ sở hợp tác xã, trạm y tế... nên còn nhỏ hẹp, quy mô, thiết kế không bảo đảm theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT cơ sở trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp cùng sự hỗ trợ của ngân sách xây dựng các thiết chế VHTT như: Nhà văn hóa, Khu thể thao và nhất là các điểm vui chơi trẻ em địa bàn thôn, bản, tổ dân phố; chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế hiện có.

VD

Ảnh trong bài
  • Thái Bình: nỗ lực hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ