You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Tân Uyên – Bình Dương: Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Với phương châm hướng mạnh hoạt động về cơ sở và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làm mục tiêu hướng tới, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố Tân Uyên – tỉnh Bình Dương đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương; tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế

Xác định rõ tầm quan trọng của thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, chính quyền thành phố Tân Uyên đã quan tâm dành quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế VHTT; triển khai thực hiện lồng ghép phong trào TDĐKXDĐSVH với xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng và mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho các thiết chế VHTT... Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống thiết chế VHTT cơ sở được chú trọng, từng bước được đầu tư, hoàn thiện theo hướng đa dạng các hình thức hoạt động, cơ sở vật chất, các phòng chức năng, phòng sinh hoạt, học tập, trang thiết bị âm thanh, dụng cụ luyện tập TDTT… được bổ sung, cải thiện cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng. 

Theo thống kê, hiện nay thành phố Tân Uyên có 1 Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố, 5 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã, phường. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã hiện có 12 di tích lịch sử - văn hoá, gồm 1 di tích cấp quốc gia (Cù Lao Rùa), 11 di tích cấp tỉnh; 20 công viên hoa viên tại 9/12 xã, phường với tổng diện tích khoảng 22.000m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Riêng về thiết chế TDTT có 30 sân bóng đámini, 14 CLB thể dục thể hình, 3 sân quần vợt, 6 hồ bơi, 6 sân cầu lông…

Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước, thành phố đã huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT, đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động VHTT. Qua đó, góp phần cùng với chính quyền tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT lành mạnh, bổ ích trong nhân dân. Theo đó, nhiều công trình được xây dựng từ nguồn xã  hội hóa có giá trị như: hồi bơi, nhà thi đấu đa nang, sân cầu lông, sân quần vượt (Trung tâm VHTT thành phố) có vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, hay sân bóng đá mi ni ở Trung tâm VHTT phường Thái Hòa có tổng kinh phí xây dựng là 600 triệu đồng; xây dựng Hồ bơi tại phường Thái Hòa và phường Phước Khánh với tổng kinh phí 6 tỷ đồng…

Nhiều thiết chế VHTT được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của thành phố phát triển

Ngoài ra, hiện nay toàn thành phố có trên có 110 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT theo hình thức xã hội hoá 100%, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, với nhiều loại hình đa dạng như: sân bóng đá mini, cầu lông, tennis, patin, trung tâm thể dục thẩm mỹ - yoga;18 khu trò chơi thiếu nhi; 41 cơ sở kinh doanh karaoke,… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT được xây dựng từ nguồn xã hóa đã góp phần đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT.

Bên cạnh đó, Trung tâm VHTT xã, phường đã đầu tư xã hội hoá được 3 hồ bơi, 1 sân bóng đá, 1 phòng billards, tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Thông qua việc xã hội hóa, tại các công viên, vườn hoa công cộng trên địa bàn thành phố được tu bổ, lắp đặt thêm các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời với tổng kinh phí khoảng 215 triệu đồng.

Tạo đà cho các hoạt động văn hóa, TDTT phát triển

Sự hoàn thiện về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện đã giúp cho phong trào văn hóa, TDTT của thành phố ngày càng khởi sắc. Điểm nhấn là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng; công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã có những chuyển biến bước đầu, hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh ngày càng đa dạng. Nhờ đó, các chỉ số về TDTT như: số người tập luyện TDTT thường xuyên của thành phố gia tăng hàng năm. Tính đến nay số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa thành phố đạt trên 40%, số gia đình thể thao đạt 38,7%.

Trung bình hàng năm, thành phố tổ chức từ 8-10 giải thi đấu thể thao cấp thành phố, hàng trăm giải thể thao cấp cơ sở. Đặc biệt, nhờ hệ thống thiết chế VHTT tương đối đầy đủ và đảm bảo về quy mô, diện tích nên Tân Uyên được lựa chọn đăng cai nhiều giải thi đấu thể thao cấp tỉnh. Hoạt động thư viện của thành phố cũng phong phú, đa dạng với việc tổ chức triển lãm, trưng bày sách, phục vụ sách lưu động, tổ chức các hội thi vẽ tranh, kể chuyện sách và tuổi thơ, phục vụ sách hè... Các hoạt động này thu hút hơn 10.000 lượt người tham gia/năm. Các di tích trên địa bàn thị xã đã tiếp đón hơn 10.000 lượt du khách đến tham quan, về nguồn, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, sinh hoạt ngoại khoá…

Bên cạnh đó, các Trung tâm VHTT và Học tập cộng đồng các xã, phường phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hội diễn văn nghệ, hội thi, chương trình văn hoá, văn nghệ; liên kết với các đoàn nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ người dân; phối hợp tổ chức các lớp chuyên đề, dạy nghề cho lao động nông thôn, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học công nghệ (trung bình  mỗi năm tổ chức 18 lớp)…

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư xây dựng các công trình TDTT như: sân bóng đá, hồ bơi, lắp đặt các trang thiết bị tập luyện tại các hoạt động tại Trung tâm VHTT; các điểm sinh hoạt ngoài trời nhằm thu hút người dân luyện tập TDTT; tiếp tục đầu tư, khai thác, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn gắn với công tác phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế VHTT ở cơ sở; gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của địa phương và lợi ích của cộng đồng. Huy động sự tham gia của các đoàn thể và liên kết các đơn vị để làm phong phú nội dung hoạt động tại các thiết chế VHTT ở cơ cở. Xây dựng các nội dung, chương trình, mô hình đội nhóm, CLB văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng, các lứa tuổi; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật, năng khiếu tham gia.

Kịp thời khen thưởng, biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, tổ chức các hoạt động tại các thiết chế VHTT ở cơ sở. Tập trung củng cố và nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và thể thao. Đây là đội ngũ quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT ở cơ sở hiện nay. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các thiết chế VHTT từ thành phố đến cơ sở.

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • Thành phố Tân Uyên – Bình Dương: Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở