Theo thống kê, hiện Thành phố Bắc Giang có 151 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (trong đó 118 nhà có diện tích hơn 200 m2, đạt chuẩn theo quy định, chiếm 78%); hơn 40% thôn, tổ dân phố có sân luyện tập TDTT.
Nhiều nhà văn hóa ở các thôn, tổ dân phố: Kế, Phú Mỹ (phường Dĩnh Kế); Thành Bắc (phường Xương Giang); Núi (xã Dĩnh Trì); Văn Sơn (xã Tân Tiến) diện tích rộng, có sân bóng, khu vui chơi của thiếu nhi và được trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, phục vụ hội, họp và các dụng cụ tập luyện TDTT.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao tại một số phường, xã trên địa bàn thành phố còn thiếu, nhiều công trình xây dựng đã bị xuống cấp, diện tích chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, phải kể đến như: nhà văn hóa thôn, tổ dân phố ở các phường: Thọ Xương, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi có diện tích chỉ khoảng 100 m2, song khó bố trí quỹ đất và kinh phí nên chưa thể nâng cấp, mở rộng.
Thành phố có gần 1300 CLB TDTT hoạt động thường xuyên
Chính vì vậy, trong 5 năm qua chính quyền thành phố Bắc Giang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lập quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư gần 50 tỷ đồng và huy động các nguồn lực xây dựng nhiều công trình văn hóa, thể thao cơ sở. Đặc biệt từ 2021 đến nay, Thành phố đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều đề án như Đề án nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2025; Đề án “Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở Thành phố Bắc Giang”, giai đoạn 2022-2024”... hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở tiếp tục được quan tâm và từng bước được xây dựng hoàn thiện.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, Thành phố đã đầu tư gần 100 tỷ đồng cho các thôn, tổ dân phố xây dựng mới 31 nhà văn hóa và sửa chữa, nâng cấp 14 nhà, xây dựng mới 14 sân thể thao với mức hỗ trợ không quá 3,5 tỷ đồng với mỗi công trình.
Một trong những công trình được xây dựng mới đó là Nhà văn hóa tổ dân phố Thanh Lương, phường Dĩnh Kế. Công trình được xây dựng trên mặt bằng diện tích 5000m2 với nhà văn hóa có sức chứa 300 người và các hạng mục phụ trợ như: Sân, tường bao, bếp, khu vệ sinh, khu vực luyện tập thể thao, khuôn viên. Tổng kinh phí đầu tư 2,4 tỷ đồng, trong đó Thành phố hỗ trợ hơn 95% kinh phí, còn lại do phường đầu tư và nhân dân đóng góp. Hay như Nhà văn hóa Tổ dân phố 5, phường Ngô Quyền - công trình cũng được xây dựng mới, vừa được hoàn thành vào cuối năm 2022 với quy mô và diện tích đảm bảo phục vụ cho các hoạt động hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Công trình được người dân đón nhận và là nơi tập luyện TDTT thường xuyên của các CLB Bóng chuyền hơi, Bóng chuyền da, dân vũ, Dưỡng sinh..
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chung tay của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố, nhiều nhà văn hóa được xây dựng mới, các công trình nhà văn hóa cũ, xuống cấp được cải tạo diện tích mỗi công trình tăng nhiều lần và có các hạng mục phụ trợ, sân tập bóng chuyền, cầu lông, một số thiết bị tập luyện TDTT, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi….
Nhờ đó, đến nay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các chỉ số về TDTT của Thành phố luôn đạt ở mức cao và gia tăng hàng năm. Hiện số người tập luyện TDTT thường xuyên của thành phố đạt trên 55%, gần 1300 CLB TDTT đơn môn, đa môn hoạt động thường xuyên, hơn 10,5 nghìn gia đình thể thao, 852 sân chơi TDTT. Nhiều VĐV của Thành phố đạt thành tích cao trong thi đấu các giải cấp tỉnh, quốc gia như: Cầu lông, Cờ vua, Bóng đá… Các hoạt động thể thao được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa đã diễn ra sôi nổi, thường xuyên góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trong thời gian tới, công tác xây dựng và cải tạo cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Thành phố cũng tập trung rà soát quy hoạch, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao, khu vui chơi, giải trí, các điểm phục vụ tổ chức tiệc cưới.
Theo kế hoạch đến năm 2024, Thành phố phấn đấu xây mới 74 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, sửa 18 nhà và hàng chục sân thể thao; 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa diện tích từ 200 m2 trở lên; 70% thôn, tổ dân phố có khu thể thao hoặc sân tập thể thao từ 300 m2 trở lên. Đồng thời chuyển 35 nhà văn hóa, 17 khu thể thao kết hợp tổ chức đám cưới của thôn, tổ dân phố có diện tích hẹp, xuống cấp đến vị trí bảo đảm tiêu chuẩn.
Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ các chương trình, dự án xây dựng, củng cố thiết chế văn hóa-thể thao, nhất là ở cơ sở. Các thôn, tổ dân phố thực hiện tốt việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí cũng như giám sát trong thiết kế, thi công công trình; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu người dân. Thông qua rà soát, nắm bắt thực tế, giúp cho việc xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao được khang trang, đảm bảo các tiêu chí về quy mô, diện tích và phát huy được công năng sử dụng qua đó phục vụ tốt hoạt động chính trị và văn hóa, thể thao của nhân dân.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, lợi ích quan trọng, thiết thực của các thiết chế văn hóa, thể thao trong việc rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh, Sở VHTTDL Bắc Giang …về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, đảm bảo chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Rà soát, đánh giá thực trạng để xác định các thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu cần thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Trong quy hoạch và xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm (không đầu tư dàn trải) để mỗi thiết chế được đầu tư đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL.
Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, khu vui chơi giải trí công cộng, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu của người dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với vùng dân cư, các nhóm đối tượng, thu hút người dân tham gia hoạt động.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở để tổ chức tốt các hoạt động sát với nhu cầu của người dân nhằm tăng cường quản lý, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
VD