Thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân
Xác định rõ tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở trong việc phát triển phong trào TDTT, những năm qua các cấp các ngành huyện Thọ Xuân đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai nhằm đẩy mạnh việc xây dựng, nâng cấp thiết chế văn hóa- thể thao cơ sở. Theo đó, huyện đã tập trung hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa – thể thao từ xã, thị trấn đến các thôn, xóm, khu phố. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, đưa vào quy hoạch đất xây dựng cơ sở vật chất văn hóa – thể thao . Quá trình đầu tư xây dựng, các địa phương đều công khai kinh phí, thành lập các tổ giám sát thi công; tăng cường công tác quản lý, nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao cơ sở.
Bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, công tác xã hội hóa đã được các xã, thị trấn và cấp huyện thực hiện chủ động, đạt hiệu quả cao. Nhiều công trình thể thao như bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân cầu lông, bàn bóng bàn, sân chơi thể thao ở các thôn... đều được đầu tư xây dựng từ sự đóng góp của Nhân dân, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp vào hàng vạn ngày công để xây dựng nhà văn hóa, sân tập thể thao... Đến nay hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn huyện Thọ Xuân được đầu tư, xây dựng cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VHTTDL. Hiện 30/30 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn (đạt 100%); 30/30 xã, thị trấn có khu thể thao; 272/274 thôn, khu phố có nhà văn hóa (đạt 99,3%).
Thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở góp phần đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT
Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao trên địa bàn đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của các tầng lớp nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã phát huy hiệu quả và là động lực thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển... Số lượng người tập TDTT thường xuyên tăng mạnh qua các thời kỳ. Nếu như năm 2010 toàn huyện có 32,4% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, thì đến năm 2022 con số này đã tăng lên 44,8% . Toàn huyện có 285 CLB, tổ, đội VHVN và 312 CLB TDTT. Đáng chú ý, các CLB, tổ, đội VHVN, TDTT chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện và đóng góp kinh phí để tập luyện, biểu diễn hay tham gia các sự kiện quan trọng của huyện, tỉnh.
Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực tổ chức các giải thể thao cũng được huyện Thọ Xuân thực hiện đạt hiệu quả cao. Hằng năm, cấp huyện tổ chức các giải đấu thể thao khá sôi nổi và phong phú, tập trung ở các môn thế mạnh, được người dân yêu thích và tập luyện. Nhiều giải đấu được các địa phương, đơn vị duy trì tổ chức hàng năm từ nguồn kinh phí xã hội hóa 100%.
Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa - thể thao vẫn gặp không ít khó khăn bởi một số nhà văn hóa - khu thể thao thôn được đầu tư xây dựng nhưng thiếu trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT. Kinh phí hỗ trợ hoạt động còn ít. Công tác vận động xã hội hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, TDTT phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm, công việc nhiều nên chưa tập trung tốt cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở, các cấp các ngành huyện Thọ Xuân tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách , trong đó trọng tâm là đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp để tổ chức hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển thiết chế văn hóa – thể thao.
Đưa các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển hoạt động của thiết chế văn hóa – thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị phương tiện chuyên dùng, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại thiết chế; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa - thể thao, cộng tác viên cơ sở.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa – thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Tập trung tăng số lượng hoạt động văn nghệ - thể thao ở các thiết chế văn hóa - thể thao; xây dựng các hội nhóm, câu lạc bộ văn nghệ - thể thao tại địa phương làm nòng cốt để kích thích phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển; cho tổ chức, cá nhân được phép tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao tại các thiết chế văn hóa công cộng; đa dạng hóa nội dung hoạt động và mở rộng các nhóm đối tượng phục vụ tại thiết chế văn hóa; tổ chức hoạt động hệ thống Trung tâm văn hóa - thể thao, Nhà văn hóa toàn huyện theo hướng thiết chế văn hóa - giáo dục tổng hợp ngoài nhà trường, thích ứng với sự phát triển kinh tế -xã hội hiện nay; nghiên cứu bổ sung các hoạt động giáo dục ngoại khóa của trường phổ thông, chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên, giáo dục cộng đồng… vào hoạt động nhà văn hóa.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn huyện về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở.
Củng cố, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa-thể thao, trọng tâm là trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn; nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khu phố trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đưa số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 55%; số gia đình luyện tập TDTT đạt 37,7%. Đồng thời duy trì, tổ chức có hiệu quả hoạt động của các CLB, tổ đội VHVN, TDTT; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”.
Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho phát triển TDTT; động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển phong trào TDTT; Lấy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” làm trọng tâm để phát triển phong trào TDTT.
KC