Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao
Bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh Ủy, UBND tỉnh cũng như Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL phê duyệt đề án "Nâng cao chất lượng thiết chế VHTT ở nông thôn", trong những năm qua, huyện Bình Liêu đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để từng bước hoàn thiện, cũng như khai thác hiệu quả các thiết chế VHTT ở cơ sở, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 104 Nhà văn hoá (NVH) thôn, khe, bản. Các NVH đều có sân chơi quy mô phù hợp với thôn, bản. Trong đó, có một số xã bố trí được quỹ đất đã xây dựng các thiết chế khang trang, quy mô, như: Húc Động, Lục Hồn và Đồng Văn có khu thể thao cấp xã có diện tích trên 2000m2 trở lên bao gồm sân chơi, các công trình thể thao đạt tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL. Đây là điều kiện thuận lợi để duy trì và phát huy các môn thể thao dân tộc, khắc phục tình hình khó khăn về địa điểm, phải tổ chức ở vườn, ruộng như trước đây.
Thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở được xây dựng đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT của nhân dân ngày càng phát triển
Bên cạnh đó, Bình Liêu còn đầu tư một số thiết chế VHTT quy mô lớn như: Nhà văn hoá cấp huyện quy mô 250 ghế, sân cỏ nhân tạo và Quảng trường 25/12,... Ngoài nguồn kinh phí nhà nước, Bình Liêu đã nỗ lực đẩy mạnh xã hội hóa bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, qua đó nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức cá nhân cùng đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT. Đặc biệt, Bình Liêu đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc khai thác, sử dụng các thiết chế VHTT sao cho hiệu quả.
Nhờ đó, các thiết chế VHTT được xây dựng đã trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan tiếng hát khu dân cư, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc, đại hội TDTT các cấp... Ngoài ra, các công trình này còn là địa điểm tổ chức các hội thi, hội diễn, các lớp năng khiếu... do các ngành, đoàn thể của các địa phương phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo các thành phần, lứa tuổi tham gia. Hệ thống các thiết chế VHTT cấp xã đến thôn, khu phố cũng đã đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo diện mạo mới ở các khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương...
Thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế VHTT cơ sỏ đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện. Với phương châm mỗi người dân lựa chọn cho mình một môn thể thao và hình thức tập luyện thể thao thích hợp, phong trào TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Tại các cơ quan, đơn vị, sau giờ làm việc, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thường lựa chọn tham gia các môn TDTT như: Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Tennis để rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Còn trong các trường học, 100% trường học trên địa bàn thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học.
Hàng năm, trung bình huyện tổ chức từ 10-12 giải thể thao cấp huyện và hàng trăm giải thể thao, hội thi, hội thao…Đặc biệt, huyện đặc biệt chú trọng các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh quay… được tổ chức trong các dịp lễ hội, hoạt động cộng đồng. Cụ thể, Bình Liêu đã đưa các hoạt động thể thao dân tộc vào 5 lễ hội lớn thường niên gồm: Hội hoa sở, Hội Mùa vàng, Hội đình Lục Nà, Lễ Kiêng gió, hội hát Soóng Cọ. Tại các lễ hội này, để thu hút, tăng mức hấp dẫn, giải đều được tổ chức quy củ, có điều lệ, có giải thưởng. Một số môn còn tiến hành thi đấu cấp xã, thôn bản để tìm ra đội tuyển đi thi cấp huyện, khiến việc tập luyện thêm phần nghiêm túc. Ngoài ra, khi các xã, thôn có đội tuyển tham dự giải, huyện có kinh phí hỗ trợ cho các đội tuyển tham dự giải cấp tỉnh, vùng và khu vực. Việc quan tâm phát triển các môn thể thao dân tộc đã góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các bộ môn thể thao dân tộc, nâng cao sức khỏe, làm phong phú đời sống tinh thần cho bà con các dân tộc.
Ngoài ra, huyện cũng đã chú trọng đầu tư, phát triển một số môn thể thao thành tích cao để định hướng huấn luyện tham gia các hoạt động thi đấu thể thao trong tỉnh…. qua đó thúc đẩy quần chúng nhân dân tích cực tham gia luyện tập TDTT, góp phần đưa các chỉ số về TDTT ngày càng tăng cao.
Một trong những điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện Bình Liêu đó là công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp. Trong đó, Đại hội TDTT cấp huyện lần thứ IX năm 2021 – 2022 thu hút gần 700 VĐV đến từ 15 đoàn thể thao của các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Đại hội thực sự là ngày hội thể thao không chỉ đối với các VĐV mà sự kiện còn nhận được sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, toàn huyện có 37 CLB TDTT duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút hơn 600 thành viên tham gia. Đặc biệt, nhờ duy trì tốt phong trào TDTT, huyện luôn có nguồn VĐV dồi dào để đào tạo, bồi dưỡng tham gia các giải cấp tỉnh và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong những tháng đầu năm 2023, đoàn VĐV Bình Liêu đã tham gia thi đấu tại các giải: Giải Việt dã truyền thống lần thứ 52 (giành giải Nhì), Giải chạy tập thể lần thứ 29 tại Hạ Long (giành 2 giải Nhất nội dung đồng đội nữ trẻ, toàn đoàn giải trẻ và 3 giải Ba: đồng đội Nam trẻ, đồng đội Nam chính, đồng đội Nữ chính...
Bài, ảnh VD