You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Thanh Trì quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Trong những năm qua, việc xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) cơ sở được các cấp chính quyền huyện Thanh Trì quan tâm, triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo. Nhờ đó, các chỉ tiêu về văn hóa, thể thao luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, các thiết chế VHTT được xây dựng đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần cũng như thúc dẩy phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân.

Hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT

Thực hiện Chương trình 06-CTr/Tu của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, trong những năm qua, huyện quan tâm xây dựng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết chế VHTT ở cơ sở.

Huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch đất cũng như xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng VHTT từ xã, thị trấn đến các thôn, xóm, tổ dân phố. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, đưa vào quy hoạch đất xây dựng cơ sở vật chất VHTT đạt chuẩn theo quy định. Cụ thể, 15/15 xã trên địa bàn huyện đều đảm bảo tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao; 3/16 xã, thị trấn có Trung tâm VHTT được xây dựng độc lập đạt chuẩn.

CLB Khiêu vũ Thể thao của người cao tuổi luôn thu hút đông đảo hội viên tham gia

Huyện đã và đang triển khai 13 dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm VHTT xã với kinh phí dự kiến là 679 tỷ đồng; 38 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp Nhà văn hóa thôn với kinh phí 189 tỷ đồng, trong đó đang thi công 02 dự án với kinh phí thực hiện là 131,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành bàn giao năm 2024. Toàn huyện có 109 Nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng tại 100 thôn, tổ dân phố; 98% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã có Nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng, trong đó, có trên 50% Nhà văn hoá đạt tiêu chuẩn theo quy định. Giai đoạn 2023- 2025 huyện tiếp tục triển khai 11 dự án xây mới Trung tâm VHTT xã với kinh phí dự kiến 547,5 tỷ đồng. Ngoài các công trình văn hóa, thể thao có quy mô, trên địa bàn huyện có 50% xã, thị trấn có điểm tập miễn phí ngoài trời;

Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của huyện, xã, nhân dân các địa phương trên địa bàn đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, hiện vật (hàng tỷ đồng) và ngày công để xây dựng nhà văn hóa, sân tập thể thao. Các thiết chế VHTT cơ sở góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, giảm thiểu các tệ nạn xã hội cũng như đóng góp thiết thực vào thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.

Tạo đà cho các hoạt động văn hóa –thể thao phát triển

Hệ thống thiết chế VHTT cơ sở trên địa bàn huyện được xây dựng đồng bộ và từng bước được hoàn thiện đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL. Công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế VHTT cũng được đặc biệt quan tâm, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đi vào nề nếp. Phong trào TDTT quần chúng, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại ngày càng phát triển rộng khắp. Số lượng các loại hình đội, nhóm, CLB luyện tập văn nghệ, TDTT xuất hiện và phát triển khá hiệu quả; các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, tổ chức nhiều sự kiện TDTT, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân.

Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chú trọng phát triển phong trào TDTT quần chúng thông qua việc vận động, hướng dẫn để người dân tùy chọn môn thể thao yêu thích, cách thức luyện tập phù hợp với nhu cầu, điều kiện sức khỏe, lứa tuổi, giới tính... duy trì thói quen rèn luyện thường xuyên, giúp nâng cao sức khỏe, thể lực, hình thành lối sống lành mạnh, văn minh. Nhiều môn thể thao như: Thể dục dưỡng sinh, Đi bộ, Xe đạp, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Quần vợt... thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện.

Hầu khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học... đều dành sự quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức các giải thi đấu thể thao, hội thao, đại hội TDTT với không khí sôi nổi. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương có điều kiện phù hợp đều chú trọng các yếu tố bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian. Qua đó góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tại nhiều địa phương, từ nông thôn đến trung tâm huyện lị, các khu dân cư, hình ảnh người dân mọi lứa tuổi hào hứng tập luyện thể dục, đi bộ, nhảy dân vũ, đá bóng, đá cầu, đánh bóng chuyền hơi tại các vườn cây, công viên, sân nhà văn hóa... đã ngày càng trở nên phổ biến.

Cùng với đó, công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên trong nhà trường được quan tâm. Hiện 100% trường học trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả nội dung chương trình môn học giáo dục thể chất; 100% cơ sở giáo dục đảm bảo đủ trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ được đổi mới hình thức nhằm thu hút học sinh...

Các cấp công đoàn trên địa bàn huyện phát triển các cụm văn hoá thể thao công nhân lao động. Bên cạnh đó, các tổ chức Hội (Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Người cao tuổi)... đều chú trọng tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT, nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí giữa nhân dân các địa phương trong huyện.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt các sự kiện TDTT quần chúng được tổ chức trong huyện đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương đã tham dự Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Tháng hành động TDTT cho mọi người; các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi nhân kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày lễ của địa phương, đất nước...

Đáng chú ý, trong những năm qua, huyện Thanh Trì là đơn vị đi đầu của Thành phố về xây dựng và triển khai Đề án xây dựng bể dạy bơi và phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn huyện. Theo đó huyện đã đầu tư xây dựng 16 bể dạy bơi tại các trường phổ thông đảm bảo các xã, thị trấn đều có bể dạy bơi (8 bể tại các trường tiểu học, 8 bể tại các trường THCS), đồng thời, tổ chức dạy cho 100% học sinh Tiểu học và THCS từ 8 tuổi trở lên. Các hoạt động dạy bơi cho học sinh vào dịp hè diễn ra sôi nổi, rộng khắp các địa phương, qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em.

Sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong việc xây dựng hệ thống thiết chế VHTT đã góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Các chỉ số về TDTT, số gia đình thể thao, gia đình văn hóa... tăng cao hàng năm. Hiện toàn huyện có trên 40 CLB và đội văn nghệ quần chúng với tổng số hội viên khoảng trên 250 người và gần 90 CLB thể thao được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Trong đó, 100% thôn, làng, tổ dân phố có CLB TDTT hoạt động thường xuyên; 70% thanh niên trong độ tuổi 16-18 tập luyện thường xuyên một môn thể thao phù hợp.

Để  thúc đẩy hơn nữa các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thiết chế VHTT đảm bảo quy mô và đặc biệt cần nâng cao chất lượng hoạt động của các công trình sau đầu tư. Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT, đổi mới phương thức tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về tầm quan trọng của TDTT đối với đời sống xã hội.

Bài, ảnh VD

 

Ảnh trong bài
  • Huyện Thanh Trì quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở