Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh, hiện 13/13 địa phương cấp huyện đã cơ bản bố trí quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa thể thao. 100% các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch một phần quỹ đất dành cho thiết chế văn hóa, thể thao. Có 118/177 xã, phường, thị trấn quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, 75/177 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 103 xã, phường đã thành lập trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, 1.448/1.452 thôn khu có nhà văn hóa. 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, 12/13 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện.
Giải chạy tỉnh Quảng Ninh năm 2022 được tổ chức tại thành phố Hạ Long thu hút hàng ngàn VĐV tham gia
Riêng về các công trình TDTT, Quảng Ninh có 10 sân bóng đá, trong đó có 1 sân đạt tiêu chuẩn (Sân vận động Cẩm Phả), có 2 bể bơi thuộc huyện Ba Chẽ và Thị xã Đông Triều, 9 nhà luyện tập và thi đấu…Ngoài các công trình văn hóa, thể thao được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh cũng huy động được các nguồn lực xã hội cùng chung tay đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao ở cơ sở. Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa- thể thao, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, tài trợ, tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và thi đấu thể thao, qua đó đã góp phần nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, như: Sân bóng đá các công ty than, các sân golf Tuần Châu...,18 sân tennis, 144 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo… do doanh nghiệp và tư nhân xây dựng. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng xây dựng tại Quảng Ninh 41 công trình như: Sân vận động, sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, sân tennis nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân với kinh phí đầu tư hơn trăm tỷ đồng….
Không chỉ quan tâm, chú trọng về số lượng, nhiều công trình thiết chế văn hóa, thể thao của Quảng Ninh mang tầm cỡ quốc gia như: Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Khu liên hợp Thể thao Quảng Ninh, Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm, Cung Văn hoá Thanh thiếu nhi tỉnh, Sân Vận động Cẩm Phả…
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp giao trách nhiệm quản lý cho các cơ quan, đơn vị. Theo đó, các cơ quan, đơn vị quản lý thực hiện tự chủ một phần và tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên đối với các cơ quan được giao quản lý khai thác các thiết chế văn hóa - thể thao, để phát huy tính chủ động sáng tạo, khai thác tối đa hiệu quả các thiết chế sau đầu tư. Nhờ đó, công tác tổ chức hoạt động thông qua các thiết chế, công trình văn hóa thể thao của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét, trong đó đã tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa thể thao lớn.
Ở cấp huyện, công tác quản lý, vận hành khai thác được quan tâm, bước đầu phát huy hiệu quả. Hàng năm bình quân tổ chức từ 10 đến 14 sự kiện, giải thể thao/huyện, thị xã, thành phố; các hoạt động văn hóa, văn nghệ do các ngành, đoàn thể của các địa phương phối hợp diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các thành phần, lứa tuổi tham gia hoạt động. Hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao cấp xã đã thành lập ban chủ nhiệm giao trách nhiệm quản lý cho cán bộ văn hóa cấp xã; các hoạt động chủ yếu phục vụ hội họp, sự kiện chính trị, các hoạt động văn hoá ở cơ sở. Các nhà văn hóa thôn khu đóng vai trò quan trọng trong việc là nơi tổ chức sinh hoạt của cộng đồng, đoàn thể nhân dân ở khu dân cư.
Nhờ có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, khai thác hiệu quả, công tác văn hóa, thể thao của tỉnh ngày càng phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phong trào TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp với nhiều hoạt động có quy mô lớn và thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”;.. Song song với đó, ngành TDTT tỉnh duy trì tổ chức hệ thống giải thi đấu đỉnh cao theo các cấp, trong đó nhiều giải đấu thể thao đã trở thành giải truyền thống, được tổ chức thường niên như: Giải Việt dã truyền thống, Giải chạy tỉnh Quảng Ninh…
Đặc biệt, nhờ sở hữu hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao khá hoàn thiện, nhiều công trình có quy mô và chất lượng, Quảng Ninh đã đăng cai và tổ chức chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, giải thi đấu thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cũng như quảng bá những nét đẹp về văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt trên 42%; số gia đình thể thao đạt gần 30%. Không chỉ phát triển các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của Quảng Ninh cũng được quan tâm, chú trọng; số VĐV tham gia các đội tuyển quốc gia đoạt huy chương tại các giải khu vực và quốc tế ngày càng tăng; các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh phát triển mạnh: như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua…
Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp cùng sự hỗ trợ của ngân sách xây dựng, bảo dưỡng, tu bổ các công trình văn hóa thể thao, đặc biệt là hệ thống các nhà văn hóa, Khu thể thao và điểm vui chơi trẻ em địa bàn thôn, bản, tổ dân phố. Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có…
Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh cũng như sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của người dân, công tác đầu tư khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và khoa học. Qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TU Đại hội Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc .
Bài, ảnh VD