Tập trung đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao
Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Đăk Glei được xây dựng và hoàn thiện đã khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện.
Nhiều công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn đã được các cấp, các ngành huyện đầu tư xây dựng như: Nhà thi đấu đa năng, Sân thể thao và lễ hội, Công viên Mini. Một số cơ quan, đơn vị có sân thể thao, cầu lông, bóng chuyền ngoài trời... Các công trình văn hoá, thể thao về cơ bản phục vụ được một phần nhu cầu tập luyện, thi đấu các giải thể thao cấp huyện.
Đến nay, huyện Đăk Glei có 1 sân vận động, 1 nhà thi đấu đa đăng, 4 sân cầu lông, 1 sân bóng chuyền. Điển hình, Nhà thi đấu đa năng huyện có diện tích sàn trên 1.900 m2, có sức chứa 600 khán giả với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; đồng thời góp phần tạo không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị theo định hướng quy hoạch của huyện. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, Công viên mini được xây dựng trước nhà Đa năng huyện đã hoàn thành đưa vào sử dung từ tháng 11/2021. Công viên mini được xây dựng trên diện tích khoảng 0,9 ha, thuộc thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei. Tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, với các hạng mục trồng cây xanh, hồ phun nước, cầu đi bộ qua suối, một số dụng cụ tập thể dục ngoài trời, hạ tầng cấp thoát nước giao thông, và một số hạng mục nâng cấp khác.
Các công trình TDTT cấp xã chủ yếu là các sân tập đơn giản. Các xã, thị trấn hiện có 5 sân bóng đá, 7 sân bóng chuyền và có 3 sân bóng đá cỏ nhân tạo do doanh nghiệp đầu tư. Ở các thôn làng trên địa bàn đều có các thiết chế thể thao văn hóa cho người dân luyện tập, vui chơi; hiện 100% số thôn có khu tập luyện TDTT; 93 khu vui chơi văn hóa, thể thao.
Việc xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT ở cơ sở cũng được đầu tư, gắn với chương trình xây dựng chương trình nông thôn mới. Hầu hết các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới đều quy hoạch, xây dựng khu thể thao cấp xã, sân chơi thể thao ở các khu dân cư, trong khuôn viên, Nhà văn hóa thôn. Một số cơ quan, đơn vị cấp huyện dành nguồn kinh phí đầu tư xây dựng sân thể thao ngoài trời, phục vụ cán bộ - công chức - viên chức tham gia chơi các môn cầu lông, bóng chuyền sau giờ làm việc hành chính.
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT. Tiêu biểu như xã Xốp, Đăk Môn... đã khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng được 03 sân bóng đá Mini; thành lập 03 CLB thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện, giao lưu thể thao ngày càng cao của nhân dân.
Cùng với hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT. Hiện nay,các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao cũng góp phần bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hóa ở địa phương đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những nhà văn hóa, trung tâm văn hóa ở xã, thôn. Qua đó, góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Nhờ đó, đến nay trên địa bàn toàn huyện số người tập luyện TDTT thường xuyên đã đạt 11.854 người, chiếm tỷ lệ 24,31% tổng số dân; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 2.310 hộ, chiếm tỷ lệ 17,85% tổng số gia đình toàn huyện.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để đẩy mạnh các hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện trong thời gian tới, huyện Đăk Glei đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung quy hoạch và dành quỹ đất cho các công trình văn hóa, thể thao cơ sở ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của Nhân dân; kiến trúc phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng, miền, dân tộc. Ưu tiên các nguồn lực để xây các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư... Rà soát, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; bổ sung trang thiết bị hoạt động, thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ.
Nâng cao chất lượng hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; khắc phục hiện tượng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở địa phương bị bỏ hoang, đã đầu tư cơ sở vật chất nhưng không tổ chức được các hoạt động thường xuyên và hiệu quả.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tiêu biểu, thu hút đông đảo người dân tham gia tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đặc biệt ở cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các đề án, kế hoạch quốc gia về phát triển TDTT.
Xây dựng mạng lưới, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng, cộng tác viên làm nòng cốt. Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, các môn thể thao giải trí gắn với hoạt động du lịch, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tập luyện, giao lưu thể thao ngày càng cao của Nhân dân.
Xây dựng triển khai tổ chức hoạt động TDTT tại địa bàn các xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và khai thác quỹ đất, sân bãi, công trình tổ chức các dịch vụ TDTT; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng miền.
Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW; các chủ trương, quan điểm về phát triển TDTT đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa nhiệm vụ phát triển TDTT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần.
Tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các công trình thể dục, thể thao trọng điểm và đào tạo vận động viên thể thao có thành tích cao. . Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sức mạnh xã hội, nâng cao nhận thức trong việc tập luyện TDTT trở thành nhu cầu của đa số nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
KC