You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Nông Cống đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao

Xác định rõ sự cần thiết của thiết chế văn hóa, thể thao đối với đời sống nhân dân cũng như trong xây dựng chương trình nông thôn mới, trong những năm qua các cấp, các ngành huyện Nông Cống – tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân

Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Nông Cống được đầu tư xây dựng cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VHTTDL. Cụ thể, 28/28 xã và 1 thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao với quy mô diện tích đạt chuẩn; 100% các xã, thị trấn có khu vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em; 100% thôn, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở sau khi xây dựng được chính quyền các cấp và nhân dân quan tâm bảo vệ, tu sửa, bảo đảm cho việc tham gia các hoạt động VHTT của người dân.

Hàng năm, huyện đã cấp kinh phí cho các xã, thị trấn xây mới nhiều công trình phục vụ hoạt động TDTT; hỗ trợ thường xuyên cho công tác tổ chức hoạt động thể thao quần chúng ở các xã, thị trấn; ở khu dân cư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 33 sân bóng đá, 237 khu thể thao thôn, làng, 330 sân bóng chuyền, 120 sân cầu lông, 2 nhà tập luyện thi đấu, 70 bán bóng bàn và 2 sân quần vợt.

Các thiết chế văn hóa, thể thao đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, sôi nổi, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; sáng tạo, hưởng thụ và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân; xây dựng lối sống lành mạnh và tạo sự phát triển toàn diện cho người dân.

Để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, huyện đã bám sát nội dung các thông tư, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao:Kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn (kinh phí nhà nước và xã hội hóa) khi triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc huy động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp ngày công tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.

Với phương châm nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ theo cơ chế “kích cầu”, cùng với ngân sách hỗ trợ, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các thiết chế văn hóa TDTT. Nhiều xã đã ban hành nghị quyết hỗ trợ đầu tư ngân sách quy hoạch và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Điển hình như xã Vặn Thắng, công tác xây dựng thiết chế văn hóa thể thao được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ xã với nhiệm vụ đặt ra mỗi năm sẽ huy động nhân dân đóng góp xây dựng 1 công trình văn hóa thể thao. Nhờ đó 100% thôn, làng trên địa bàn xã đã xây dựng được cổng làng văn hóa, nhà văn hóa, sân TDTT đơn giản.

Bên cạnh đó,nhiều nhà văn hóa thôn, làng của các xã được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng như: nhà văn hóa làng Vạn Thành, làng Ngọc Chẩm, làng Tân Vinh (Thăng Long); làng Rọc Tuy, làng Hậu Áng (Công Liêm); làng Cao Hậu, làng Ngọc Tháp, làng Văn Đôi (Hoàng Giang); làng Bi Kiều (Trung Chính); làng Minh Sơn (Minh Nghĩa)... Bên cạnh đó việc xây dựng cổng làng cũng được chú trọng, nhiều cổng làng được xây dựng mang đậm nét văn hóa dân tộc như: Cổng làng Đông Cao (Trung Chính); cổng làng Ngư (Thăng Long); cổng làng Văn Đô, Yên Minh, Phúc Thọ (Trường Sơn), cổng làng Thọ Thượng (Thăng Thọ)...

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, TDTT

Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, trong những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT bằng việc chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các đội, CLB văn nghệ thể thao (Trung bình mỗi thôn có từ 1-3 đội văn nghệ, thể thao) Huyện cũng khuyến khích các địa phương tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, TDTT. Hàng năm, nhân các sự kiện chính trị, ngày lễ, tết các thôn, xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT.

Nhờ vậy, số người tập luyện TDTT thường xuyên tăng hàng năm (hiện đạt 50% dân số), đã có 115 CLB thể thao được thành lập,, chủ yếu là các câu lạc bộ bóng đá, bóng bàn, cầu lông… Số trường học thực hiện giáo dục thể chất nội khóa nền nếp đạt 100%, số trường học thực hiện thể chất ngoại khóa thường xuyên đạt 85%; lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đạt chiến sĩ khỏe là 100%. Toàn huyện có 86% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% các thôn đạt chuẩn văn hóa NTM; 1 thị trấn được công nhận thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 87% các thôn, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa.

Định hướng trong thời gian tới

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; Thành lập và củng cố các đội văn nghệ, các CLB thể thao ở xã, thôn với các môn như: bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông...; Thường xuyên tổ chức và hỗ trợ kinh phí để các thôn dân cư tổ chức các giải thi đấu thể thao, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ; Ban hành quy chế hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo mọi người dân đều có quyền thụ hưởng trên tinh thần sử dụng cơ sở vật chất an toàn, ổn định, lâu bền; Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nhất là ở cơ sở; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Tiếp tục quan tâm xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng  nông thôn mới; phấn đấu từ 14 đến 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 5 đến 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Nhân dân; 90% gia đình văn hóa, thôn văn hóa.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; đẩy mạnh huy động xã hội hóa... Từ đó, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhằm nâng cao mức hưởng thụ vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Nông Cống đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao