You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Như Thanh – Thanh Hóa đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, các cấp, các ngành huyện Như Thanh luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Để việc triển khai xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đạt hiệu quả cao, UBND huyện Như Thanh đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, chính sách thực hiện công tác xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Đồng thời, UBND huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực để phổ biến các chính sách, pháp luật nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nhiều mô hình, cách làm hay trong việc xây dựng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao của các xã đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

Điển hình như xã Hải Long - địa phương có các thiết chế văn hóa, thể thao  khang trang, với 9 thôn của xã có nhà văn hóa (NVH), khu vui chơi thể thao, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, TDTT

Các thiết chế văn hóa, thể thao của xã được xây dựng tương đối đồng bộ, riêng khu trung tâm văn hóa, thể thao xã có hội trường đa năng được xây dựng trên diện tích hơn 8.000m2, với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động đảm bảo 300 chỗ ngồi, thuận lợi cho tổ chức hội nghị, hội thảo và các chương trình nghệ thuật. Nhờ có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng đã góp phần thúc đẩy phát triển phong trào tập luyện TDTT, đời sống văn hóa của người dân xã Hải Long ngày càng phát triển. Theo đó, toàn xã có 54,7% người dân thường xuyên tham gia tập luyện TDTT.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phát triển đồng bộ là cơ sở để huyện Như Thành đẩy mạnh phong trào TDTT trên địa bàn toàn huyện

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, huyện đầu tư trên 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp trên hỗ trợ và của huyện để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.

Ở cấp huyện do Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện quản lý, gồm: Trung tâm hội nghị huyện có quy mô 500 chỗ ngồi, trang thiết bị kỹ thuật đầy đủ và hiện đại, hằng năm tổ chức trên 100 sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội, hỗ trợ dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; 01 nhà thi đấu và tập luyện TDTT ; 01 nhà truyền thống để trưng bày các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện phục vụ nhân dân và du khách cũng như để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; Thư viện huyện với trên 5 nghìn đầu sách, 12 loại báo, tạp chí; quản lý 341 thẻ bạn đọc, phục vụ trên 3.000 lượt bạn đọc, đã thực hiện luân chuyển 52 đợt với trên 2.000 đầu sách các loại về thư viện trung tâm văn hóa xã, thị trấn, nhà văn hóa, thôn, bản, khu phố. Cùng với đó, phòng truy cập Internet đảm bảo các nhu cầu phục vụ bạn đọc; hàng ngày, sân vận động huyện thu hút hàng trăm lượt người dân đến tập luyện TDTT, đồng thời đây cũng là nơi tổ chức các giải văn nghệ, thể thao, các sự kiện chính trị quan trọng của huyện.

Ngoài ra, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. Nhà văn hóa với quy mô từ 250 chỗ ngồi trở lên, có phòng riêng để tủ sách pháp luật và hệ thống Đài truyền thanh đáp ứng yêu cầu cho công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương; các trang thiết bị như bàn ghế, phông, cờ, hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu,... được đầu tư khang trang, đảm bảo phục vụ nhân dân đến đọc và nghiên cứu tài liệu. Từ năm 2010 đến nay kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã đạt trên 120 tỷ đồng (ngân sách nhà nước trên 110 tỷ đồng, các nguồn khác trên 10 tỷ đồng).

Toàn huyện có 165 nhà văn hóa thôn, khu phố, trong đó có 126 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 8 sân vận động; 335 sân bóng chuyền da, bóng chuyền hơi; 72 sân cầu lông; 20 bàn bóng bàn; 3 nhà thi đấu dành cho môn cầu lông, bóng bàn và bóng chuyền hơi; 2 sân tennis ở huyện. Bên cạnh nguồn kinh phí do nhà nước đầu tư, toàn huyện đã huy động từ nguồn xã hội hóa để thực hiện 165 điểm vui chơi trẻ em; 103 sân bóng đá mini, 215 sân bóng chuyền da và bóng chuyền hơi, trên 20 bàn bóng bàn, 52 sân cầu lông và nhiều cơ sở vật chất khác. Kinh phí để làm mới và tu sửa Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản, khu phố đạt trên 105 tỷ đồng, phần lớn do nhân dân đóng góp.

Hầu hết các thiết chế VHTT đều phát huy tính năng, phục vụ có hiệu quả việc hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Hàng năm, huyện đều tổ chức các giải thể thao, hội thi văn hóa văn nghệ thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia. Hiện Như Thanh có 158/159 “khu dân cư văn hoá”, 82% “gia đình văn hóa”, 39% dân số và 22% gia đình thường xuyên luyện tập TDTT, 90 câu lạc bộ TDTT, 9/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã nông thôn mới nâng cao, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

 

Cùng với việc đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, trong những năm qua UBND huyện Như Thành cũng tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao để đẩy mạnh công tác quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn huyện có 32 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa (cấp huyện 18; cấp xã 14 người) có chuyên ngành phù hợp với công việc, nên đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu.

Hằng năm, huyện phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở VHTTDL tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên trách, bán chuyên trách của 14 xã, thị trấn; cử cán bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ do tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, sử dụng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.

Ông Cao Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Như Thanh cho biết: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương trong toàn huyện đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực, nhất là công tác xã hội hóa để xây dựng và tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, qua đó từng bước hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, tiêu cực, có biện pháp giải quyết phù hợp và biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cũng như trang thiết bị phục vụ cho hoạt động còn hạn chế; còn 39 nhà văn hóa thôn chưa được đầu tư xây dựng, một số thôn sau khi sáp nhập số lượng dân cư tăng lên, nhưng diện tích nhà văn hóa nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa của nhân dân...

Chính vì vậy trong thời gian tới huyện Như Thanh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao. Đối với các thôn sau sáp nhập, không có điều kiện quy hoạch, xây mới thì cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô; Tích cực phối hợp với đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động các nhà văn hóa, cũng như khả năng tham mưu và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có chất lượng tại cơ sở.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Như Thanh – Thanh Hóa đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao