You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Quảng Điền – Thừa Thiên Huế: xã hội hóa góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển

Trong những năm qua, công tác TDTT của huyện Quảng Điền – Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Có được kết quả đó một phần là nhờ vào việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa bằng nhiều giải pháp đồng bộ như ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích các loại hình dịch vụ TDTT, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền…

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nên việc huy động các nguồn lực xã hội cùng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là vô cùng cần thiết được xác định là một trong những giải pháp thiết thực và mang lại hiệu quả. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, huyện Quảng Điền đã đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”  gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi người dân trong việc đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Công tác xã hội hóa được thực hiện thông qua việc khuyến khích các đơn vị, tổ chức ngoài công lập xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch trên nguyên tắc tự tổ chức, tự quản lý, tự trang trải kinh phí, tự chịu trách nhiệm và chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. Từ nguồn xã hội hóa, hệ thống cơ sở vật chất, nhất là các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Bên cạnh đó, nhiều xã, phường, thị trấn đã đầu tư mua sắm và trang bị các dụng cụ tập luyện TDTT, âm thanh, ánh sáng, bàn ghế… cho các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT, nhiều giải thể thao được tổ chức từ nguồn đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp

Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất đã giúp cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao (hội thi thể thao, hội thi văn nghệ - thể thao, các giải thể thao quần chúng….) diễn ra thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, phong trào tập luyện TDTT thường xuyên trong nhân dân ngày càng sâu, rộng. Đến nay toàn huyện có gần 30,3% số lượng người TDTT; trên 20% gia đình tập luyện TDTT thường xuyên. Số CLB TDTT, đội nhóm tập luyện thể thao không ngừng gia tăng hàng năm. Đến nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm CLB văn hóa, văn nghệ, đội nhóm tập luyện TDTT, thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt. Hầu hết các CLB đều được thành lập trên tinh thần tự nguyện và các thành viên CLB tự đóng góp kinh phí để mua sắm trang thiết bị, duy trì tổ chức các hoạt động.

Tại các thôn xóm, phong trào TDTT không chỉ tổ chức vào các ngày lễ lớn mà còn trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt là vào dịp các ngày Lễ, Tết của địa phương, dân tộc. Đặc biệt, các hoạt động TDTT có quy mô lớn như Đại hội TDTT các cấp, Hội khỏe Phù Đổng, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân… được duy trì tổ chức theo định kỳ, đảm bảo về quy mô và chất lượng.

Thông qua các hoạt động thể thao phong trào, nhiều VĐV có tiềm năng đã được phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng, trở thành lực lượng kế cận trong các đội tuyển của huyện tham gia thi đấu cấp tỉnh và toàn quốc, giành nhiều thành tích cao, như các môn: Cầu lông, võ thuật, vật truyền thống.  Đặc biệt, gần đây nhất, tại SEA Games 32, 2 VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Trang của Quảng Điền đã xuất sắc đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 2 HCV bộ môn Vật ở các hạng cân 62kg và 57kg.

Để thúc đẩy phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các đoàn thể trong việc chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, lợi ích của việc tập luyện TDTT, các chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển TDTT, trong đó chú trọng công tác xã hội hóa TDTT.

Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong triển khai, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, chú trọng đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động phong trào, hướng dẫn loại hình tập luyện phù hợp với các đối tượng, từng vùng, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch và chương trình phát triển TDTT với các sở, ban ngành và đoàn thể, cụ thể hóa bằng kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm. Hỗ trợ chuyên môn giúp các ngành và doanh nghiệp phát triển phong trào TDTT trong ngành và đơn vị.

Không ngừng cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng từ cấp xã, thị trấn đến cấp huyện theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn để ngành, đoàn thể và nhân dân tự tổ chức. Duy trì và phát triển nhiều giải thi đấu thể thao ở cơ sở, chủ yếu là các giải phong trào, các loại hình đơn giản dễ tham gia, để huy động đông đảo người dân tham gia hoặc tự tổ chức để cùng nhau hưởng thụ.

Khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian thu hút người dân tự nguyện tham gia và hưởng thụ. Chọn mô hình CLB TDTT, Trung tâm Văn hoá và học tập cộng đồng là loại hình cơ sở của cấp xã để điều hành các hoạt động TDTT trên địa bàn.

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • Huyện Quảng Điền – Thừa Thiên Huế: xã hội hóa góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển