Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Bình Xuyên được đầu tư xây dựng cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VHTTDL. Đến nay, 100% các xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao (với quy mô diện tích đạt chuẩn) và có khu vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao. Trong đó, ngoài 5 thị trấn: Hương Canh, Bá Hiến, Đạo Đức, Gia Khánh, Thanh Lãng, nhiều xã có thiết chế văn hóa, thể thao khá hoàn chỉnh với quy mô và diện tích đảm bảo như: Sơn Lôi, Tam Hợp, Hương Sơn…
Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở sau khi xây dựng được chính quyền các cấp và Nhân dân quan tâm bảo vệ, tu sửa, bảo đảm cho việc tham gia các hoạt động VHTT của người dân. Nhiều người dân đã chủ động góp sức, góp tiền của nâng cấp, cải tạo khuôn viên, xây tường rào, mua sắm trang thiết bị và đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT.
Thị trấn Hương Sơn – một trong những địa phương đi đầu trong việc sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao. Đây cũng là địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ và TDTT phát triển mạnh, trong đó nổi bật là phong trào tập luyện môn Bóng chuyền và Bóng chuyền hơi. Hiện nay, tại thị trấn ngoài các sân bóng chuyền ở các nhà văn hóa thôn, các thôn đều có thêm từ 5-6 sân bóng chuyền đơn giản do người dân tự tổ chức. Số người tham gia luyện tập môn bóng chuyền hơi thường xuyên đạt trên 500 người. Ngoài ra các môn bóng đá, bóng bàn, cầu lông cũng thu hút lượng lớn người dân tham gia luyện tập, góp phần nâng cao sức khỏe.
Đặc biệt, từ năm 2023, Bình Xuyên bước vào triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với 3 khu thiết chế văn hóa tại Thị trấn Hương Canh, Gia Khánh và xã Tam Hợp. Các thiết chế văn hóa, thể thao tại Làng Văn hóa kiểu mẫu sẽ gồm các công trình: Nhà văn hóa, công viên, vườn hoa, cây xanh, đài phun nước, thư viện, nhà để xe, phòng truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông, bể bơi…
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng và hoàn thiện đã khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện. Các thiết chế đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT được tổ chức thường xuyên, sôi nổi đã từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa bàn dân cư trên địa bàn huyện. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân; xây dựng lối sống lành mạnh và tạo sự phát triển toàn diện cho người dân.
Đến nay toàn huyện có gần 200 CLB văn hóa, văn nghệ và TDTT hoạt động thường xuyên và thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt
Để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, huyện đã bám sát nội dung các thông tư, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khi triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và huy động nguồn vốn từ xã hội hóa. Sự chung tay của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong việc huy động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao…
Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT. Chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các đội, nhóm, CLB văn nghệ, TDTT. Đến nay, trung bình mỗi thôn có từ 1-3 đội văn nghệ, TDTT ở nhiều lứa tuổi. Đồng thời, huyện đã khuyến khích các địa phương tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, TDTT. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị, các thôn, xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, TDTT. Chỉ tính riêng số CLB TDTT, hiện toàn huyện có trên 200 CLB TDTT đang hoạt động hiệu quả, thu thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập ở các môn thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, võ thuật, tennis… đã góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại trên địa bàn huyện ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Công tác tổ chức các giải thể thao, các chương trình giao lưu thể được các xã, thị trấn quan tâm thực hiện. Hàng năm, ngoài các giải đấu thể thao theo kế hoạch, trên địa bàn huyện diễn ra hàng trăm cuộc thi đấu thể thao phong trào.
Đến nay, các thiết chế văn hóa, thể thao đã được đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT của các tầng lớp nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao cũng góp phần bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hóa ở địa phương đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những nhà văn hóa, trung tâm văn hóa ở xã, thôn. Qua đó, góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM; 100% các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân; số người dân tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình thể thao; gia đình văn hóa, thể thao; số thôn văn hóa, Làng văn hóa… ngày càng gia tăng hàng năm
Để hoàn thiện các mục tiêu đề ra, huyện Bình Xuyên đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp đó là: tiếp tục tập trung quy hoạch quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và theo các tiêu chuẩn quy định của Bộ VHTTDL, cũng như phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nhà nước trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; Tiếp tục đẩy mạnh huy động xã hội hóa nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; Duy trì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; Không ngừng đổi mới về nội dung, cách thức tổ chức và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đó, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhằm nâng cao mức hưởng thụ vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bài, ảnh VD