Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các thiết chế văn hóa, thể thao trong đời sống nhân dân, chính quyền huyện Yên Dũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn đưa nội dung xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vào chương trình, kế hoạch công tác gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH của địa phương.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đã được tích cực triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, huyện có cơ chế hỗ trợ kinh phí các địa phương xây dựng các công trình văn hóa, thể thao (tối đa là 300 triệu đồng/công trình xây mới; 150 triệu đồng/công trình sửa chữa, nâng cấp). Ngoài kinh phí nhà nước, việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao cũng nhận được sự đóng góp tích cực từ nhân dân.
Với chủ trương đúng đắn, đến nay 159/159 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, nhiều nhà văn hóa có diện tích, quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, toàn huyện có 98 sân bóng đá, hàng trăm sân bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, cầu lông, bóng bàn và bể bơi đã được xây dựng.
Trong 20 năm trở lại đây, Yên Dũng đã đầu tư hơn 185 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Trong đó, xây mới 52 và cải tạo nâng cấp lại 107 nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố. Ngoài ra, tu sửa, cải tạo 168 nhà thi đấu, sân bãi luyện tập TDTT.
Thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT của nhân dân (Ảnh: VD)
Nhiều xã có trung tâm văn hóa - thể thao được xây dựng quy mô lớn như: Cảnh Thụy, Nội Hoàng, Hương Gián, Xuân Phú, Lãng Sơn, Tiến Dũng… Các xã, thị trấn đã quy hoạch khu vui chơi giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Di tích lịch sử, văn hóa như: Chùa, đình, đền ở các địa phương được quan tâm tu bổ, tôn tạo.
Một trong những đơn vị tiêu biểu trong xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện phải kể đến là xã Lãng Sơn. Hiện tại, ngoài trung tâm văn hóa xã (công trình có giá trị hàng tỷ đồng), nhà văn hóa, sân thể thao (bóng đá, bóng rổ…) với các bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời... được lắp đặt ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, đình, chùa, khuôn viên của xã được nâng cấp cải tạo, tu bổ khang trang, sạch đẹp đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia sinh hoạt, tập luyện TDTT.
Nhờ hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, việc khai thác, sử dụng các thiết chế VHTT ở cơ sở hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 172 CLB và đội văn nghệ, hơn 120 CLB thể thao ở khu dân cư hoạt động sôi nổi, hiệu quả, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Phong trào TDTT quần chúng tại Yên Dũng phát triển mạnh ở hầu hết các thôn, tổ dân phố, tạo nguồn VĐV năng khiếu cho tỉnh và huyện. Nhờ đó, Yên Dũng luôn xếp trong tốp đầu về thành tích tại các giải đấu của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt 32,2%, gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 25%. 100% xã, thị trấn đã đạt cả 2 tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được triển khai đồng bộ cùng với công tác quản lý, khai thác hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn. Qua đó còn rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại, nhiều chủ trương, chính sách mới đã được ban hành và nhiều chương trình, đề án được quan tâm, đầu tư, triển khai thực hiện ở các địa phương trong tỉnh.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng: Để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cần có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tích cực, tự nguyện tham gia, hưởng ứng. Có cơ chế hỗ trợ kinh phí hợp lý từ ngân sách nhà nước nhằm khuyến khích, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân. Quá trình triển khai cần thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; kịp thời biểu dương tổ chức, cá nhân, gia đình có nhiều đóng góp.
Trong thời gian tới, huyện Yên Dũng tiếp tục chỉ đạo xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, phấn đấu 90% trở lên thôn, tiểu khu, tổ dân phố có nhà văn hóa diện tích từ 200 m2 trở lên và sân thể thao rộng ít nhất 300 m2.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực trong nhân dân, sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường quản lý khai thác và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Việc đầu tư xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa, thể thao cần bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý, phát huy tối đa chức năng của các thiết chế văn hóa và nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương. Đồng thời, có chính sách thích hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các thiết chế văn hóa được thực hiện thường xuyên và bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa như: hoạt động tuyên truyền, cổ động; hoạt động giáo dục; hoạt động văn nghệ quần chúng; hoạt động của các hiệp hội, CLB; hoạt động vui chơi, giải trí; hoạt động bảo tồn, lưu giữ các di sản, giá trị văn hóa...
VD