You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Bình Lục đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thôn đã được tu bổ, xây dựng khá đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.

Những kết quả đạt được

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các thiết chế văn hóa, thể thao trong đời sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, nhiều năm qua, công tác quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở luôn được các cấp  ủy, chính quyền ở Bình Lục đặc biệt quan tâm.

Hiện, toàn huyện có 5 nhà thi đấu thể thao đa năng, 7 nhà luyện tập, thi đấu cầu lông, 12 sân tập thể thao phổ thông, 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 278 sân tập các môn thể thao khác tại thôn xóm, cơ quan, 2 sới vật, 3 bể bơi, nhiều phòng, điểm chơi bóng bàn. Toàn huyện cũng có 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (trong đó, có 22 di tích cấp quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh).

Cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được các địa phương quan tâm tổ chức. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Các tổ chức đoàn thể, các trường học, cơ quan, đơn vị đã thành lập các câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên. Hiện, toàn huyện đã thành lập được 48 câu lạc bộ hát dân ca, 23 câu lạc bộ thơ và 168 câu lạc bộ thể thao; góp phần tạo điều kiện để nhân dân cùng hưởng thụ và sáng tạo văn hóa…

Toàn huyện có 186 câu lạc bộ; số người tập TDTT thường xuyên đạt 23,2% dân số, số gia đình thể thao đạt 25%. Hàng năm có từ 5 đến 7 giải thi thể thao cấp huyện; nhiều giải thể thao cấp xã và ngành được tổ chức hàng năm. Nhiều cá nhân, tổ chức tài trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và giải thưởng cho các cuộc thi đấu các cấp..

Huyện Bình Lục luôn chú trọng phát triểncác môn thể thao dân tộc,các hoạt động văn hóa  dân gian; đồng thờikhông ngừng phát triển sâu rộng nhiều môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền hơi, đi bộ, đi xe đạp, ...

Công tác xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và các danh hiệu văn hóa ngày càng lan tỏa, đem lại những hiệu ứng tích cực, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư. Kết quả, toàn huyện đã có 96,3% khu dân cư đạt và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa, số gia đình văn hóa đạt 92%. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

Nhiều xã trong huyện đã phát huy tốt các thiết chế văn hóa, thể thao. Tiêu biểu là xã Bình Nghĩa, từ năm 2000 đến nay, xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Hiện có 2 sân bóng đá rộng hơn 14.000 m2, 5 sân bóng đá mini, 18 sân bóng chuyền, cầu lông đủ tiêu chuẩn, 1 hồ bơi hơn 3000m2. Hàng năm các thiết chế này đều được tu sửa, nâng cấp và là nơi tổ chức nhiều giải thi đấu như: bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, bóng đá.. Đây cũng là địa điểm hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ bơi, lặn...

Ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Lục cho biết: tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa; trong đó, nguồn lực xã hội hóa chiếm khoảng 70%. Hệ thốngcác thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư. Tính đến năm 2022, toàn huyện đã đầu tư xây mới 5 nhà văn hóa xã, 2 sân vận động trung tâm xã, xây mới và sửa chữa 10 nhà văn hóa thôn; hoàn thiện lắp đặt nội thất và hệ thống âm thanh cho 8 nhà văn hóa xã và 55 nhà văn hóa thôn, bảo đảm theo đúng tiêu chí trong xây dựng NTM; phấn đấu năm 2023, tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa trung tâm của xã An Lão và thị trấn Bình Mỹ.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại, huyện Bình Lục đã xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Việc đầu tư xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa cần bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý, phát huy tối đa chức năng của các thiết chế văn hóa và  nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Đồng thời, có chính sách thích hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các thiết chế văn hóa được thực hiện đồng bộ và bảo đảm các yêu cầu: cán bộ vừa được đào tạo về đạo đức, vừa được đào tạo về chuyên môn, có kỹ năng, tâm huyết với nghề.

Đặc biệt, những người làm về công tác văn hóa, văn nghệ, TDTT đảm bảo về chuyên môn và được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên Trong quá trình đào tạo cán bộ cũng cần có chế độ đãi ngộ hợp lý với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các thiết chế văn hóa, bảo đảm nguồn thu nhập cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến.

Bên cạnh đó, đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao;Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của thiết chế văn hóa, phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia của quần chúng nhân dân, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các thiết chế văn hóa, hướng các hoạt động tại các thiết chế văn hóa thực hiện đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa…

Trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương trong huyện cần lựa chọn, sử dụng hiệu quả nhất các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc vận hành các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong thực hành, thích nghi và sáng tạo các yếu tố văn hóa mới, cần tạo điều kiện để người dân được tham gia  xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, bước đi xây dựng NTM.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, các cấp và các tổ chức liên quan, cộng đồng làng xã, cá nhân nhằm tạo sự đồng thuận của cộng đồng; Có chính sách đầu tư hợp lý; Xây dựng NTM gắn với phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nông thôn.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Bình Lục đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở