Theo thống kê đến nay, tỉnh đã có tổng cộng 407 thiết chế văn hóa, thể thao (cấp xã, ấp). Trong đó, có 94 Trung tâm VHTTHTCĐ xã, phường, thị trấn; 100% Nhà văn hóa ấp, liên ấp đều đảm bảo bộ máy tổ chức hoạt động gồm 01 Chủ nhiệm, 02 Phó Chủ nhiệm và cộng tác viên được cơ cấu từ các tổ chức, đoàn thể địa phương.
Các thiết chế văn hóa, thể thao đã thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng, tổ chức các hoạt động tại chỗ với các loại hình câu lạc bộ; các lễ hội; văn nghệ, TDTT quần chúng; mở các lớp năng khiếu; tổ chức vui chơi giải trí….phục vụ cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Từ đó hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng đã góp phần vào việc bảo tồn, quảng bá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh.
Song hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn có tồn tại như: Chưa hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật về quy chế hoạt động thống nhất; về tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá còn nhiều khó khăn. Đơn cử như hệ thống Trung tâm VHTT&HTCĐ hiện toàn tỉnh có 94 Trung tâm thì chỉ có 55 Trung tâm xây dựng đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, các Trung tâm này đều được được trang bị máy tính có kết nối mạng, có tủ sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của người dân với khoảng từ 100 đến 1.500 đầu sách. Số còn lại là 39 Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng, hoặc có chỉ mang tính tạm thời do trưng dụng các cơ sở hạ tầng đã cũ từ các ngành, đoàn thể ở địa phương nên không phù hợp cho việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; một số xuống cấp, không còn sử dụng được, các trang thiết bị (âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, dụng cụ…) chưa được trang bị hoặc có trang bị nhưng rất hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu hoạt động. 15 Trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã chưa có trụ sở riêng (sử dụng chung với UBND), 24 Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hóa cấp xã, thôn, ấp được xây dựng với quy mô nhỏ, công năng sử dụng không phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn cũng như sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn hạn hẹp. Việc xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao về quy mô, kiến trúc, vị trí còn chưa phù hợp trong việc khai thác, sử dụng trong giai đoạn hiện nay.
Bộ máy tổ chức của hệ thống thiết chế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phát huy được vai trò trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT tại địa phương. Quỹ đất cũng như nguồn kinh phí hạn hẹp tại các địa phương nên đa phần đều được trưng dụng từ các văn phòng ấp cũ sửa chữa, nâng cấp lại để đảm bảo theo quy định vì vậy một số không phù hợp để tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ mà chủ yếu được sử dụng cho việc hội, họp của các tổ chức cơ sở tại địa phương; bên cạnh các trang thiết bị hoạt động được đầu tư theo gói thầu của nhà thầu khi xây dựng, sửa chữa vì vậy thường không đảm bảo về quy mô cũng như chất lượng để tổ chức các hoạt động có quy mô trung bình, lớn; một số thiết chế có vị trí nằm sâu, xa khu dân cư, đường xá đi lại khó khăn… người dân không đến sinh hoạt, không thể tổ chức hoạt động, rơi vào tình trạng bỏ không.
Các nội dung chương trình, hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng nhiều nơi vẫn mang tính đối phó theo chương trình kế hoạch năm, vì vậy nội dung chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Ngoài ra, công tác phối hợp triển khai của các tổ chức chính trị xã hội cho các đối tượng là hội viên, đoàn viên tham gia vào các hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở chưa được đồng bộ và thường xuyên, chủ yếu chỉ tập trung triển khai vào các dịp lễ lớn trọng đại của đất nước và địa phương trong năm. Do vậy, chưa huy động được đông đảo các lực lượng tham gia sinh hoạt hoặc trực tiếp tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa này.
Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào 04 giải nhóm pháp, cụ thể:
Về cơ chế chính sách: Gắn liền phương thức hoạt động thiết chế văn hóa ở cơ sở và thiết chế văn hóa dân gian (các lễ hội, các di sản văn hóa của từng địa phương đã tồn tại lâu đời) để đạt hiệu quả và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tổ chức tổng kết hàng năm để tìm ra những mô hình hoạt động mới, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch kịp thời triển khai, nhân rộng các “Mô hình hoạt động mới, hiệu quả”.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách đặc thù của Tỉnh về sử dụng cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa theo hướng xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động văn hóa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa để khai thác, sử dụng, phát huy công năng của cơ sở vật chất tại các thiết chế văn hóa, gắn trách nhiệm của cộng đồng dân cư vào hoạt động, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa.
Nghiên cứu, có giải pháp đổi mới phương thức vận hành, khai thác thiết chế văn hóa theo hướng ngân sách đảm bảo kinh phí tổ chức hoạt động cơ bản, có định hướng, dẫn dắt phong trào, thu hút, mở rộng các hoạt động thường xuyên, xã hội hóa; bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng là các ấp sinh hoạt chung cơ sở vật chất như: nhà văn hóa liên ấp.
Đưa nội dung xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở vào Nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền cơ sở nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Ban hành Quy chế phối hợp quản lý và sử dụng chung cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa ở cơ sở để các đoàn thể cùng tham gia tổ chức và triển khai các hoạt động hiệu quả.
Về nguồn nhân lực: Chọn cán bộ đáp ứng về năng lực và trình độ chuyên môn, có nhiệt huyết với nghề (văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao) để hoạt động các thiết chế văn hóa phát huy được hiệu quả thiết thực. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên sâu, thường xuyên cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm thực tế về các mô hình thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động hiệu quả; tổ chức tham quan thực tế và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở.
Về cơ sở vật chất: Bố trí vốn đầu tư để xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa cấp xã chưa được xây dựng đạt chuẩn; duy tu, sửa chữa các thiết chế văn hóa bị hư hỏng, xuống cấp.
Xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, tránh tình trạng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dàn trải, gây lãng phí, không hiệu quả.
Rà soát cơ chế đầu tư, sự phù hợp của các thiết chế văn hóa các phường, thị trấn đối với những nơi có thiết chế văn hóa cấp huyện, tỉnh. Về phương thức hoạt động: UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương giám sát các hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở.