Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao huyện Long Phú luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn quy hoạch đất và đẩy mạnh đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp, liên ấp và nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân.
Nhiều công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả cao, như: Trung tâm văn hóa thông tin huyện, Nhà truyền thống – thư viện, Khu tập luyện TDTT huyện, sân bóng chuyền, bóng đá.... được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Long Phúc có 1 Trung tâm Văn hóa Thông tin; 1 Nhà Truyền thống - Thư viện; 1 Nhà Tưởng niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của; 10/11 nhà văn hóa xã, thị trấn và 46/61 nhà văn hóa ấp, liên ấp; 5 tụ điểm văn hóa sinh hoạt tại các chùa Khmer. Huyện có 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; 4 bia lưu niệm, đặc biệt là Bia lưu niệm nơi đón Đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về tại thị trấn Đại Ngãi đã được Hội đồng thẩm định thống nhất phương án thiết kế của tư vấn để hoàn chỉnh công trình sửa chữa trong năm 2022.
Đặc biệt, hầu hết các nhà văn hóa xã và nhà văn hóa ấp được khai thác, sử dụng tốt và mang lại hiệu quả rất cao. Trong đó phải kể đến nhà văn hóa liên ấp Ko KôĐồng chí Kim Say - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú phấn khởi: "Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô - Tân Qui B được xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2019, khi đó Nhà nước hỗ trợ tiền để xây dựng, chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến trên 500m2 đất, đóng góp ngày công san lấp mặt bằng…
Cùng với các công trình nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện... hiện huyện còn có 1 khu luyện tập TDTT; 3 sân bóng đá mini; 4 sân bóng chuyền; 3 sân bi sắt và 2 sân quần vợt; 6 CLB TDTT được thành lập và hoạt động hiệu quả. Trong đó, phải kể đến CLB Taekwondo – dù mới được thành lập hơn 1 năm, nhưng có số lượng hội viên tham gia ngày càng đông, chủ yếu là thanh, thiếu niên (đến nay là trên 40 hội viên).
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu thể thao của người dân (Ảnh: báo Sóc Trăng)
Trong năm 2022, huyện đã được bố trí ngân sách xây dựng 1 sân bóng chuyền và trang bị các dụng cụ như bóng, lưới.. cho các CLB bóng chuyền của các xã và nhiều trang thiết bị,dụng cụ tập luyện các môn thể thao khác như Bi sắt; đầu tư âm thanh, ánh sáng (loa đài cho các CLB dưỡng sinh, đèn chiếu sáng cho khu thể thao...).
Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng khu tập luyện TDTT ngoài trời trên địa bàn Ấp 3, thị trấn Long Phú. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp và phục vụ nhu cầu luyện tập TDTT cho mọi người. Công trình đã đi vào hoạt động, hàng ngày vào buổi sáng và chiều đã phục vụ cho hàng trăm lượt quần chúng nhân dân đến tập luyện.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện từng bước được hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đảm bảo về quy mô cũng như diện tích đã giúp cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được thuận lợi.
Riêng về TDTT, ngoài các giải thi đấu thể thao theo kế hoạch, hàng năm huyện Long Phú thường xuyên tổ chức các giải, hội thao, tập trung ở một số môn như: bóng đá, bóng chuyền, bi sắt... Các hoạt động thể thao được tổ chức gắn liền với lễ hội và chào mừng các sự kiện chính trị của địa phương, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, tạo không khí sôi nổi và hào hứng.
Đến nay, số người luyện tập TDTT thường xuyên của huyện là 25.446 người, đạt 27% dân số; số hộ gia đình thể thao là 2.203 hộ, chiếm 8,3% số hộ; thành lập mới 5 CLB: võ, taekwondo, bóng đá, dưỡng sinh, vovinam, đạt 100% theo kế hoạch đề ra.
Theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Hùng - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Phú:“Các nhà văn hóa xã, ấp trên địa bàn huyện Long Phú khi đưa vào hoạt động đều đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL, ngày 8/3/2011 của Bộ VHTTDL, đặc biệt là các tiêu chí về diện tích, các phòng chức năng, diện tích khu thể thao, cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động trong nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân trên địa bàn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đầu tư xây dựng cũng như việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó phải kể đến hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các thiết chế văn hóa, thể thao không đồng bộ nên không phát huy được hiệu quả như mong muốn; tình trạng chỗ thiếu, nơi thừa thiết bị vẫn còn tồn tại. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như thi đấu thể thao còn đơn điệu về hình thức, nội dung chưa phong phú...
Để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phát huy được vai trò trong đời sống xã hội, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của các cấp chính quyền và nhân dân.
Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cơ sở, bằng việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo nhân dân tích cực tham gia các phong trào tại cơ sỏ.
Khuyến khích các tổ chức, các nhân đầu tư kinh phí xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Tranh thủ sự ủng hộ từ các nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, đảm bảo về diện tích, quy mô cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT.
Cùng với đó, huyện chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở.
VD