Những kết quả đạt được
Cùng với sự tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện đã quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, nhằm tạo điều kiện cho ấp, khu phố có được trụ sở làm việc và phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đến nay, huyện có 01 Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, 01 Nhà thiếu nhi, 01 Nhà Thi đấu Đa năng, 01 sân vận động, 11 sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân cầu lông, bóng chuyền, bể bơi...Tại các khu vui chơi dành cho trẻ em, khu quảng trường và công viên…đều được lắp đặt các dụng cụ TDTTngoài trời phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân.
Có 10/10 Trung tâm Văn hóa, thể thao xã, 99/99 trụ sở Nhà văn hóa ấp, khu phố được xây dựng hoạt động; các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí cho các ấp, khu phố; 11/11 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Huyện đã bố trí trên 300 cụm loa truyền thanh, phủ khắp trên địa bàn 99 ấp, khu phố của 11 xã, thị trấn, đảm bảo phục vụ cho công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các Trung tâm Văn hoá và Nhà Văn hoá được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các cuộc hội họp, hội thao, các hoạt động văn hoá văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, tổ chức giao lưu thể thao, …thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Hàng năm, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thu hút đông đảo VĐV, người dân tham gia. Nổi bật như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023, có trên 12.500 người,bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh và nhân dân trên địa bàn 11 xã, thị trấn trong huyện, đội hình chạy tập thể theo từng khối với cự ly chạy bộ từ 1.000 đến 1.200 mét.
Các giải thể thao được tổ chức đã tạo khí thế thi đua sôi nổi thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương. Qua đó góp phần thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do kinh phí hạn hẹp nên việc quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao của hầu hết các xã, ấp chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội họp là chính, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT. Hoạt động của các Trung tâm Văn hóa, thể thao và Học tập cộng đồng xã, trụ sở Nhà văn hóa ấp chủ yếu do cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy còn hạn chế trong tổ chức các hoạt động.
Cơ sở vật chất phục vụ thư viện chưa được quan tâm nhiều, chưa trang bị máy móc, thiết bị, phòng đọc, cán bộ phụ trách đa phần chưa qua đào tạo chuyên môn, nên công tác phục vụ, thu hút bạn đọc chưa cao.
Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao
Trong những năm tới, để đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, UBND huyện đã chỉ đạo lồng ghép việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Rà soát, sắp xếp lại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa năng, phục vụ rộng rãi các đối tượng.
Xây dựng hệ thống văn bản về cơ chế chính sách, tổ chức, quản lý, điều hành đối với các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác quản lý nhà nước vềphát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Quy hoạch, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và người dân tham gia tích cực vào việc quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa, cộng tác viên cơ sở; đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, các cấp các ngành huyện cũng đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và người dân về vai trò, tầm quan trọngcủa thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu thông tin, vui chơi, giải trí của người dân, hướng tới việc tự chủ hoạt động của các nhà văn hóa thôn, bản, tổ phố, khu dân cư.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, coi đây vừa là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, vừa trọng tâm, cấp bách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội gắn với việc tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Chính quyền các cấp cần quy hoạch quỹ đất công dành cho xây dựng các công trình phúc lợi, quỹ đất cho thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới và theo các tiêu chuẩn quy định của Bộ VHTTDL.
Kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, vốn Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa và nguồn thu theo quy định của Nhà nước,
để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
KC