You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Vĩnh Yên: chú trọng xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Thời gian qua, các cấp chính quyền TP Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo cũng như đầu tư các nguồn lực từ yếu tố con người đến cơ chế, chính sách, kinh phí, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước.. nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao. Qua đó, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe của người dân.

Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp khá đồng bộ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn… trên địa bàn thành phố đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí đảm bảo diện tích theo quy định. Trong đó, Trung tâm văn hóa, thể thao thành phố Vĩnh Yên được xây dựng với diện tích 60.500m2, gồm các hạng mục: Nhà hát nhân dân, Quảng trường Trung tâm, sân vận động, nhà thi đấu….

Công tác đầu tư, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế VH-TT trên địa bàn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Vĩnh Yên quan tâm chỉ đạo. Hệ thống thiết chế VH-TT được mở rộng về quy mô và được nâng cấp, nhiều trang thiết bị dụng cụ được lắp đặt.

Thành phố đã lắp đặt trên 500 thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời (Ảnh: VD)

Theo thống kê, hiện thành phố Vĩnh Yên có trên 30 sân quần vợt, 12 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 12 nhà tập luyện TDTT, 65 sân cầu lông ngoài trời, 150 sân bóng bàn, 9 bể bơi của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Số CLB TDTT cũng gia tăng hàng năm, hiện có trên 200 CLB, đội, nhóm tập luyện TDTT thường xuyên, trong đó tập trung ở một số môn như Quần vợt, Cầu lông, Xe đạp, Dưỡng sinh, Bóng chuyền hơi, Khiêu vũ, Yoga…). Đặc biệt, Thành phố đầu tư, huy động kinh phí xã hội hóa lắp đặt 14 điểm tập Gym, hơn 500 thiết bị luyện tập thể thao ngoài trời tại quảng trường, công viên…nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và bổ ích, thu hút người dân tham gia tập luyện TDTT một cách tự giác.

Ngoài các công trình TDTT, toàn thành phố có 13 khu công viên, vườn hoa và 1 thư viện do thành phố quản lý, 5 trung tâm VH-TT cấp xã, phường và 103 nhà văn hóa cấp thôn, TDP. Trong 2 năm trở lại đây, thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp 6 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường; xây mới, cải tạo, sửa chữa 33 nhà văn hóa; sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế dụng cụ TDTT ngoài trời tại 2 nhà văn hóa; hỗ trợ kinh phí trang bị dụng cụ TDTT ngoài trời cho 33 nhà văn hóa…

Đặc biệt, giai đoạn 2017-2020, Thành phố đã triển khai xây dựng mở rộng Nhà văn hóa tại Khu Công nghiệp Khai Quang. Công trình được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT nhằm tái tạo sức lao động cho công nhân lao động và tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động của Công đoàn các KCN tỉnh. Một số dự án các khu thiết chế VH-TT của thành phố đang được khẩn trương triển khai gồm: khu văn hóa, thể thao tại xã Định Trung với diện tích 14,1 ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2023; Dự án Công viên vui chơi giải trí thành phố tại phường Liên Bảo và xã Định Trung với diện tích 16.03 ha; Khu công viên cây xanh tại phường Hội Hợp với diện tích 17,39 ha...

Khai thác và sử dụng hiệu quả các công trình thiết chế văn hóa, thể thao

Thực hiện Đề án của UBND tỉnh về “Nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, UBND TP Vĩnh Yên đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch liên quan. Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường tăng cường công tác quản lý và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Thành phố đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên TDTT cơ sở tại 9/9 xã, phường, là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào TDTT quần chúng. Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai nhằm vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, có ý thức bảo vệ trang thiết bị, cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao.

Các thiết chế văn hóa, thể thao đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân và được sử dụng đúng công năng, mục đích, từ đó, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT trong quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện trên địa bàn thành phố có 156 CLB TDTT, 126 CLB văn hóa, văn nghệ; 40% dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, số hộ gia đình thể thao đạt 43,7%.

Nhìn chung, các thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố tới phường, xã, thôn, tổ dân phố phát huy tốt công năng sử dụng với việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, hội họp... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố còn một số hạn chế như: một số địa phương chưa có khu thiết chế văn hóa, thể thao cấp phường và 9 TDP chưa có nhà văn hóa. Dân số cơ học trên địa bàn tăng nhanh nên nhiều nhà văn hóa thôn, TDP không còn đảm bảo yêu cầu về quy mô, diện tích, không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Một số xã, phường còn lúng túng trong việc đầu tư, cải tạo, lập quy hoạch, giới thiệu địa điểm, chậm giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; một số nhà văn hóa đã được đầu tư nhưng không đồng bộ, thiết bị xuống cấp, không đảm bảo theo quy định...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thành phố đề ra các giải pháp, nhiệm vụ đó là: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các cơ quan, đơn vị, nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao của thành phố, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường rà soát, lập quy hoạch, bố trí quỹ đất và đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở; bố trí kinh phí cho hoạt động của các nhà văn hóa theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng, quan tâm xây dựng và tạo điều kiện cho các CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả…

Không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo sức hấp dẫn và thu hút người dân tham gia.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu hoàn thành mục tiêu: mỗi xã phường, thị trấn xây dựng ít nhất 2-3 mô hình CLB văn hóa, thể thao, gia đình và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố thu hút từ 40-50% người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên.

Các xã, phường, thị trấn sẽ được lắp đặt 20 bộ dụng cụ tập luyện TDTT. Các thôn, tổ dân phố sẽ lắp đặt 13 bộ dụng cụ tập luyện TDTT.

Đối với khu đất công cộng, tùy theo điều kiện, các địa phương được lắp đặt thiết bị phù hợp nhưng không quá mức hỗ trợ 15 dụng cụ đối với cấp xã, 10 dụng cụ đối với cấp thôn.

VD

Ảnh trong bài
  • Thành phố Vĩnh Yên: chú trọng xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao