You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Yên Thế: Hệ thống thiết chế Văn hóa, Thể thao góp phần thúc đẩy phong trào TDTT

Thực hiện Kế hoạch số 27/KH –UBND huyện về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đã, đang từng bước được xây dựng, nâng cấp và cơ bản đáp ứng nhu cầu tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cũng như rèn luyện TDTT của nhân dân.

Theo thống kê, toàn huyện có: 14/21 nhà văn hóa xã, 205/212 thôn, bản, phố có nhà văn hóa; 18 nhà thi đấu, tập luyện thể thao; 15 sân bóng đá cấp xã; khoảng 120 sân bóng đá cấp thôn, bản, phố; trên 180 sân bóng chuyền hơi; 03 bể bơi; 100% nhà văn hóa xã, thị trấn, thôn, bản, phố có tương đối đầy đủ các trang thiết bị như: bàn nghế, trang âm, loa đài, hệ thống loa phát thanh phục vụ hoạt động; 100% các xã, thị trấn, thôn, bản, phố có sân chơi thể thao (bóng đá hoặc bóng chuyền hoặc cầu lông…).

Đến năm 2030, huyện phấn đấu 100% xã, thị trấn có sân vận động và đầy đủ các công trình TDTT, sân chơi, bãi tập phục vụ tập luyện, thi đấu. 100% nhà văn hóa xã, thị trấn, thôn, bản, phố đạt chuẩn; xây mới, nâng cấp 24 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. 

Việc khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ở Yên Thế ngày càng phát triển (Ảnh: VD)

Công tác khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện được thực hiện hiệu quả. Trung bình hàng năm, tại các nhà văn hóa xã, thị trấn, thôn, bản, phố tổ chức hàng nghìn hội thi văn nghệ, giao lưu văn hóa – văn nghệ, thi đấu TDTT nhằm phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân cũng như phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thế có 470 CLB thể thao, trong đó có 170 CLB bóng chuyền hơi, 70 CLB dưỡng sinh, gần 100 CLB dân vũ ở các xã, thị trấn; các trường học, có 50 CLB cầu lông, 48 CLB bóng đá,... Tỷ lệ người dân luyện tập TDTT thường xuyên của huyện đạt trên 35%.

Riêng năm 2022, huyện Yên Thế đã tham gia 14 giải thể thao cấp tỉnh, trong đó đạt 05 HCV, 08 HCB, 22 HCĐ. Đặc biệt, tại Đại hội TDTT tỉnh Bắc Giang lần thứ IX năm 2022, huyện Yên Thế xếp thứ 6 toàn đoàn với 43 huy chương. Với kết quả này, huyện Yên Thế vinh dự được Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ VHTTDL tặng cờ về công tác tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở năm 2022.

Những tháng đầu năm 2023, các phong trào TDTT trên địa bàn huyện tiếp tục diễn ra sôi nổi. Các đoàn VĐV của huyện đã tham gia và thi đấu giành nhiều thành tích cao như: Giải nhất môn cầu lông nội dung đôi nam tại giải Cầu lông - Quần vợt mừng Đảng, mừng Xuân tỉnh Bắc Giang lần thứ 40 năm 2023; 01 HCV kéo co nội dung đồng đội nam, 01 HCĐ kéo co nội dung nam nữ; 03 HCV, 04 HCB, 01 HCĐ môn đẩy gậy tại Giải vô địch đẩy gậy, kéo co của tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, tuy nhiên hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở vẫn còn một số tồn tại, nhất là ở cấp cơ sở. Hầu hết các xã đều đã có quy hoạch đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao nhưng chưa đồng bộ. Một vài đơn vị vẫn còn thiếu, sân bóng đá cấp xã đa số không đủ diện tích theo quy định, kinh phí hoạt động dành cho sự nghiệp văn hóa, thể thao còn thấp (bình quân 60 triệu/xã/năm) chưa đáp ứng được cho công tác chuyên môn..

Một số xã nhà văn hóa thôn diện tích còn hạn chế, được xây dựng theo chương trình 135; đa số các nhà văn hóa thôn, bản, phố chưa có sân khấu; hệ thống trang thiết bị, dụng cụ: tăng âm, bàn ghế, dụng cụ tập luyện thể thao…còn thiếu và kém chất lượng, kinh phí hoạt động ở thôn, bản, phố hầu như do nhân dân tự đóng góp, nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT diễn ra không đồng đều. Chủ yếu tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai, ưu tiên nguồn lực và tuyên truyền vận động, từ đó ảnh hưởng đến công tác phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế của nhân dân ở một số địa phương còn khó khăn, công tác xã hội hóa để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa chưa mang lại hiệu quả– trong khi đó đây lại là nguồn lực chủ yếu; Nguồn kinh phí của tỉnh để hỗ trợ, đầu tư cho công tác xây dựng nhà văn hóa không có, chỉ có nguồn kinh phí của huyện hỗ trợ, nhưng cũng rất hạn chế so với tổng mức đầu tư của 01 nhà văn hóa (20% x với tổng giá trị xây dựng nhà văn hóa, nhưng không quá 150 triệu đồng/nhà văn hóa); Cấp thôn, bản, phố không có kinh phí hoạt động do vậy việc đầu tư xây dựng, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện... và nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, nguồn nhân lực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng rất hạn chế. Một phần do người dân đi làm ăn xa, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại các nhà văn hóa ở xã, thôn, tổ dân phố còn đơn điệu về nội dung dẫn đến người dân ít tìm đọc sách tại các thư viện xã, mà chủ yếu trực tiếp tra cứu thông tin trên mạng internet.

Từ thực tiễn trên, huyện đặt ra những giải pháp nhiệm vụ đó là: Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước các đoàn thể nhân dân và các doanh nghiệp trong thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các cấp. 

Tranh thủ nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn (chương trình 135), triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng đảm bảo có các thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Định kỳ hàng năm, phối hợp với các xã kiểm điểm đánh giá kết quả công tác chỉ đạo xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và người dân nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động giữa các cấp, các ngành, địa phương trong sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao. 

Phối hợp rà soát các quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo quỹ đất hợp lý cho các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện.

Tham mưu bố trí nguồn ngân sách huyện và xã đảm bảo cân đối, phân bổ hàng năm theo tỷ lệ chi ngân sách hợp lý trong tổng chi ngân sách địa phương. Kết hợp chặt chẽ với các nguồn vốn của Tỉnh, Trung ương để sử dụng đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao có hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội, các đoàn thể nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn, khu vui chơi gải trí…Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí gắn với các thiết chế văn hóa thể thao theo quy định của pháp luật.

Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ ở cơ sở. Tăng cường mở các lớp năng khiếu về văn nghệ, thể thao, nhằm phát hiện các nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng phục vụ cho sự nghiệp văn hóa. Tham mưu tuyển dụng đội cán bộ, HLV đảm bảo tiêu chuẩn, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện trong hoạt động chuyên môn.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu của người dân; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

VD

 

Ảnh trong bài
  • Huyện Yên Thế: Hệ thống thiết chế Văn hóa, Thể thao góp phần thúc đẩy phong trào TDTT