Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao có: 1 sân vận động có diện tích 5400m2, 01 nhà luyện tập và thi đấu cầu lông với diện tích 400m2, 01 trung tâm hội nghị với diện tích 2800m2. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì 9 nhà tập luyện TDTT, 01 sân bóng đá ngoài trời, 02 sân bóng đá mini, 80 sân tập bóng chuyền, 55 sân tập cầu lông, 35 bàn bóng bàn, 03 CLB thể hình.
Đối với cấp xã: 10 xã trên địa bàn huyện có thiết chế văn hóa, thể thao (tăng 07 nhà văn hóa) đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; Hàng năm, Sở VHTTDL tỉnh, Phòng Văn hóa- Thông tin thể thao huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và 100% cán bộ văn hóa, thể thao cấp xã được cử tham gia tập huấn).
Cấp thôn, bản: toàn huyện hiện có 65/177 thôn bản có nhà văn hóa, đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, nhiều thôn, bản chưa bố trí được quỹ đất cũng như đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như TDTT và tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Việc khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở được triển khai và thực hiện hiệu quả. Hàng năm, huyện đều tổ chức các giải thể thao, hội thi VHVN, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Cùng với đó, hầu hết các thôn, khu phố trên địa bàn huyện đến nay đã thành lập các tổ, đội, CLB VHVN, TDTT và chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện đóng góp kinh phí để tập luyện cũng như duy trì hoạt động. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT diễn ra sôi nổi, thường xuyên đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể trạng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc duy trì tổ chức các hoạt động ở một số địa phương trên địa bàn huyện còn hạn chế, mang tính đơn điệu, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ sở vật chất hiện có. Một số xã mặc dù được quan tâm đầu tư, song hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa đồng bộ. Trong đó các thiết chế thể thao như nhà thi đấu đa năng cấp xã rất cần thiết cho việc tổ chức các hoạt động rèn luyện cũng như thi đấu TDTT hiện nay chưa được đầu tư xây dựng. Hiện mới chỉ có 4 xã có nhà thi đấu TDTT gồm Mường Chung, Mường Mùn, Nà Sáy, Tòa Tình).
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu mới chỉ thực hiện ở các khu trung tâm, thị trấn và một số xã có điều kiện kinh tế phát triển. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, nhân dân về vai trò, vị trí cũng như tác động của các thiết chế văn hóa, thể thao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tuy đã có chuyển biến nhưng chưa sâu rộng.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở.
Tăng cường củng cố chất lượng tiêu chí về văn hóa; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của các khu dân cư, đoàn thể, CLB, nhằm tạo sự mới mẻ, phong phú về nội dung cũng như hình thức, qua đó thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Khuyến khích việc thành lập các loại hình CLB, tổ chức đa dạng, phong phú hoạt động VHVN, TDTT phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi...
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng cũng như khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị cũng như nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Đặc biệt, huyện tiếp tục đẩy mạnh nâng cao vai trò của nhân dân trong việc hưởng ứng, tham gia xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
VD