You must configure this module first via "Module Settings"

Lạng Sơn: từng bước đẩy mạnh công tác XHH TDTT

Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội của Lạng Sơn không ngừng phát triển với tốc độ nhanh. Đó chính là một trong những điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn triển khai và thực hiện tốt công tác XHH các lĩnh vực: văn hoá, giáo dục, TDTT, Y tế... theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Chính phủ.

Đặc biệt, được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành cũng như sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân, công tác XHH TDTT đã đạt được những kết quả đáng biểu dương, tạo đà cho phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong năm qua, ngành TDTT Lạng Sơn đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT, đồng thời đưa nội dung này vào các chương trình, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. 

Theo đó, các cơ sở TDTT, các Trung tâm VH - TT tại cơ sở xã, phường, thị trấn từng bước được xây dựng, hoàn thiện và duy trì hoạt động. Nguồn kinh phí để tổ chức các giải thể thao quần chúng, cũng như xây dựng cơ sở vật chất TDTT cho địa phương do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,c đơn vị kinh tế tài trợ chiếm khoảng 60%.

Cùng với việc tận dụng các cơ sở vật chất hiện có, nhiều công trình như: sân tập, nhà văn hoá - thể thao... được cải tạo lại để sử dụng cho những môn thể thao đơn giản, nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của các tầng lớp nhân dân. Ngoài nguồn kinh phí do nhà nước đầu tư để xây dựng các công trình TDTT công cộng, trên địa bàn tỉnh, đã có không ít cá nhân, đơn vị, tự đầu tư kinh phí  để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu TDTT của nhân dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tạo điều kiện về mọi mặt để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại địa phương như: khu sân Golf Phai Trần, Nhà tập luyện thể thao thị trấn Văn Quan...

Hiện tại, toàn tỉnh có 12 SVĐ cấp huyện, 1 SVĐ cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn, 26 Nhà tập thể thao, 1 Nhà thi đấu, 150/226 xã có sân chơi, bãi tập. Tuy chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nhưng những thiết chế này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đạt chất lượng ngày càng cao. Năm 2008, các chỉ số về TDTT đều tăng, cụ thể số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên khoảng 158.000 người (chiếm 18,2%, năm 2000 chỉ có 9%), số gia đình thể thao là 10.745...  thành tích đó là kết quả tất yếu của sự chỉ đạo đúng hướng trong việc triển khai có hiệu quả công tác XHH các hoạt động TDTT.

Song song với những kết quả đã đạt được, công tác XHH TDTT ở Lạng Sơn còn dàn trải, chủ yếu tập trung ở thành phố, các thị xã, khu đông dân cư. Trong khi đó, ở những vùng sâu, vùng xa như: Bắc Sơn, Chi Lăng, Cao Lộc...  mặc dù đã được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT, theo Quyết định 100 của Thủ tướng Chính Phủ, nhưng mức độ còn thấp, nhiều thôn, xã có nhà văn hoá - thể thao, nhưng diện tích nhỏ hẹp, không đảm bảo các yêu cầu cho việc tập luyện TDTT của nhân dân (thậm chí có những nhà văn hoá - thể thao được xây dựng không phát huy được hiệu quả). Việc chuyển đổi các cơ sở TDTT công lập sang loại hình ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý; nhận thức của một bộ phận cán bộ, dân cư chưa đầy đủ về xã hội hoá TDTT...

Năm 2009, để Nghị Quyết 05/NQ-CP đạt hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực xã hội hoá TDTT, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Sở VH,TT&DL Lạng Sơn tiếp cần tục tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác TDTT; không ngừng đổi mới các hình thức, biện pháp quản lý Nhà nước về TDTT; chuyển giao việc điều hành, tổ chức thi đấu, hoạt động TDTT cho các tổ chức xã hội; khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ TDTT tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, kinh doanh, dịch vụ TDTT, phát huy sức mạnh tổng hợp của 3 lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở TDTT mang tính chủ đạo, vùng sâu, vùng cao biên giới...

Việt Dũng - Hiền

Ảnh trong bài
  • Lạng Sơn: từng bước đẩy mạnh công tác XHH TDTT