You must configure this module first via "Module Settings"

Quảng Bình với công tác xã hội hoá TDTT

Sau gần 3 năm, thực hiện chủ trương xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về đầu tư cơ sở vật chất cũng như các phong trào TDTT trên địa bàn, thể thao Quảng Bình đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là công tác xã hội hoá TDTT.

Hệ thống cơ sở vật chất như: sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu từ cấp tỉnh đến cơ sở đều được quan tâm; việc huy động các nguồn lực để nâng cấp xây dựng các công trình TDTT, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu TDTT đã được đầu tư nhất định. Mặc dù, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, từ công tác xã hội hóa, đã huy động được hàng trăm triệu đồng để tổ chức các môn thi, các ngày hội thể thao như: Bơi chải, Vật, Cà kheo, Bắn nỏ... Việc huy động kinh phí để xây dựng sân chơi bãi tập và tổ chức thi đấu ở địa phương đều được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Mỗi năm, Quảng Bình tổ chức được trên 10 giải thi đấu cấp tỉnh, 13 đến 15 giải đấu cấp ngành, từ 60 đến 70 các giải đấu cấp huyện và hàng nghìn giải thi đấu cấp xã, phường, thôn, bản. Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình đã tự túc được một phần kinh phí để tổ chức CLB võ thuật, các lớp dạy Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cờ tướng, Bơi…, thu hút hàng trăm em tham gia.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh Quảng Bình cũng gặp nhiều khó khăn. Là một tỉnh còn nghèo, việc phát huy mọi tiềm lực chưa cao. Các doanh nghiệp kinh tế của Nhà nước và tư nhân ở Quảng Bình còn ít về số lượng, do vậy việc huy động tài trợ các giải đấu chưa nhiều, chưa mạnh; Hệ thống thiết bị tập luyện tại một số cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ.

Để khắc phục tình trạng trên, trong những năm tới, tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tập luyện và ủng hộ các phong trào TDTT của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình tổ chức TDTT ở cơ sở; khuyến khích mọi tập thể và cá nhân đầu tư vào các công trình TDTT; Sản xuất, lưu thông dụng cụ, thiết bị tập luyện và thi đấu TDTT; Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, HLV cho các cơ sở TDTT trong toàn tỉnh; khuyến khích thành lập và xây dựng các bộ môn, các CLB TDTT của cá nhân và tập thể… Với những kết quả đã đạt được trong năm qua, chắc chắn, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ có bước phát triển trong những năm tới.

N.H

Ảnh trong bài
  • Quảng Bình với công tác xã hội hoá TDTT