You must configure this module first via "Module Settings"

XHH TDTT: hiệu quả từ mô hình thể thao tư nhân

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, việc bảo vệ sức khoẻ con người cũng vì thế được quan tâm hơn. Số người tham gia tập luyện TDTT không chỉ còn giới hạn ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển như các thành phố, thị xã, khu đông dân cư mà đã trở thành phong trào rộng khắp ở các vùng nông thôn.

Với số lượng người tham gia tập luyện TDTT không ngừng tăng thì nhu cầu có nhiều sân tập, phòng tập TDTT đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân đang ngày càng trở nên cần thiết. Chính vì vậy, cùng với với việc Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống các công trình TDTT công cộng phục vụ tập luyện TDTT trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học... tại các địa phương trên cả nước, nhiều hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp... đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình TDTT phục vụ cho việc tập luyện của nhân dân.

Ước tính cả nước đã có trên 22.000 công trình TDTT ngoài công lập được xây dựng, chiếm gần 40% tổng số công trình TDTT hiện có. Số công trình TDTT ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các địa phương có nền kinh tế, xã hội phát triển, trong đó nhiều nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Long An, An Giang... Các công trình TDTT có vốn đầu tư khá lớn (có những công trình lên tới vài chục tỷ đồng) do tư nhân đầu tư xây dựng đều đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho việc tập luyện các môn thể thao, đáp ứng được phần nào nhu cầu ngày càng cao của người dân. Các cơ sở TDTT ngoài công lập chủ yếu tập trung ở một số môn như: Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt... 

Qua đây có thể khẳng định, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 05/2005 NQ-CP và Nghị định số 53/2006/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích các cơ sở ngoài công lập hoạt động TDTT, đã tạo điều kiện để các cơ sở  này không ngừng phát triển với số lượng cũng như chất lượng. Sự đa dạng về loại hình cùng với những hoạt động phong phú đã tạo điều kiện để người dân tham gia tập luyện TDTT ngày một tăng (trung bình mỗi năm số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng 1%). Điều đó cho thấy chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực trong đó có TDTT đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế - xã hội tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Trước xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế và TDTT, đòi hỏi các cơ sở ngoài công lập phải nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong xã hội.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa TDTT đã làm phong phú các loại hình tập luyện từ các địa phương đến phong trào chung của cả nước. Nhiều cơ sở TDTT của các tổ chức và tư nhân được thành lập và hoạt động có hiệu quả, phù hợp với đặc thù của địa phương và điều kiện hoạt động, sản xuất của các cơ quan, đơn vị. Có vô vàn những doanh nghiệp như: Tập đoàn Đông Nam Dược Bảo Long (Hà Nội), Bình Điền Long An, Gạch Đồng Tâm Long An (Long An), Than khoáng sản (Quảng Ninh)... là những doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực cho hoạt động xã hội hoá lĩnh vực TDTT. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn có những cơ sở TDTT được xây dựng chỉ vì mục đích lợi nhuận mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng tập luyện (trang thiết bị phục vụ cho tập luyện cũ kỹ, lạc hậu; không có giáo viên hướng dẫn nên hiệu quả thấp... ).

Để tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ này, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho các hoạt động TDTT, Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách, chế độ khuyến khích đối với tư nhân trong việc đầu tư trên các lĩnh vực xây dựng: cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài trợ, bảo trợ các đội tuyển thể thao và đào tạo tài năng thể thao một cách phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó không ngừng vận động các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở TDTT bán công, dân lập, tư nhân hoạt động theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho phép liên doanh với nước ngoài xây dựng các cơ sở thể thao giải trí quy mô lớn để vừa phục vụ, vừa kinh doanh và chịu sự quản lý của Nhà nước... Có như vậy, tiềm năng và nguồn lực của xã hội sẽ được khơi dậy mạnh mẽ, góp phần phát triển các phong trào TDTT, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân.

 
Việt Dũng

Ảnh trong bài
  • XHH TDTT: hiệu quả từ mô hình thể thao tư nhân