Trong những năm qua, để làm tốt công tác xã hội hoá TDTT Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tại địa phương về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao từ các cấp cơ sở. Qua đó, nhận thức của người dân trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình đã được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội đã tự giác, tự nguyện tham gia vào các hoạt động TDTT. Các cấp ủy và chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT gắn với quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên phong trào TDTT rộng lớn trong nhân dân.
Đặc biệt, công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT trong tỉnh ngày càng được quan tâm. Hàng năm, ngành TDTT đã ký kết, triển khai chương trình liên tịch với các ngành, đoàn thể như: ngành Giáo dục - Đào tạo, Công an, Quân đội, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Báo, Đài phát thanh và Truyền hình... nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên và các tầng lớp xã hội tham gia hoạt động TDTT, đẩy mạnh các hoạt động TDTT đến mọi đối tượng trong cộng đồng, đồng thời thu hút nhiều nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động TDTT.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 850 Câu lạc bộ, điểm tập TDTT cơ sở, nhiều câu bạc bộ TDTT trong các trường học, đơn vị lực lượng vũ trang được thành lập thu hút đông đảo học sinh, cán bộ, chiến sĩ tham gia và hoạt động thường xuyên; Các liên đoàn Thể thao: Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt hoạt động có hiệu quả.
Cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT cũng được tăng lên đáng kể. Hiện nay tỉnh đã giao cho ngành TDTT đang tích cực triển khai dự án khu liên hợp Thể thao, đang triển khai xây dựng mới nhà thi đấu đa năng tại phường Hoàng Diệu, xã Đông Hoà 3.000 chỗ ngồi; triển khai trụ sở làm việc, nhà ở cho VĐV. Các huyện, thành phố, cơ sở cơ bản hoàn thành việc quy hoạch đất cho xây dựng công trình Thể thao. Hiện nay, toàn tỉnh có 373 sân Bóng đá (60m-50m), 8 Bể bơi đạt tiêu chuẩn, 948 sân Bóng chuyền, 1.505 sân Cầu lông, 957 bàn Bóng bàn, 17 sân Quần vượt (trong đó có 9 sân do tư nhân đầu tư), phục vụ phong trào TDTT.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được. Song công tác xã hội hoá TDTT ở các cơ sở phát triển chưa đều, chất lượng giáo dục thể chất khối tiểu học còn hạn chế vì thiếu giáo viên chuyên trách, việc triển khai Quyết định 100/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010 còn chậm; thành tích tham gia một số giải khu vực, toàn quốc đạt thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phong trào còn nhiều khó khăn, nhất là ở một số xã nghèo. Điều đó, làm cho công tác xã hội hoá TDTT tại tỉnh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng với những kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển thể thao tại Tỉnh Thái Bình nói chung và ngành TDTT nước nhà nói riêng.
N.H