You must configure this module first via "Module Settings"

Những kết quả nổi bật của TDTT Thái Bình sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT

Qua 10 năm triển khai và thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược), công tác TDTT của tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các hoạt động TDTT diễn ra ở khắp các địa bàn dân cư, thu hút mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội tham gia tập luyện. Chính sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào TDTT trong nhân dân đã tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng dân cư.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác TDTT trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, tuổi thọ của người dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo, quán triệt các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo công tác TDTT bảo đảm thực hiện thành công nội dung Chiến lược. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để việc triển khai thực hiện Chiến lược đạt kết quả tốt nhất.

 

Phong trào tập luyện TDTT được đông đảo nhân dân tham gia thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Đặc biệt trọng tâm là cuộc vận động  “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và "chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới" đã giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, tác dụng của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực cũng như đời sống tinh thần. Phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, với những hoạt động phong phú, đa dạng. Nhiều người dân đã lựa chọn những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực và đặc thù công việc của mình để tập luyện hàng ngày. Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên, như: Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền hơi, Bơi lội, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Yoga, Dance Sport, Dân vũ, Cờ vua, Cờ tướng... Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Kéo co, Đẩy gậy, Thả Diều, Pháo đất, Đấu vật... cũng được các địa phương thường xuyên tổ chức vào các dịp Lễ, Tết của địa phương, dân tộc (Hiện nay, Thái Bình có hàng trăm Lễ hội, trong đó có nhiều Lễ hội lớn như: Lễ hội Đền Trần, Lễ Hội Chùa Keo, Lễ hội Đền Tiên La, Lễ hội Bơi chải trên sông Diêm, Lễ hội ông Đùng - Bà Đà...) đã góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT.

Những kết quả nổi bật của TDTT Thái Bình sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT

Bóng chuyền là môn thể thao được đông đảo người dân Thái Bình yêu thích tập luyện (Ảnh: D.Hà)

Hằng năm, trung bình trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ tỉnh đến cơ cở tổ chức khoảng gần 1000 giải thể thao quần chúng thu hút đông đảo cán bộ, quần chúng, nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng dân cư. Trong đó, nhiều giải thể thao đã trở thành giải truyền thống được tổ chức thường xuyên hàng năm như: giải Việt dã tranh cúp báo Thái Bình, giải Cầu lông tranh cúp Mizuno, giải Quần vợt cúp Hữu Nghị...  Đặc biệt, từ năm 2010 - 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thành công 03 kỳ Đại hội TDTT các cấp (lần thứ VI -2010, lần thứ VII -2014, lần thứ VIII -2018. Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn, huyện đều tổ chức Đại hội TDTT và thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học luôn được tỉnh quan tâm và chỉ đạo sát sao ngành GD&ĐT thực hiện nghiêm túc các nội dung Nghị định số 15/2015/CP về phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, Đề án Tổng thể phát triển Giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Nhờ đó, 100% các trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa. 100% các trường Tiểu học, Trung học cơ sở đều tổ chức dạy học tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục thể chất với quốc phòng, an ninh và các môn học khác. Công tác kiểm tra, đánh giá thể lực theo lứa tuổi học sinh được duy trì thường xuyên hàng năm và theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT với đại đa số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Bên cạnh đó, hoạt động TDTT ngoại khóa trong các trường luôn được quan tâm, tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng. Mô hình các CLB TDTT trong trường học phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các trường đều có từ 3-5 CLB TDTT, chủ yếu ở các môn, như: Cầu lông, Bóng bàn, Bóng rổ, Bóng chuyền... thu hút đông đảo các em học sinh tham gia, đáp ứng niềm đam mê, nhu cầu vui chơi, giải trí và phát triển năng khiếu thể thao. Nhiều giải thể thao trong trường học được tổ chức thường niên nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày thành lập Đoàn TNCSHCM và Hội khỏe Phù Đổng các cấp. Hiện 100% giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất tại các trường trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn theo quy định. Hàng năm, đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ thông qua những lớp tập huấn do Trung ương và tỉnh tổ chức.

Đặc biệt, thực hiện chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã phê duyệt Đề án dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, Trung học cơ sở. Trong 3 năm từ 2017-2020, tỉnh đã tổ chức trên 500 lớp dạy Bơi, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia tập luyện. Cơ sở vật chất trong các nhà trường, trong đó có việc xây dựng các bể bơi được quan tâm, tạo điều kiện. Đến nay, toàn tỉnh có trên 20 bể bơi cố định và hàng chục bể bơi di động đã được cấp phép.

Phong trào TDTT trong các cơ quan, đơn vị, các khu công nghiệp ngày càng được quan tâm và phát triển sâu rộng. Hàng năm, các ngành, các khu công nghiệp đều tổ chức Hội thao chào mừng các ngày Lễ lớn của dân tộc. Phong trào TDTT trong người cao tuổi phát triển mạnh mẽ, rộng rãi. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT cấp xã, phường, thị trấn được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Trong giai đoạn 2010- 2020, từ tỉnh đến huyện đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn về hướng dẫn công tác TDTT cơ sở.

Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả cùng với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân trong việc triển khai và thực hiện Chiến lược, công tác TDTT quần chúng của tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 35% dân số thường xuyên tập luyện TDTT vượt 2% so với chỉ tiêu chiến lược đề ra; số gia đình tập luyện TDTT đạt 25% hoàn thành chỉ tiêu so với chiến lược. Toàn tỉnh hiện có trên 1500 CLB TDTT cơ sở, 03 Liên đoàn thể thao được thành lập gồm: Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Quần vợt và Liên đoàn Bóng bàn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh đã có những bước pát triển vượt bậc. Từ 2010- 2020, các đoàn VĐV của tỉnh đã giành 1.599 huy chương các loại, trong đó có 130 huy chương quốc tế. Có từ 15-20 HLV, VĐV xuất sắc được gọi vào đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia. Đặc biệt, tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, thể thao Thái Bình đã giành tổng cộng 144 huy chương các loại (40 HCV, 49 HCB, 55 HCĐ). Thái Bình đã có 2 VĐV giành vé tham dự Olympc London 2012 và Rio 2016 đó là VĐV Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền (Đua thuyền, Rowing), giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ  tại ASIAD 17, 18; Bùi Trường Giang giành 2 HCB tại ASIAD 17, 18 và Tại SEA Games 30, các VĐV Bùi Thị Huệ (Bóng chuyền), Lê Thị Mười (Bóng chuyền), Phạm Thị Hiên và Bùi Thị Hiền (Điền kinh), đã giành 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Ngoài ra phải kể tới những gương mặt như Bùi Đình Khá (Lặn), Nguyễn Thị Bình Thơ (Cầu lông)... Để thể thao thành tích cao Thái Bình đi đúng định hướng và đạt  được những kết quả trên, ngành TDTT tỉnh đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao thế mạnh truyền thống như Bóng chuyền, Đua thuyền, Cầu lông, Võ, Vật, Điền kinh... Hiện Thái Bình có 35 HLV, 100% đạt trình độ Đại học trở lên, 21 HLV Hạng II và 14 HLV hạng III.

Để có được kết quả trên, hệ thống cơ sở vật chất cho TDTT từng bước được quan tâm. Nếu như năm 2010, chỉ có 40% phường, xã, thị trấn của tỉnh bố trí đất dành cho TDTT và đa số đã xây dựng được sân vận động trung tâm, sân chơi, bãi tập gắn với nhà văn hóa, sân thể thao thôn thì đến năm 2020, con số này đã đạt 100%. Các sân vận động của xã, sân chơi của thôn đều đảm bảo về diện tích, cơ bản đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu thể thao quần chúng của nhân dân. Sau 10 năm triển khai thực hiện chiến lược, số công trình TDTT của tỉnh đã có sự tăng lên đáng kể. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 2 Nhà thi đấu đa năng (1 nhà thi đấu đa năng đạt tiêu chuẩn quốc gia và 1 nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế); 3 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 2 bể bơi, 1 sân quần vợt và 5 sân tập, 1 sân vận động... Ngoài ra còn có Nhà thi đấu Trung tâm HL&TĐTT, Nhà thi đấu Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, Cung văn hóa Thiếu nhi,...  cùng nhiều trang thiết bị tập luyện hiện đại khác phục vụ cho công tác huấn luyện. Trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thành phố hầu hết đều đã được đầu tư nâng cấp, xây mới phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều có nhà thi đấu các môn như Cầu lông, Bóng bàn, sân Quần vợt... Bên cạnh hệ thống cơ sở vật chât do nhà nước đầu tư, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân cỏ bóng đá nhân tạo, phòng tập Gym, Yoga, sân Quần vợt, Bể bơi... Nhờ đó đã góp phần mở rộng, đa dạng hóa các loại hình TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT ngày càng cao của người dân ở mọi lứa tuổi, thành phần.

Cùng với những kết quả đã đạt được, công tác TDTT của tỉnh Thái Bình trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại như: Phong trào phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các khu đô thị, thành phố, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT ở khu vực nông thôn còn thấp; Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện ngày càng được đầu tư nhưng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là ở cấp huyện, thị xã, thị trấn và các cơ sở giáo dục. Thể thao thành tích cao của một số môn truyền thống đang có dấu hiệu đi xuống như môn Bóng chuyền; Cơ chế chính sách đãi ngộ cho HLV, VĐV tuy đã được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa thu hút dược tài năng thể thao, nhất là chế độ tiền lương, giải quyết việc làm sau khi giải nghệ.

Trước thực trạng trên, ngành TDTT Thái Bình đặt ra một số giải pháp đó là: cần có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; Tiếp tục thực hiện lồng ghép các hoạt động TDTT với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Tăng cường các hoạt  động TDTT hướng về cơ sở, duy trì việc mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài thể thao; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các môn thể thao thế mạnh, xây dựng chính sách đãi ngộ bảo đảm đời sống cho HLV, VĐV...

D. Hà