You must configure this module first via "Module Settings"

Phong trào Thể dục thể thao ở huyện Ngọc Lặc – Thanh Hóa

Ngọc Lặc được biết đến là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn với địa hình phức tạp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Dao, Thái..), đã ít nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, xã hội, trong đó có phong trào thể dục thể thao. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2010 đến nay, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, công tác thể dục thể thao trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã có những bước tiến vượt bậc cả về bề rộng lẫn chiều sâu và có sức lan toả mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức khỏe cũng như đời sống tinh thần cho người dân.

Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống

Để công tác TDTT ngày càng phát triển, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ngọc Lặc luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nhằm chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe, thể lực, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động rèn luyện thân thể để nâng cao sức khỏe cũng như tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và bổ ích. Đặc biệt, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: Nghị quyết số 08/NQ-TW, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... đã được các cấp chính quyền huyện chú trọng tuyên truyền sâu rộng, dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, các hoạt động văn hoá văn nghệ - thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp và được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Nhiều CLB Bóng chuyền tại các xã, thôn của huyện 

Hằng năm, huyện tổ chức nhiều giải thể thao phong trào cho người dân mọi lưá tuổi trên địa bàn huyện tham gia, như: Tổ chức ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân thu hút hàng nghìn người tham gia; tổ chức giải bóng chuyền nam, nữ; giải cầu lông công nhân, viên chức, lao động...

Đặc biệt, các địa phương ngoài phát triển các môn thể thao hiện đại, các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian cũng được chú trọng khai thác, tổ chức. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được tổ chức gắn liền với các ngày lễ, tết của dân tộc, địa phương, trong đó phải kể đến các lễ hội lớn của huyện như: Lễ hội Đền Tép, Lễ hội Bàn Bù, Ngày hội văn hóa - TDTT các dân tộc cấp huyện...

Trong số các môn thể thao trên thì bóng chuyền là một trong những môn thể thao được nhân dân trong huyện yêu thích với số lượng người tham gia luyện tập thường xuyên đông nhất. 100% các thôn, xã trên địa bàn huyện đều có các đội bóng chuyền nam, nữ, duy trì tập luyện thường xuyên, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, thi đấu, từ quy mô cấp xã trở lên. 

Cùng với bóng chuyền, từ lâu các môn đẩy gậy, kéo co, tung còn... đã trở thành những môn thể thao quen thuộc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Không chỉ xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội truyền thống của bà con dân tộc mà các môn thể thao dân tộc nói trên đã được người dân tham gia tập luyện, thi đấu thường xuyên. Từ thôn, bản đến cấp xã đều có các đội tuyển, sẵn sàng tham gia giao lưu, thi đấu tại các hội thi, giải đấu do huyện tổ chức. Việc duy trì phong trào tập luyện tại cơ sở đã góp phần tạo ra nguồn VĐV phong trào chất lượng cao, được ngành văn hóa – thể thao của huyện tuyển chọn, đầu tư và trở thành lực lượng VĐV tiêu biểu đại diện cho huyện tham gia các giải đấu cấp tỉnh, hội thi thể thao dân tộc toàn quốc và giành nhiều giải thưởng cao. Gần nhất tại Đại hôi TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII, đoàn vận động viên huyện Ngọc Lặc đã thi đấu xuất sắc giành vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng huy chương của Đại hội và xếp vị trí thứ Nhất trong 11 huyện miền núi của tỉnh.

Ngoài ra, huyện cũng đã thí điểm đưa một số môn thể thao dân tộc vào chương trình giáo dục thể chất tại các trường học góp phần nâng cao thể chất, giáo dục toàn diện cho học sinh, đa dạng hóa phong trào thể thao học đường, đồng thời cũng là để thế hệ trẻ tiếp tục nối tiếp, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh những môn thể thao dân tộc căn bản, huyện cũng bổ sung thêm một số môn mới, điển hình như Vovinam. Bằng hình thức xã hội hóa hoàn toàn, các CLB vovinam trên địa bàn huyện đã hoạt động khá sôi nổi nhiều năm nay, thường xuyên giành được huy chương, thành tích toàn đoàn tốt tại Hội diễn các CLB vovinam toàn tỉnh được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng ở Ngọc Lặc phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn huyện có trên 39% số người tập luyện TDTT thường xuyên, trên 33% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Công tác giáo dục, rèn luyện thể chất trong nhà trường cho học sinh được chú trọng, 100% trường đảm bảo giảng dạy môn giáo dục thể chất theo đúng quy định; nhiều trường có hoạt động ngoại khóa thường xuyên, thu hút đông đảo học sinh tham gia tập luyện các môn: Bóng đá, Cầu lông. Thông qua các giờ học thể chất, hoạt động thể thao học đường đã không chỉ nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất mà còn góp phần rèn luyện ý chí, kỷ luật và lối sống lành mạnh cho học sinh.

Công tác thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang được duy trì, đảm bảo 100% cán bộ, chiến sỹ đảm bảo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định. Số CLB TDTT trong huyện không ngừng gia tăng, đến nay toàn huyện có gần 50 CLB TDTT, trong đó tập trung nhiều nhất là ở hai môn bóng chuyền (25 CLB từ huyện đến xã, thôn) và vivonam (10 CLB)...

Thông qua phong trào TDTT quần chúng đã xuất hiện nhiều gương mặt ưu tú cung cấp cho thể thao thành tích cao của tỉnh. Tiêu biểu như ở môn Điền kinh phải kể đến những gương mặt xuất sắc không chỉ của Thể thao xứ Thanh mà còn là những gương mặt Vàng của Điền kinh Việt Nam như: Lê Trọng Hinh (xã Phùng Giáo) - HCV SEA Games 28; Quách Công Lịch - HCV, HCĐ SEA Games 30; Quách Thị Lan - HCV nội dung tiếp sức 4x400m SEA Games 30 (xã Ngọc Liên); hai anh em cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng (xã Phúc Thịnh) - HCB giải Vô địch châu Á 2019... ; Cùng với đó phải kể đến nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng của thể thao Thanh Hóa nói riêng, Thể thao Việt Nam nói chung được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Ngọc Lặc như: Lê Thị Phương, Nguyễn Thị Phương (Điền kinh), Phạm Thị Hiền hay Lê Thị Thu (Lặn) - Đạt 3HCV, 1HCB ở giải vô địch các nhóm tuổi, phá hai kỷ lục; 4HCV giải vô địch trẻ toàn quốc, phá 3 kỷ lục; 1HCĐ giải vô địch quốc gia; 2HCV, 1HCB, 1HCĐ giải vô địch trẻ châu Á tại Đài Loan., Phạm Thị Vân (Bơi lội)  - 4 HCV (ở các cự ly 100m và 50m tự do, 100m và 50m bơi ngửa), 1 HCĐ (ở cự ly 400m tự do) giải trẻ vô địch quốc gia, HCV - giải trẻ Đông Nam Á...

Chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế thể dục thể thao ở cơ sở

Cùng với quy hoạch quỹ đất và đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từ huyện đến thôn, tổ dân phố bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, loa đài, dụng cụ TDTT… dần được bổ sung, cải thiện cả về số lượng, quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân.

Thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Ngọc Lặc đã không ngừng nỗ lực trong việc quy hoạch quỹ đất và xây dựng hệ thống thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Theo đó, đến nay 21 xã và 1 thị trấn của huyện đều có quỹ đất độc lập để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Toàn huyện có 8/21 xã, thị trấn có Nhà văn hóa đa năng, có sân vận động, sân thể thao đạt 38,1%; 210/213 thôn có Nhà Văn hóa - Khu thể thao, trong đó có 170 Nhà Văn hóa - Khu thể thao đạt yêu cầu, đạt 80%. Phấn đấu đến cuối năm 2020, có 95% hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã được sử dụng, trong đó có 9/21 xã, thị trấn đạt chuẩn theo quy định; 100% số thôn trong huyện có nhà văn hóa thôn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện được sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của địa phương, trong đó có việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và cũng chính là địa điểm lý tưởng để người dân tham gia rèn luyện thân thể, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần.

Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa - TDTT ở cơ sở khá hoàn chỉnh, hiện nay, ngoài hệ thống các công trình thể thao do nhà nước đầu tư xây dựng, toàn huyện có 114 sân bóng đá, trong đó có 22 sân bóng đá đạt chuẩn, 3 sân bóng đá mini làm bằng cỏ nhân tạo; 305 sân bóng chuyền (mỗi làng có ít nhất từ 1-2 sân bóng chuyền)... Đặc biệt trong những năm gần đây, do đẩy mạnh công tác XHH trong lĩnh vực TDTT, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân như sân bóng cỏ nhân tạo, phòng tập thể hình, phòng tập gym, Yoga...  Ước tính số tiền thu được từ nguồn XHH lên tới hàng tỷ đồng/năm. Đây chính là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển, đồng thời giảm tải những khó khăn về kinh phí khi ngân sách nhà nước cấp cho TDTT còn hạn hẹp. Các sân chơi, nhà tập luyện từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết góp phần đưa phong trào TDTT của huyện Ngọc Lặc phát triển mạnh mẽ.

Theo chia sẻ của ông Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc: Phong trào TDTT quần chúng trong toàn huyện đã đi sâu vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, từ cơ quan, trường học đến các hộ gia đình, tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nhân dân. Tại các khu dân cư, tùy theo từng độ tuổi và sở thích, mỗi người dân có thể tự lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp. Tại các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công nhân viên chức có thể tham gia các môn thể thao vận động như cầu lông, bóng bàn... giúp giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi sau giờ làm việc, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh, bổ ích.

Trong thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới; Đồng thời, chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV có năng khiếu; tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất tập luyện TDTT; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển TDTT, đặc biệt là xã còn nhiều khó khăn; Nhân rộng mô hình các CLB TDTT, nhất là các CLB thể thao dân tộc.

Bài, ảnh VD