Thi đấu giao hữu bóng đá tại sân cỏ nhân tạo ở xã hữu bằng (Ảnh: Internet)
Là huyện ngoại thành cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng trên 30km, huyện Thạch Thất gồm 23 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 22 xã. Thạch Thất có vị trí địa lý thuận lợi, là vùng bán sơn địa với nhiều nghề truyền thống và các trục giao thông lớn chạy qua nên thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Thạch Thất còn phát triển thương mại, dịch vụ,.. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Thạch Thất phát triển TDTT theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đầu tư xây dựng các công trình TDTT nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân.
Đến với Thạch Thất vào những dịp đầu Xuân, trên khắp các xã, thị trấn của huyện, đâu đâu cũng thấy không khí sôi nổi tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao như: Vật, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông,.. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cũng thường xuyên duy trì các hoạt động thể thao, các giải đấu giao lưu với quy mô lớn nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Số lượng các giải đấu phong trào ngày càng lớn và số đội tham gia các giải đấu đến từ các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị cũng không ngừng gia tăng, trong khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho TDTT còn hạn hẹp, bởi vậy ngành VHTT huyện đã không ngừng đẩy mạnh các biện pháp để huy động các nguồn lực cùng chung tay đóng góp kinh phí cho việc tổ chức các giải thi dấu thể thao. Bời vậy, từ nhiều năm nay, hầu hết các giải thi đấu thể thao truyền thống đều được tổ chức theo hình thức xã hội hóa.
Phong trào TDTT phong trào “Toàn dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao theo gương Bác Hồ” được duy trì và phát triển đã góp phần tạo nên diện mạo mới về TDTT của huyện. được xây dựng và phát triển đều khắp trong mọi đối tượng trên địa bàn toàn huyện. Các chỉ tiêu về số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao, câu lạc bộ TDTT cơ sở năm nào cũng đạt và vượt so với kế hoạch. Các hoạt động TDTT hàng ngày đã trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu được của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện toàn huyện có 42% số người tập luyện thường xuyên; 31% số gia đình thể thao; Số CLB TDTT đơn môn và đa môn không ngừng tăng, năm 2017, toàn huyện chỉ có 150 CLB TDTT nay con số này đã tăng lên 220 Câu lạc bộ. Các CLB TDTT duy trì hoạt động thường xuyên và luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện hàng ngày. Ngoài việc phát triển các loại hình CLB TDTT, để duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao cần phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và luôn được huyện quan tâm thực hiện hàng năm. Trung bình hàng năm Trung tâm VHTT huyện chỉ đạo và phối hợp tổ chức hàng trăm giải thể thao từ cơ sở đến cấp huyện. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung tâm VHTT huyện đã tổ chức 115 giải thi đấu thể thao ở các xã, thị trấn tổ chức 27 giải thể thao cấp huyện; tập huấn các đội tuyển và tham gia thi đấu 15 giải thể thao do Thành phố tổ chức. Trong đó, cấp huyện, hàng năm có trên dưới 10 giải thể thao được duy trì tổ chức thường xuyên theo hình thức xã hội hóa điển hình như giải Việt dã huyện Thạch Thất, giải Bóng đá thanh niên, giải Bóng đá công an huyện.... Đây là các giải đấu thường niên và được tổ chức bằng nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đóng góp vào sự thành công trong công tác xã hội hóa TDTT ở Thạch Thất phải kể đến các đơn vị làm tốt công tác huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện như xã Hữu Bằng, Chàng Sơn, Thị trấn Liên Quan, Hoài Đức... Trong đó, điển hình như xã Hữu Bằng -một trong những địa phương vừa có cơ sở vật chất sân bãi tập luyện TDTT tốt, lại vừa là nơi có phong trào phát triển mạnh.Theo lãnh đạo xã Hữu Bằng “Ở Hà Nội hiếm xã nào phong trào thể thao mạnh như Hữu Bằng. Người dân đa số làm kinh doanh nhưng dù bận bịu đến đâu cũng luôn dành thời gian để tổ chức và tham gia các hoạt động của xã, đặc biệt là thể thao, vừa nâng cao sức khỏe vừa thúc đẩy tinh thần đoàn kết”. Các môn thể thao được người dân yêu thích luyện tập nhất đó là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, võ thuật. Các đội tuyển thể thao của xã được duy trì và tập luyện hàng ngày và tham gia các giải thi đấu do xã tổ chức vào các dịp lễ, tết hàng năm. Hiện nay, mỗi môn thể thao xã có 9 đội ở 9 thôn, chưa kể đội tuyển “nòng cốt” của huyện cũng được tuyển chọn ở Hữu Bằng. Bên cạnh đó, xã còn có CLB võ thuật Vovinam, Thái cực quyền với hàng trăm học viên. Chủ tịch UBND xã cho biết, năm nào xã cũng dành 60 - 80 triệu đồng cho hoạt động thể thao; nguồn xã hội hóa, vận động doanh nghiệp ủng hộ và người dân đóng góp lên đến hàng tỷ đồng.
Cùng với Hữu Bằng, Chàng Sơn cũng là một trong những xã điển hình về TDTT của huyện. Cùng với việc xây dựng nông thôn mới, xã đã có khu thể thao đạt chuẩn. Hiện nay trên địa bàn xã Chàng Sơn, các thiết chế văn hoá với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư, nâng cấp thường xuyên. Các công trình thể thao trên địa bàn luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Hầu hết các công trình thể thao phục vụ các hoạt động lớn đều được tập trung đầu tư, xây dựng trên địa bàn xã như: Sân vận động, sân cầu lông, sân bóng chuyền… vận động, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, tập thể, cá nhân, chương trình, dự án để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để nhân dân có nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, học tập và rèn luyện TDTT. Nhiều trung tâm, câu lạc bộ thể thao được thành lập, các sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông.. hoạt động hiệu quả. Những năm gần đây, tổng số tiền từ công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn xã ước tính hàng tỷ đồng.
Có thể khẳng định, bằng những chủ trương đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, Thạch Thất đã trở thành điểm sáng về công tác xã hội hóa TDTT. Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Thạch Thất đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe; Không ngừng mở rộng, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhân dầu tư cho TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp; Huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, hình thành thói quen thường xuyên rèn luyện sức khỏe trong nhân dân làm nền tảng để phát hiện, nuôi dưỡng phát triển thể thao thành tích cao. Đa dạng hóa các nội dung hoạt động TDTT, đáp ứng yêu cầu tập huyện của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
VD