You must configure this module first via "Module Settings"

Thừa Thiên Huế thực hiện tốt công tác xã hội hóa TDTT

Trong những năm qua, công tác TDTT của tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng phát triển cả về chiểu rộng lẫn chiều sâu. Kết quả đó là nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện TDTT cũng như đóng góp kinh phí tài trợ cho các hoạt động TDTT. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao” và Chỉ thị số 32 về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao” của Bộ VHTTDL.

Sân cỏ nhân tạo do tư nhân đầu tư xây dựng phát triển mạnh ở Thừa Thiên Huế (Ảnh: Internet)

Sự chung tay của các doanh nghiệp, cá nhân

Hưởng ứng phong trào xã hội hóa các hoạt động Thể dục Thể thao, trong những năm qua, nhiều câu lạc bộ, trung tâm Thể dục thể thao do tư nhân thành lập đã không ngừng tăng trên khắp địa bàn thành phố với nhiều loại hình khác nhau, như: phòng tập gym, Trung tâm Thể hình, các CLB: bóng đá, cầu lông, quần vợt, võ thuật, bóng bàn, cờ vua, dưỡng sinh, Yoga, Aerobic...

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 500 trung tâm, sân bãi, điểm tập luyện lớn nhỏ do tư nhân đầu tư với số tiền đầu tư trong 10 năm qua lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó chỉ riêng hệ thống sân bóng cỏ nhân tạo trên địa bàn thành phố đã có 50 sân. Sự ra đời của các loại hình CLB, các Trung tâm tập luyện TDTT do tư nhân làm chủ đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như rèn luyện sức khỏe của người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước dành cho TDTT còn nhiều hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy công tác TDTT của địa phương ngày càng có nhiều khởi sắc, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, trong nhiều năm qua Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới phương pháp hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy thể dục thể thao các cấp; Xây dựng các cơ chế, chính sách về hoạt động và hưởng thụ thể dục thể thao của nhân dân vùng sâu, vùng xa; xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển thể dục thể thao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khen thưởng; Quy hoạch đất đai cho TDTT nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện nâng cao sức khoẻ nhân dân, đào tạo vận động viên, thu hút du lịch... và các giải pháp về đầu tư, huy động vốn bằng việc từng bước tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho sự nghiệp thể dục, thể thao, đồng thời tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; Huy động vốn từ xã hội hoá trong lĩnh vực thể dục, thể thao thông qua các nguồn viện trợ, tài trợ trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao trên địa bàn tỉnh.

Trên thực tế, loại hình câu lạc bộ TDTT từng môn, phòng tập, sân thi đấu, tập luyện, điểm tập được các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư ngày càng quy mô, hoạt động hiệu quả về cả phương diện kinh tế và đáp ứng nhu cầu luyện tập ngày càng cao của người dân. Không những thế, các trung tâm này cũng tài trợ rất mạnh cho nhiều hoạt động thể thao do địa phương tổ chức, đơn cử như tại đại hội TDTT cấp cơ sở ở khối 27 phường Thuận Lộc, kinh phí từ nguồn tài trợ xã hội hóa thu được lên đến hơn 1,6 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng kinh phí tổ chức đại hội.

Cùng với đầu tư xây dựng các công trình phục vụ tập luyện TDTT, thành lập các CLB... nhiều  hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh đã được các doanh nghiệp tài trợ kinh phí tổ chức giải như: giải việt dã truyền thống tranh cúp Sacombank, giải bóng đá Giải Bóng đá tranh cúp HSA lần thứ IV, giải Cầu lông các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng tranh Cúp Ẩm Thực Trần lần thứ III; giải Bóng bàn các lứa tuổi CLB tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV năm 2019 tranh cúp Ba Sao...

Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh ngoài việc tổ chức tốt các giải đấu TDTT truyền thống, thường niên trong tỉnh, còn đăng cai tốt các giải đấu có quy mô toàn quốc (năm 2019, Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức 8 giải quốc gia, quốc tế), qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người cố đô với khách du lịch trong nước và quốc tế. Ở các giải đấu như thế này, ít nhiều đều có sự đồng hành của các nhà tài trợ, bởi các doanh nghiệp cũng nhận thấy đây là cơ hội lớn để họ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong đó tiêu biểu là đã tổ chức thành công Giải bơi “đường đua xanh” cho các học sinh, thanh thiếu nhi toàn quốc, tổ chức thành công giải đua ghe 9 người tranh Cúp Indotrek Chilai trên sông Hương;...

Tạo “sân chơi” từ cơ sở

Để có được các hoạt động thường xuyên, liên tục, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trực tiếp là Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, từ cơ sở đến xã, phường đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT như đầu tư xây dựng nhà thi đấu, sân cỏ nhân tạo mi ni, sân quần vợt, bóng bàn, phòng tập thể hình…

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành các CLB Thể dục thể thao ở xã, phường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là trong trường học với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người tham gia rèn luyện thân thể. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu mà công tác xã hội hóa TDTT hướng tới.

Một trong những những địa phương làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố phải kể đến phường Thuận Lộc - đây cũng chính là một trong những đơn vị có phong trào văn nghệ, thể thao sôi nổi của thành phố. Theo thống kê, hiện trên địa bàn phường Thuận Lộc có gần 20 cơ sở Thể dục thể thao tư nhân với nhiều môn thể thao được yêu thích như: gym, bóng đá, cầu lông, quần vợt, võ thuật, bóng bàn, cờ vua, dưỡng sinh. Các cơ sở Thể dục thể thao do tư nhân đầu tư xây dựng luôn thu hút đông đảo nhân dân với nhiều đối tượng, thành phần trong đó chủ yếu là người cao tuổi, thanh thiếu niên, học sinh tích cực tham gia tập luyện hàng ngày.

Việc người dân tự đầu tư hoặc cùng địa phương bỏ kinh phí đầu tư các điểm luyện tập TDTT khang trang có thu phí với trang thiết bị hiện đại góp phần làm giảm kinh phí từ ngân sách và tạo nhiều địa điểm để người dân luyện tập, thi đấu. Những sân chơi lành mạnh, bổ ích đang phát triển mạnh là tín hiệu vui góp phần nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa thể thao trên địa bàn, giúp người dân tăng cường sức khỏe, thắt chặt tinh thần đoàn kết, giao lưu, qua đó phần nào góp phần tạo sân chơi lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Cùng với sự ra đời của các CLB Thể dục thể thao, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng chính là địa điểm lý tưởng để người dân lựa chọn là nơi tập luyện hàng ngày. Hiện trên địa bàn thành phố, 100% huyện, thành có sân vận động trung tâm, nhà tập. Các địa phương đều quy hoạch đất cho TDTT, bảo đảm diện tích đất bình quân cho người dân tập luyện TDTT từ 2-3m2/người.

Có thể khẳng định rằng, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, phong trào Thể dục thể thao ở Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển mình đáng kể. Trong năm 2019, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 389.788/1.177.607, đạt tỷ lệ là 33,1%,tăng 0,9% so với năm 2018. Số hộ gia đình luyện tập thể thao đạt 66.159/266.771, đạt tỷ lệ 25,2% hộ gia đình, tăng 1,2% so với năm 2018. Công tác giáo dục thể chất trong trường học cũng đã có bước chuyển biến rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 giáo viên thể dục thể thao; 100% trường trung học cơ sở  và trung học phổ thông có giáo viên chuyên trách dạy môn thể dục; học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cơ bản được tập luyện theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, 100% trường học đảm bảo chương trình nội khóa về thể dục thể thao cho học sinh, 60% trường có chương trình ngoại khóa.

Số CLB thể dục thể thao và cơ sở tập luyện thể thao không ngừng tăng hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 650 CLB Thể dục thể thao, thu hút đông đảo các đối tượng quần chúng tham gia, rèn luyện. Các đơn vị trường học, quân đội, công an, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hầu hết đã có cơ sở tập luyện cho ít nhất từ 1-2 bộ môn thể dục thể thao và tạo điều kiện cho các ngành tổ chức hội thao hằng năm.

VD
 

Ảnh trong bài
  • Thừa Thiên Huế thực hiện tốt công tác xã hội hóa TDTT