You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành trung tâm mạnh hàng đầu cả nước vào năm 2020, định hướng năm 2025

Toàn tỉnh hiện nay có 1,365 triệu người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, đạt 39% dân số; 257.678 hộ gia đình thể thao, đạt 28% số hộ; 3.370 câu lạc bộ TDTT; giành 150 huy chương các loại tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII... là những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của Thể thao Thanh Hóa trong những năm qua. Với những kết quả đã đạt được, Thể thao Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch để đặt mục tiêu trở thành trung tâm mạnh hàng đầu cả nước vào năm 2020, định hướng năm 2025.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020, định hướng năm 2025

Theo Kế hoạch đề ra, thể thao Thanh Hóa đặt mục tiêu trong lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng có tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên, gia đình thể thao, CLB thể thao, cơ sở vật chất ở mức khá của cả nước. Người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 41,5 %, tương đương với 1.385.000 người; đến năm 2025 đạt 45%. Gia đình thể thao đạt 31% số hộ, tương đương 268.204 hộ gia đình; đến năm 2025 đạt 33%. Số CLB TDTT cơ sở đạt 3500 CLB; đến năm 2025 đạt 3800 CLB. Số cán bộ, hướng dẫn viên, trọng tài có 120 người; đến năm 2025 có 150 người.

Giáo dục thể chất và thể thao trường học đến năm 2020 có 95% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao (RLTT) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025 đạt 98%; duy trì 100% số trường phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, đại học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất (GDTC) nội khóa theo quy định; hoạt động ngoại khóa đạt 98% vào năm 2020 và đạt 100% vào năm 2025; có đủ giáo viên giảng dạy GDTC nội khóa và đến năm 2025 có đủ hướng dẫn viên hướng dẫn hoạt động ngoại khóa; cơ sở vật chất trường học đạt 98% vào năm 2020 và đạt 100% vào năm 2025; có 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa, thực hiện chương trình phòng chống đuối nước của ngành giáo dục và đào tạo; tổ chức HKPĐ (theo chu kỳ 4 năm). Hàng năm tổ chức các giải thể thao từ cơ sở đến cấp tỉnh cho học sinh phổ thông các cấp.

Đối với lực lượng vũ trang tiếp tục duy trì 100% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe; phát triển CLB các môn thể thao, số môn thể thao đạt 8-14 môn; tổ chức hội thao từ cơ sở đến cấp tỉnh hai năm một lần; tăng cường đội ngũ cán bộ TDTT, cơ sở vật chất, sân bãi, tài chính và hoạt động TDTT tại các đơn vị lực lượng vũ trang. Tổ chức đại hội TDTT các cấp 4 năm một lần; đến năm 2020, hàng năm tổ chức 20 - 25 giải thi đấu thể thao, đến năm 2025 đạt 25 - 30 giải/năm; hàng năm tổ chức các giải thể thao (02 năm một lần cho từng môn thể thao theo hình thức luân phiên cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh.

Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, thể thao Thanh Hóa đặt mục tiêu giữ vững vị trí thứ tư, thu hẹp khoảng cách trình độ đối với các trung tâm TDTT mạnh của cả nước như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Quân đội; nỗ lực phấn đấu vươn lên vị trí thứ ba, đóng góp nhiều VĐV ưu tú cho TTVN. Bóng đá, Bóng chuyền nữ giữ thứ hạng cao tại giải vô địch toàn quốc. Đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phát triển 35 môn thể thao theo chiến lược phát triển TTVN. Đầu tư trọng điểm 23 môn có khả năng giành huy chương vàng và huy chương Đại hội Thể thao toàn quốc, các môn thể thao có thế mạnh của Thanh Hóa gồm: Điền kinh, Bơi, Lặn, Bắn súng, Bắn cung, Karatedo, Canoing, Rowing, Cử tạ, Vật, Judo, Cầu mây, Pencaksilat, Boxing, Taekwondo, Vovinam, Wushu, Đấu kiếm, Xe đạp, Võ cổ truyền, Bóng chuyền nữ, Dance sport và Bóng đá. Trong đó, ưu tiêu đầu tư cao các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn là các môn giành được HCV Đại hội Thể thao toàn quốc, đóng góp VĐV ưu tú cho TTVN giành thành tích cao trên đấu trường SEA Games, châu lục và thế giới gồm: Điền kinh, Bơi, Lặn, Cử tạ, Bắn súng, Canoing, Rowing, Vật, Cầu mây, Karatedo, Taekwondo, Pencaksilat, Boxing, Vovinam, Dance sport và Bóng đá.


Đến năm 2020, Thể thao Thanh Hóa đặt mục tiêu có 80 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, 90 VĐV đạt dự bị kiện tướng và cấp I quốc gia; đến năm 2025, tuyến I - 550 VĐV, tuyến II - 650 VĐV, duy trì VĐV tuyến III và tuyến IV; 85 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, 100 VĐV đạt dự bị kiện tướng và cấp I quốc gia.

VĐV trọng điểm: Đến năm 2020, hàng năm ưu tiên đầu tư từ 180 - 200 VĐV cấp cao, trong đó có 80 - 90 VĐV ưu tú được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt của tỉnh; đến năm 2025 đầu tư từ 200 - 250 VĐV cấp cao, trong đó có 100 - 120 VĐV ưu tú. Lực lượng HLV, trọng tài: Đến năm 2020 có 120 HLV (10 HLV cấp cao), 60 trọng tài (6 trọng tài cấp cao); năm 2025 có 135 HLV (15 HLV cấp cao), 70 trọng tài (8 trọng tài cấp cao).

Về thành tích thi đấu, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2020, thành tích thi đấu quốc gia tại các giải vô địch trẻ đạt 65 HCV, 60 HCB, 65 HCĐ; năm 2025 đạt 75 HCV, 70 HCB, 80 HCĐ. Giải Vô địch quốc gia đạt 55 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ, năm 2025 đạt 70 HCV, 60 HCB, 70 HCĐ. Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 đạt 55 HCV, 45 HCB, 50 HCĐ; Đại hội năm 2022 đạt 65 HCV, 65 HCB, 70 HCĐ. Thành tích thi đấu quốc tế: SEA Games đóng góp 10 - 15% lực lượng VĐV, giành 6 - 8% số huy chương và duy trì đến năm 2025. Có 01 huy chương vàng ASIAD lần thứ 18, năm 2018 và lần thứ 19, năm 2022. Có từ 2 - 3 VĐV tham dự Olympic Games lần thứ 32, năm 2020; có huy chương Olympic vào năm 2024.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về thể dục, thể thao, quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển phong trào TDTT, thực hiện mục tiêu "Dân cường nước thịnh", "Thể dục thể thao vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân"; tăng cường công tác thông tin - truyền thông trong cộng đồng xã hội về TDTT, về tác dụng và lợi ích của luyện tập TDTT. Nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu phát triển TDTT của Đảng và Nhà nước, bảo đảm công tác TDTT là hoạt động liên ngành, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, trong đó ngành TDTT giữ vai trò nòng cốt; phát triển TDTT phải là nội dung bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm, tránh quan niệm cực đoan chỉ đòi hỏi Nhà nước bao cấp, không huy động sự đóng góp của nhân dân, hoặc giảm sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để mặc cho cơ chế thị trường chi phối.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tỉnh đến cơ sở cho thể thao quần chúng, thể thao học đường, lực lượng vũ trang và các khu công nghiệp giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về tư tưởng chính trị. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức công đoàn bồi dưỡng cán bộ chuyên trách, cán bộ công đoàn về các kỹ năng hoạt động TDTT để tuyên truyền, vận động, tổ chức phong trào tập luyện và các giải thể thao trong CNVCLĐ hàng năm. Bố trí đủ lực lượng HLV, trọng tài, HDV các cấp, đồng thời tích cực cử cán bộ, HLV, trọng tài, HDV tham dự các khóa học, tập huấn chuyên môn trong nước và quốc tế; nâng cao liên tục trình độ HLV, trọng tài lên trình độ cấp cao quốc gia và quốc tế. Có cơ chế, chế độ khuyến khích các cán bộ, HLV, trọng tài chủ động tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu các giải thể thao quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT Thanh Hóa đến năm 2020 và những năm tiếp theo; rà soát, đánh giá xác định danh mục các công trình TDTT còn thiếu, đang trong tình trạng xuống cấp, sử dụng không hiệu quả, không đảm bảo điều kiện tập luyện, để xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, quản lý phục vụ sự nghiệp TDTT, Thực hiện chính sách mở cửa các công trình TDTT để phục vụ việc tập luyện thường xuyên của quần chúng nhân dân; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các công trình thể thao ở cấp tỉnh, huyện, thị trấn, xã, phường và các khu công nghiệp để tổ chức tập luyện, thi đấu và các hoạt động văn hóa xã hội khác.

Tăng cường đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thể thao trong quần thể trung tâm TDTT, TTVHTDTT cấp huyện (gồm 3 công trình chính theo tiêu chuẩn: Sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu, bể bơi và một số sân thể thao ngoài trời). Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng 3/8 cụm trung tâm TDTT: Thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Ngọc Lặc; đến năm 2025 hoàn thành 5/8 cụm trung tâm còn lại: Bỉm Sơn, Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia. Đến năm 2020, 60% các huyện có đủ 3 công trình chính như: Sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu, bể bơi; đến năm 2025 đạt 75%. Đặt mục tiêu đến năm 2020 có 75% xã, phường, thị trấn có sân tập luyện thể thao (bóng đá, điền kinh, đồng diễn); 1 - 2 phòng tập đơn giản; 10 - 15 sân tập từng môn kích thước vừa và nhỏ (bóng chuyền, đá cầu, cầu lông...); đến năm 2025 đạt 85%.

Đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", tuyên truyền, khuyến khích mọi người dân tham gia tập luyện TDTT với khẩu hiệu "Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc". Xây dựng, bồi dưỡng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên TDTT tại cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động TDTT của cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các khu công nghiệp; tạo cơ hội cho mọi người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, người khuyết tật- được thực hiện quyền hoạt động TDTT để rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí và nâng cao đời sống tinh thần. Tăng cường giao lưu, biểu diễn thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian trong các lễ hội; lựa chọn 1 số đơn vị có phong trào TDTT tốt để đầu tư thí điểm phát triển phong trào tập luyện và thi đấu TDTT tại cơ sở. Mở rộng, đa dạng hóa hoạt động thi đấu thể thao quần chúng ở các cấp độ, quy mô, loại hình khác nhau kết hợp với các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội truyền thống, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, TDTT, các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và xã hội. Tăng cường lồng ghép, nâng cao hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển TDTT trường học của Trung ương và của tỉnh. Phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học; xây dựng các loại hình câu lạc bộ từng môn, hoặc nhóm các môn thể thao tại các trường học để học sinh tham gia ngoại khóa; xây dựng hệ thống thi đấu TDTT trong nhà trường, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp, hội thi thể thao, giao lưu thể thao văn hóa phù hợp với các điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương. Xây dựng các câu lạc bộ thể thao tại các trường học, từng bước đầu tư xây dựng các trường, lớp năng khiếu thể thao trong hệ thống giáo dục phổ thông nhằm phát hiện, đào tạo các tài năng thể thao tuyến III, IV. Thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động TDTT trong nhà trường các cấp theo quy định, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT cho các trường vùng sâu, miền núi khó khăn. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT trường học để tổ chức thi đấu TDTT và tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.

Đảm bảo năng lực tổ chức và điều hành công tác huấn luyện thể lực, hoạt động TDTT theo các tiêu chuẩn quy định; củng cố hệ thống tổ chức, biên chế, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ TDTT chuyên trách cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương. Nâng cao chất lượng rèn luyện thể lực của bộ đội theo tiêu chuẩn RLTT. Tập trung nghiên cứu các nội dung TDTT mang tính đặc thù của các binh chủng, quân chủng, phát triển các môn thể thao, nội dung thể thao quân sự: Chạy 3000m vũ trang, chiến sĩ khỏe, vượt vật cản; 4 môn thể thao quân sự phối hợp của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ; bơi mang súng, balo bao gói trang bị, võ thuật chiến đấu; tổ chức các cuộc hội thao quốc phòng và thi đấu TDTT quần chúng; phát triển các môn thể thao quần chúng: Điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bóng rổ và võ thuật...

Xây dựng cơ chế tổ chức, nội dung tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công tác đào tạo tài năng thể thao. Hoàn thiện hệ thống đào tạo và huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao theo 4 tuyến của tỉnh, gồm: Xây dựng các CLB thể thao cho trẻ em, học sinh tập luyện sơ bộ ban đầu ở xã, phường, thị trấn, trường phổ thông và hình thành VĐV tuyến IV; Xây dựng lớp năng khiếu tại các trung tâm TDTT, trung tâm VHTDTT các huyện, thị, thành phố để đào tạo VĐV ở giai đoạn bắt đầu huấn luyện năng khiếu nghiệp dư tuyến III;  Bố trí, sắp xếp nhân lực TTTTC, thực hiện tiếp quản cơ sở vật chất và nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và quản lý lực lượng VĐV tuyến II (VĐV năng khiếu của Trường Cao đẳng TDTT) về Sở VHTTDL sau khi sáp nhập Trường CĐ TDTT vào Trường Đại học VHTTDL và nâng cấp Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đủ điều kiện về nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất, để huấn luyện nâng cao cho các VĐV tuyến I tham gia thi đấu các giải TTTTC trong nước và quốc tế.

Tập trung đầu tư, phát triển các môn thể thao trọng điểm có khả năng đạt thành tích huy chương tại các giải quốc gia, đại hội TDTT toàn quốc và trong chương trình Olympic Games và ASIAD, phấn đấu vươn lên đấu trường châu lục và thế giới; ưu tiên những môn thể thao chủ lực, mũi nhọn, thế mạnh, chiếm ưu thế về thành tích trong thi đấu tại đại hội TDTT toàn quốc. Ngoài ra, lựa chọn, đầu tư cho một số VĐV có trình độ cao của các môn: Võ cổ truyền, Sport aerobic, Cờ vua, Kick boxing, Đấu kiếm, Bi sắt... nhằm mục tiêu gia tăng số lượng huy chương trong thi đấu đại hội TDTT toàn quốc. Đẩy mạnh tuyển chọn, đào tạo huấn luyện các VĐV có thành tích cao, xuất sắc chuẩn bị tham gia các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) và có vận động viên tham dự Olympic Games, trong đó tập trung đầu tư cho VĐV các môn thể thao trọng điểm, đặc biệt là các VĐV ưu tú có khả năng giành huy chương vàng đại hội thể thao toàn quốc, đại hội thể thao Đông Nam Á, đại hội thể thao châu Á và tham dự Olympic. Các VĐV được đầu tư với chế độ chính sách đặc thù chuyên biệt (đãi ngộ, dinh dưỡng, tập huấn, thi đấu quốc tế, mời chuyên gia huấn luyện, chăm sóc y học và chữa trị chấn thương).

Quán triệt và thực hiện việc phòng, chống, xử lý tiêu cực và doping trong hoạt động thể thao theo quy định của quốc gia và quốc tế; phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về phòng chống doping và các hoạt động tiêu cực, phi thể thao như: Mua bán, dàn xếp tỷ số; bạo lực, dối trá... cho đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV, trọng tài của tỉnh. Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách dinh dưỡng đặc thù, khen thưởng, tiền công, bảo hiểm, hỗ trợ cho HLV, VĐV, trọng tài một cách đầy đủ để kịp thời động viên, khuyến khích, "giữ chân" HLV, VĐV tài năng của tỉnh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, huấn luyện và quản lý dữ liệu của VĐV trình độ cao và VĐV trẻ. Ưu tiên ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học thể thao phục vụ nâng cao hiệu quả huấn luyện các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, các VĐV trọng điểm. Thực hiện chữa trị chấn thương; hồi phục sức khỏe, thể lực; chăm sóc dinh dưỡng cho các VĐV thể thao thành tích cao; thành lập bộ phận y học TDTT được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, dụng cụ cần thiết. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo, huấn luyện, thi đấu và nâng cao trình độ cho các cán bộ chuyên trách về lĩnh vực y học TDTT. Đẩy mạnh hợp tác với Viện Khoa học TDTT, các trường đại học TDTT, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các bệnh viện trong và ngoài tỉnh.
 

KC