Công tác xã hội hóa TDTT luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm. Cùng với đó là nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của việc rèn luyện TDTT đối với sức khỏe cũng như các giá trị mà TDTT mang lại đã có sự chuyển biến sâu sắc. Hoạt động TDTT ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và thể thao học đường ngày càng được chú trọng với việc thành lập các CLB thu hút nhiều hội viên tham gia.
Từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ, các địa phương đều có hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện. Nhiều nơi đã khắc phục khó khăn về diện tích sân bãi tích cực đầu tư thiết bị, tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân tập luyện, thi đấu. Hình thức hoạt động TDTT phong phú và đa dạng ở các cấp, các ngành như: Hội khoẻ Phù Đổng, hội thao, hội thi, các giải thể thao quần chúng được tổ chức hàng năm, đặc biệt là việc chỉ đạo và tổ chức định kỳ đại hội TDTT các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 sân Bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, gần 30 bể bơi, 37 sân Quần vợt, 1 sân Golf, hơn 2.000 sân thể thao đơn giản tại các xóm và 724 câu lạc bộ (CLB) thể thao cơ sở. Tất cả các cơ sở hoạt động TDTT trên được xây dựng từ nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư.
Mặc dù ngân sách Nhà nước đầu tư cho tổ chức hoạt động cũng như xây dựng cơ sở vật chất về TDTT còn ít, song, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Sở VHTT&DL đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao.
Từ đó, đến nay, tại tỉnh Hòa Bình đã triển khai và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển TDTT ngày một hiệu quả. Đặc biệt, công tác xã hội hóa luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của một số môn thể thao tại các tuyến cơ sở liên tục được thành lập và đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả như: Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Karate (đến nay có 23 CLB và 13 HLV môn Karate). Đáng chú ý, ở bộ môn này trung bình Liên đoàn karate tỉnh 3 tháng tổ chức thi lên đai 1 lần. Các giải thi đấu của Liên đoàn chủ yếu từ nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp, nhà tài trợ.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể thao được các cấp lãnh đạo từ tỉnh tới huyện quan tâm. Chính điều này đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong huy động các nguồn lực xã hội phục vụ sự phát triển TDTT của các tổ chức xã hội.
Với mục tiêu thúc đẩy công tác xã hội hóa TDTT ngày hiệu quả và hoạt động chất lượng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã tổ chức ký các Thông tư Liên tịch giữa các ngành, phát động tổ chức thành công nhiều giải thể thao từ nguồn xã hội hóa như: Giải Bơi vượt sông truyền thống cúp truyền hình; giải Việt dã truyền thống Cúp Báo Hòa Bình; giải Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; giải Cầu lông, Bóng chuyền Liên đoàn Lao động tỉnh; giải Bóng chuyền nông dân - phụ nữ tỉnh và nhiều giải xã hội hóa khác.
Cùng với đó, trong thời gian qua cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện TDTT. 100% thôn, xóm, khu dân cư đều thành lập được đội Bóng chuyền nam, nữ, người cao tuổi. Môn Bóng chuyền được người dân từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa yêu thích. Đa số tại các thôn, xóm, tổ dân phố người dân tự đóng góp tiền mua lưới, bóng để tập luyện.
Với việc tích cực đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT đã góp phần nâng cao số lượng, chất lượng các giải thi đấu thể thao của tỉnh. Bên cạnh đó, tính đến nay số người tập luyện TDTT toàn tỉnh đạt 32% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 24% tổng số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.
Trong thời gian tới, để công tác xã hội hóa hoạt động TDTT tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn, ngành VHTT&DL tỉnh Hòa Bình xác định mục tiêu rất cụ thể: tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá của các tập thể, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động TDTT; khuyến khích hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực TDTT, dịch vụ TDTT (các đơn vị, doanh nghiệp bảo trợ cho các đội, môn thể thao; cho thuê đất; xây dựng các công trình TDTT). Đa dạng hóa các loại hình hoạt động, thực hiện chuyển đổi các cơ sở TDTT công lập sang phương thức cung ứng dịch vụ công; khuyến khích tổ chức thành lập CLB thể thao và tổ chức các hoạt động thể thao. Tiếp tục huy động các nguồn lực của tư nhân và các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển các môn thể thao; ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư tài chính đối với một số môn thể thao mũi nhọn, tạo động lực từng bước chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao.
N.H