You must configure this module first via "Module Settings"

Xã Hội hoá TDTT ở Lâm Đồng

Xã hội hoá thể dục thể thao là một biện pháp quan trọng để tăng trưởng nguồn lực con người về thể chất, bao gồm cả thể lực, ý chí và trí tuệ. Do đó, mục tiêu của Xã hội hoá thể dục thể thao là huy động đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao để tạo ra các tài năng thực sự cho đất nước.

Xã hội hoá thể dục thể thao là một biện pháp quan trọng để tăng trưởng nguồn lực con người về thể chất, bao gồm cả thể lực, ý chí và trí tuệ. Do đó, mục tiêu của Xã hội hoá thể dục thể thao là huy động đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao để tạo ra các tài năng thực sự cho đất nước.

Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về việc khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao, Giáo dục, Y tế, Văn hoá. Ngành Thể dục Thể thao Lâm Đồng đã và đang triển khai, đẩy mạnh các hoạt động về thể dục thể thao từ tỉnh xuống cơ sở. Ngày 18/11/2002, Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về việc thực hiện, triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 61/2003/QĐ-UB ngày 08/5/2003 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án "Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và những năm tiếp theo"; ngày 22 tháng 10 năm 2003 Tỉnh uỷ Lâm Đồng có Nghị quyết số 24-NQ/TU về đẩy mạnh xã hội hoá Giáo dục, Y tế, Văn hoá, Thể dục thể thao và Bảo trợ xã hội. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương về vị trí, vai trò công tác xã hội hoá thể dục thể thao.

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ, ngành Thể dục Thể thao Lâm Đồng đã khuyến khích việc hình thành và phát triển các câu lạc bộ, phòng tập thể dục thể thao thuộc các tổ chức, cá nhân với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như: quần vợt, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, võ thuật, bóng bàn, cầu lông, patin, bóng đá, bơi lội, bi-da...Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 Câu lạc bộ các môn do các tổ chức và tư nhân thành lập. Ngoài việc đóng góp kinh phí để tổ chức các giải, các tổ chức, cá nhân còn đầu tư và đóng góp vào việc xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi để tập luyện và thi đấu. Đáng kể có sân vận động Di Linh, nhân dân đóng góp gần 100 triệu đồng để nâng cấp mặt sân, làm hàng rào; Hồ bơi Phù Đổng- Đà Lạt, Câu lạc bộ quần vợt Trung Sport- Bảo Lộc, Câu lạc bộ Bóng bàn Đà Lạt... các cá nhân tự bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể còn đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng 40 sân quần vợt.

Hiện nay, Lâm Đồng có 5 Liên đoàn thể thao, gồm: Bóng đá, Cờ, Quần vợt, Bóng bàn và Võ thuật; Hội Môtô (có 2 CLB ở Bảo Lộc và Đà Lạt). Các hội trực thuộc các Liên đoàn đều có ở hầu khắp 11 huyện, thị xã, thành phố. Ngành Thể dục Thể thao cũng đã chủ động ký kết Liên tịch cùng các ngành: Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Uỷ ban Dân số- Gia đình và Trẻ em, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công đoàn Viên chức..., từng bước triển khai các hoạt động thể dục thể thao trong các ngành lâu dài và có định hướng.

Sau nhiều năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", đến nay toàn tỉnh đã có 17,92% số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, gần 2,5% số gia đình thể thao. Ngành Giáo dục - Đào tạo cũng đã làm tốt công tác giáo dục thể chất thông qua các giờ học nội khoá, ngoại khoá. Số học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể ngày càng tăng: Tiểu học đạt 26,67%; Trung học Cơ sở đạt 94,80%; Trung học Phổ thông đạt 97,60%. Hoạt động thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang thường xuyên duy trì tập luyện. Theo số liệu thống kê, số cán bộ- chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, qua kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100%.

Các tổ chức xã hội hoá thể dục thể thao bước đầu đã phát huy được vai trò để phát triển các hoạt động thể dục thể thao. Tuy nhiên, ngoài một số môn có tính phổ cập và hấp dẫn như bóng đá, quần vợt, bơi lội... được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ. Nhiều môn thể thao khác do bị hạn chế (và ít hấp dẫn hơn) về tài trợ, chỉ dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước, nên để hoạt động chưa đạt hiệu quả cao.

Để đảm bảo việc xã hội hoá thể thao theo cơ chế thị trường phát triển đúng hướng, cơ quan quản lý nhà nước về Thể dục thể thao cần thống nhất rõ nhận thức về vai trò, quan điểm, cần ban hành nhiều văn bản pháp quy về nội dung, chính sách, khai thác mọi nguồn lực của xã hội, kêu gọi mọi thành phần kinh tế hỗ trợ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất...cần có sự khuyến khích và ưu đãi.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, sở Thể dục Thể thao Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng trong điều hành, xây dựng phong trào, đào tạo cán bộ. Trong đó, việc hướng dẫn người dân tham gia rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ phục vụ lao động và học tập là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao đóng vai trò quan trọng trong công tác xã hội hoá thể dục thể thao. Làm tốt công tác xã hội hoá thể dục thể thao là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.

Thanh Truyền Sở TDTT Lâm Đồng
 

Ảnh trong bài
  • Xã Hội hoá TDTT ở Lâm Đồng