You must configure this module first via "Module Settings"

Thể chế quản lý Thể dục Thể thao & Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Thể chế quản lý thể dục thể thao là tên gọi chung của hệ thống, sự bố trí cơ cấu, phân chia quyền hạn, cơ chế vận hành quản lý nhằm thực hiện mục tiêu chung của thể dục thể thao ở mỗi quốc gia... Thể chế quản lý thể dục thể thao có quan hệ mật thiết với thể chế chính trị, giáo dục, truyền thống văn hoá - xã hội, thực trạng phát triển thể dục thể thao. Trong gần một thế kỷ qua, thể chế quản lý thể dục thể thao trên thế giới được phân chia theo 3 loại mô hình.

Thể chế quản lý thể dục thể thao là tên gọi chung của hệ thống, sự bố trí cơ cấu, phân chia quyền hạn, cơ chế vận hành quản lý nhằm thực hiện mục tiêu chung của thể dục thể thao ở mỗi quốc gia...
Thể chế quản lý thể dục thể thao có quan hệ mật thiết với thể chế chính trị, giáo dục, truyền thống văn hoá - xã hội, thực trạng phát triển thể dục thể thao. Trong gần một thế kỷ qua, thể chế quản lý thể dục thể thao trên thế giới được phân chia theo 3 loại mô hình.

1. Mô hình quản lý Nhà nước: Đặc điểm của mô hình này là Chính phủ thiết lập cơ cấu chuyên môn quản lý thể dục thể thao, quyền lực tập trung cao độ vào Chính phủ, Chính phủ cung ứng vốn và áp dụng phương thức quản lý hành chính đối với thể dục thể thao. Các tổ chức xã hội về thể dục thể thao chỉ mang tính chất hình thức. Thể chế mô hình quản lý Nhà nước chủ yếu tồn tại ở các nước XHCN cũ. Mô hình này có lợi là tập trung nguồn vốn để thực hiện mục đích nào đó, nhưng kìm hãm sự tham gia của xã hội đối với thể dục thể thao, tức là kìm hãm sự phát triển thể dục thể thao theo đúng bản chất của nó.

2. Mô hình quản lý xã hội: Các tổ chức thể dục thể thao của xã hội thực hiện quản lý thể dục thể thao. Nhìn chung, Chính phủ không thiết lập cơ cấu chuyên môn quản lý thể dục thể thao, rất ít can thiệp vào sự vụ thể dục thể thao, và nếu có can thiệp cũng chỉ bằng phương thức lập pháp hoặc trợ cấp kinh tế. Trong mô hình này, quyền lực quản lý thể dục thể thao được phân chia cho các tổ chức xã hội thể dục thể thao, nên còn gọi là mô hình của thể chế phân quyền. Thể chế quản lý này ở Mỹ và một vài quốc gia khác, trong Chính phủ không có ngành thể dục thể thao, không chế định chính sách thể dục thể thao, mà chỉ tài trợ rất ít cho thể dục thể thao. Ở nước Mỹ, thể dục thể thao được xã hội tài trợ để phát triển là chủ yếu. Uỷ ban Olympic Mỹ được chỉ định là tổ chức phối hợp các tổ chức thể thao nghiệp dư từng môn của Mỹ, nhưng không có quyền lực khống chế chi phí của các tổ chức này. Thể thao nhà nghề do Hiệp hội hoặc Liên đoàn thể thao nhà nghề của từng môn quản lý. Thể dục thể thao trung học do Liên đoàn Thể dục thể thao trung học quản lý, Thể dục thể thao đại học do 3 liên đoàn Thể dục thể thao đại học quản lý.

3. Mô hình kết hợp: Trong mô hình này, Nhà nước và xã hội cùng kết hợp quản lý thể dục thể thao. Chính phủ có cơ quan quản lý thể dục thể thao độc lập hoặc ghép ngành. Chính phủ tiến hành quản lý vĩ mô, hoạch định đường lối, chính sách, phát huy chức năng phối hợp và giám sát, đầu tư kinh phí cho thể dục thể thao ở mức độ hợp lý, đặc biệt cho trường học. Tổ chức xã hội dưới sự quản lý vĩ mô của Chính phủ, thực hiện các công tác nghiệp vụ chuyên môn thể dục thể thao như xây dựng quy hoạch phát triển từng môn, quy chế, điều lệ, tổ chức huấn luyện và thi đấu, triển khai thể dục thể thao quần chúng và trường học ở từng môn hoặc từng phạm vi đối tượng của Hiệp hội, Liên đoàn. Hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng thể chế quản lý này (Anh, Đức, Pháp, Canada, Nhật, Hàn Quốc...). Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, mô hình của thể chế quản lý này cũng khác nhau về mức độ phân chia quyền lực, phân phối lợi ích, nghiêng về quản lý Nhà nước hay nghiêng về quản lý xã hội. Một số nước như: Canada, Hàn Quốc gần đây nghiêng về quản lý Nhà nước nhiều hơn 20 năm trở về trước.

Như vậy, đa số các nước có nền kinh tế thị trường đều có thể chế quản lý thể dục thể thao theo mô hình kết hợp quản lý Nhà nước với quản lý xã hội. Trong thời kỳ bao cấp, thể chế quản lý thể dục thể thao nước ta thuộc mô hình quản lý Nhà nước. Trong những năm gần đây, nhờ công cuộc đổi mới đất nước, ta đang chuyển dần sang thể chế quản lý thể dục thể thao theo mô hình kết hợp quản lý Nhà nước với quản lý xã hội, tích cực thực hiện chủ trương xã hội hoá thể dục thể thao của Đảng và Chính phủ. LĐBĐVN được xã hội chấp nhận đầu tư nhiều nhất ở nước ta, có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thể chế quản lý thể dục thể thao theo mô hình kết hợp, khác với những năm trước đây.

Theo mô hình này, không nên nghĩ LĐBĐVN phải có quyền độc lập, thoát ly sự quản lý Nhà nước của Uỷ ban Thể dục thể thao. Uỷ ban Thể dục thể thao vẫn thực hiện quản lý vĩ mô, quản lý giám sát nhân sự, quản lý giám sát tài chính, tài trợ tài chính ở mức độ thích hợp đối với LĐBĐVN, đặc biệt khi ta đang ở thời kỳ bước đầu chuyển đổi thể chế quản lý thể dục thể thao. Nhưng, LĐBĐVN phải có quyền và chủ động thực hiện mọi vấn đề nghiệp vụ chuyên môn như: Xây dựng quy hoạch phát triển dài hạn, xây dựng lại bộ máy tổ chức Liên đoàn, quy chế và điều lệ, từng bước chủ trì tổ chức đào tạo huấn luyện và thi đấu, chủ trì công tác phát triển bóng đá quần chúng và bóng đá trường học. Thông qua các hoạt động nghiệp vụ bóng đá, LĐBĐVN phải thực sự là cầu nối với dân. Bóng đá chuyên nghiệp hướng tới bóng đá nhà nghề, thành tích thi đấu của đội tuyển Quốc gia chỉ là một nhiệm vụ quan trọng của bóng đá trình độ cao, không nên coi là nhiệm vụ duy nhất của LĐBĐVN. Nhiệm vụ lớn nhất của LĐBĐVN là phải tổ chức hoạt động bóng đá góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục con người phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất. Đây là vấn đề khác biệt rất lớn giữa LĐBĐVN khoá tới, so với khoá cũ, phù hợp với thể chế quản lý thể dục thể thao đang đổi mới. Ngoài LĐBĐVN, không còn tổ chức chuyên môn về bóng đá nào khác ở nước ta làm bóng đá quần chúng, làm bóng đá trường học (ít nhất cần xây dựng hệ thống thi đấu bóng đá quần chúng, trường học hợp lý). Uỷ ban Thể dục thể thao, các Sở Thể dục thể thao đều sẽ chỉ là cơ quan Nhà nước quản lý bóng đá, chứ không làm bóng đá như trước đây.

Tổ chức lại Liên đoàn Bóng đá và quy hoạch phát triển bóng đá, phù hợp với sự đổi mới thể chế quản lý thể dục thể thao nước ta chính là vấn đề cần sớm được tiến hành đối với LĐBĐVN nhiệm kỳ tới, để từng bước khẳng định vị thế mới của bóng đá Việt Nam đối với xã hội, đối với quốc tế.

Theo Bóng đá
 

Ảnh trong bài
  • Thể chế quản lý Thể dục Thể thao & Liên đoàn Bóng đá Việt Nam