You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa trong hoạt động TDTT: Cần có cơ chế giám sát triệt để

Sau nhiều năm thực hiện công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế hơn về việc làm này. Có nhiều ưu và khuyết điểm trong việc xã hội hóa TDTT nhưng bài viết xin chỉ nêu ra một vài điều bất cập tại những giải đấu tầm cỡ quốc gia được các thành phần kinh tế đứng ra tổ chức.

Sau nhiều năm thực hiện công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế hơn về việc làm này. Có nhiều ưu và khuyết điểm trong việc xã hội hóa TDTT nhưng bài viết xin chỉ nêu ra một vài điều bất cập tại những giải đấu tầm cỡ quốc gia được các thành phần kinh tế đứng ra tổ chức.

Đúng như tôn chỉ của công tác xã hội hóa TDTT, nhiều đơn vị kinh tế đã tham gia vào hoạt động này. Họ tiếp nhận các đội Bóng đá, Bóng chuyền và thành lập các CLB theo hình thức một doanh nghiệp trực thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An, Bình Điền Long An… Đấy là một kết quả đáng để khích lệ. Tuy nhiên, khi để các thành phần kinh tế đứng ra tổ chức các giải thi đấu, chúng ta cần phải có một cơ chế giám sát rõ ràng, sâu sát để tránh những việc làm không đúng luật của các nhà tổ chức.

Cụ thể như tại giải đua Xe đạp truyền thống tranh Cúp Truyền hình TPHCM. Đây là giải đấu lớn nhất của làng Xe đạp Việt Nam, có bề dày truyền thống với 17 lần tổ chức, có định hướng mở rộng và phát triển lên tầm cỡ khu vực và thế giới. Tất nhiên, giải đấu này là một điển hình ấn tượng nhất cho công tác xã hội hóa TDTT với việc nhà tổ chức là một đơn vị độc lập hoàn toàn không phụ thuộc nhà nước về TDTT: Đài Truyền hình TPHCM. Nhưng sau một thời gian dài tổ chức có sự điều chỉnh, phối hợp với bộ môn Xe đạp UBTDTT, Liên đoàn Xe đạp Mô tô Việt Nam, giải đấu hiện nay này đang có xu hướng tách riêng khỏi sự quản lý đó. Những giải thi đấu gần đây, cúp Xe đạp Truyền hình TPHCM chỉ là sự phối hợp của Sở TDTT TP.HCM và nhà tổ chức. Trong đó, vai trò của các nhà tổ chức là quá lớn, lấn át, thậm chí chi phối cả công tác chuyên môn của giải đấu.

Ở giải đua Xe đạp tranh cúp Truyền hình TPHCM lần 17 - 2005 vừa qua đã xuất hiện những tranh chấp không đáng có. Đấy chính là những bất đồng quanh việc trao danh hiệu “Vua leo núi” cho Trịnh Phát Đạt hoặc Trương Quốc Thắng. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên chính là sự không thống nhất về điều lệ, kỷ luật tại giải. Tuy nhiên, sâu xa hơn trong việc này, có ý kiến cho rằng chính những người tổ chức giải đã đứng sau vụ kiện. Cụ thể là họ muốn giành một danh hiệu cá nhân cho… TPHCM sau khi các danh hiệu áo vàng, áo xanh chắc chắn thuộc về đội Seoul Hàn Quốc. Sự chi phối ấy đã gặp phản ứng dữ dội của các đội dự giải và cuối cùng Trịnh Phát Đạt vẫn giữ được chiếc áo đỏ cho mình. Một việc nhỏ xảy ra tại một giải đấu lớn sẽ là chuyện bình thường nhưng trong tương lai nếu không có sự giám sát đối với các nhà tổ chức thì đó sẽ là một… chuyện lớn. Lúc ấy, liệu công tác quản lý hoạt động TDTT của Bộ môn Xe đạp UB TDTT có còn phát huy hiệu quả?

Sau giải đua Xe đạp tranh cúp Truyền hình TPHCM, gần đây vào tháng 5-2005, giải Golf vô địch quốc gia lần đầu tiên của Việt Nam đã được tổ chức. Và người khai sinh ra giải đấu này chính là Công ty T&A Vietnam và Saigon Times Group, đây cũng là các thành phần kinh tế. Nói về việc này, ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ TTTTC I, có ý kiến: “Trong điều kiện hiện tại, ngành TDTT nước ta chưa thể tổ chức được giải đấu dành cho môn Golf. Muốn làm được điều đó chúng ta cần đầu tư xây dựng sân bãi và điều này với môn Golf là cực kỳ tốn kém. Nhưng với sự nghiệp xã hội hóa TDTT thì T&A và Saigon Times Group chính là những đơn vị tiên phong. Họ đứng ra tổ chức giải Golf VĐQG theo tiêu chuẩn quốc tế và ngành TDTT Việt Nam rất hoan nghênh ý tưởng đó”. Tuy nhiên, khi giải đấu này diễn ra, vì chưa có cán bộ nào của ngành TDTT VN chuyên trách về môn Golf nên đã có những chuyện “vượt rào” của các nhà tổ chức.

Trước giải, theo ý kiến của ông Nguyễn Hồng Minh, BTC giải công bố sẽ có 8-10 VĐV được chọn để tham gia đội dự tuyển quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, khi kết thúc giải, BTC chỉ chọn 6 hạng đầu, gạt bỏ những người còn lại vì lý do được công bố sau là do các vị trí sau đồng điểm. Chưa hết, trong buổi lễ phát giải, BTC cũng tuyên bố luôn trước công luận rằng đây là tuyển Golf quốc gia Việt Nam. Đành rằng việc đó là có thể nhưng BTC giải Golf VĐQG mà thành phần không có ai thuộc cơ quan quản lý ngành TDTT thì chưa đủ thẩm quyền để công bố danh sách tuyển quốc gia Việt Nam. Đấy là phần việc của UB TDTT và phải được cụ thể hóa bằng văn bản, giấy tờ chứ không thể chỉ vin vào lời nói để có thể ra tuyên bố như thế trước dư luận.

Hiện tại, hoạt động xã hội hóa TDTT ở Việt Nam đang được đẩy mạnh và phát triển sâu rộng. Càng ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia vào sự nghiệp này. Tuy nhiên, hai ví dụ ở giải Xe đạp Truyền hình TPHCM và giải Golf VĐQG đã cho thấy ở hoạt động xã hội hóa TDTT vẫn còn có những điều cần khắc phục. Đã đến lúc ngành TDTT chúng ta cần có một quy chế giám sát rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn đối với những hoạt động này, nhất là đối với các giải đấu quốc gia, khu vực hay thế giới mà nhà tổ chức là các thành phần xã hội không có chuyên môn về TDTT.

Theo Tạp chí thể thao


 

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa trong hoạt động TDTT: Cần có cơ chế giám sát triệt để