You must configure this module first via "Module Settings"

Lâm Đồng: Xã hội hoá TDTT không phải là con đường ngắn ngủi và thẳng tắp

Mặc dù công tác xã hội hoá TDTT ở Lâm Đồng được triển khai khá sớm song chỉ đến khi Sở TDTT Lâm Đồng được tái lập (năm 1999) thì xã hội hoá các hoạt động TDTT mới thật sự phát triển và đi vào chiều sâu. Xã hội hoá TDTT là chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho mọi người, cho cộng đồng.

Mặc dù công tác xã hội hoá TDTT ở Lâm Đồng được triển khai khá sớm song chỉ đến khi Sở TDTT Lâm Đồng được tái lập (năm 1999) thì xã hội hoá các hoạt động TDTT mới thật sự phát triển và đi vào chiều sâu. Xã hội hoá TDTT là chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho mọi người, cho cộng đồng. Xã hội hoá TDTT còn tạo tiền đề phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia phát triển sự nghiệp TDTT. Nhận thức đúng đắn được những chủ trương trên, công tác xã hội hoá TDTT ở Lâm Đồng rõ ràng đã có sự phát triển đáng khích lệ.

Hơn năm năm qua (2001 - 2005), công tác xã hội hoá TDTT trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực, phong trào nối tiếp phong trào góp phần lớn vào thành tích của thể thao Lâm Đồng trên các đấu trường trong nước và khu vực. Và một trong những đặc trưng của Lâm Đồng trong công tác xã hội hoá TDTT là việc ra đời các Liên đoàn, CLB thể thao với các môn quần vợt, bóng bàn, cầu lông, bóng đá, bơi lội.... hoạt động tích cực với nhiều hình thức như phát triển hội viên, thành viên, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Một trong những Liên đoàn năng động là Liên đoàn Võ thuật Tỉnh được thành lập từ tháng 5 năm 1993 với 7 Hội thành viên là Võ thuật cổ truyền, Karatedo, Judo, Vovinam, Taekwondo, Pencak Silat, và Aikido với hơn 100 võ sư, hướng dẫn viên, huấn luyện viên và hơn 4000 võ sinh luyện tập thường xuyên tại 50 CLB võ thuật trong toàn tỉnh. Liên đoàn hoạt động có hiệu quả với những việc làm thiết thực như xây dựng các đội tuyển võ thuật, lựa chọn vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia, phối hợp tổ chức các giải võ thuật cấp tỉnh.

Liên đoàn Bóng đá Tỉnh với 10 tổ chức Hội trực thuộc và gần 400 CLB từ tỉnh đến cơ sở với gần 1000 hội viên hỗ trợ tích cực cho các phong trào, thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như vận động, tài trợ, động viên khen thưởng và hỗ trợ cho đội tuyển bóng đá nam trong các mùa giải... Liên đoàn bóng bàn Tỉnh có nhiều hoạt động tích cực, tổ chức các giải bóng bàn định kỳ hàng năm. Điển hình là CLB Bóng bàn Đà Lạt đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng nhà thi đấu, bảo đảm nơi tập luyện thường xuyên cho hội viên, giúp tỉnh và thành phố tổ chức các giải bóng bàn hàng năm... Liên đoàn Quần vợt Tỉnh, tuy thành lập muộn hơn so với các Liên đoàn khác song đã thu hút 600 hội viên tham gia sinh hoạt tại 2 Hội quần vợt và 17 CLB. Việc xã hội hoá môn quần vợt được sự ủng hộ không chỉ của các doanh nghiệp, tư nhân mà còn của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong Tỉnh trong việc xây dựng các sân quần vợt nâng số sân quần vợt trong toàn tỉnh lên hơn 40 sân trong đó có nhiều sân đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải cấp Tỉnh và Quốc gia.

Thành tích thi đấu của các kỳ thủ Lâm Đồng trên đấu trường Quốc gia và khu vực liên tục được nâng lên đặc biệt là giải cờ Vua các lứa tuổi trẻ Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan tháng 6 năm 2005 ( đoạt 11 huy chương các loại trong đó có kỳ thủ Lê Hữu Thái (U18) đoạt 6 huy chương vàng). Câu lạc bộ môtô Tỉnh với hơn 50 hội viên đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho hoạt động thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương như diễu hành, dẫn đầu các đoàn thể thao trong Lễ khai mạc các Giải quốc gia, mít tinh, phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong các đợt cao điểm về trật tự an toàn giao thông, phục vụ các đợt ra quân tuyên truyền nhân các ngày lễ lớn và các đợt kỷ niệm. Ngoài ra Sở TDTT Lâm Đồng còn phối hợp với các đơn vị liên quan phổ cập môn bơi cho các lứa tuổi học sinh.

Tuy nhiên với mục đích để công tác xã hội hoá đi vào chiều sâu và trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi người, thể thao Lâm Đồng đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể cho thời gian tới là tăng cường tuyên truyền, vận động và tổ chức để ngày càng có nhiều người tập luyện thể thao, góp phần nâng cao tầm vóc, thể chất người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về hoạt động TDTT, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các VĐV trẻ có tài năng để thành tích thể thao cao hơn ở các giải quốc gia và quốc tế. Tăng cường, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội hoá. Mở rộng thị trường dịch vụ thể thao, khuyến khích phát triển thể thao ngoài công lập. Nâng cao hiệu lực quản lý xã hội hoá, đổi mới cơ chế điều hành, thực hiện nghiêm túc các Nghị định của Chính phủ về công tác xã hội hoá TDTT. Từng bước chuyển việc tổ chức thi đấu cho các Liên đoàn, tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT và các tổ chức xã hội về TDTT, thực hiện bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập trong các hoạt động TDTT.

A.T
 

Ảnh trong bài
  • Lâm Đồng: Xã hội hoá TDTT không phải là con đường ngắn ngủi và thẳng tắp