You must configure this module first via "Module Settings"

Tây Ninh: hiệu quả từ huy động nguồn lực của nhân dân trong công tác xã hội hoá TDTT

Trong những năm gần đây, cùng với công tác Xã hội hoá tại các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, công tác Xã hội hoá TDTT tỉnh Tây Ninh bước đầu đã có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, nhiều hoạt động tổ chức với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, số lượng các CLB tăng lên đáng kể, thành phần tư nhân đã bước đầu tham gia đầu tư hoạt động dịch vụ TDTT có hiệu quả...

Trong những năm gần đây, cùng với công tác Xã hội hoá tại các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, công tác Xã hội hoá TDTT tỉnh Tây Ninh bước đầu đã có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, nhiều hoạt động tổ chức với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, số lượng các CLB tăng lên đáng kể, thành phần tư nhân đã bước đầu tham gia đầu tư hoạt động dịch vụ TDTT có hiệu quả...

Từ thành tích đạt được

Nổi lên trong công tác Xã hội hoá TDTT của Tây Ninh là sự góp sức của nhân dân trong việc tham gia đầu tư vào hoạt động dịch vụ TDTT như đầu tư xây dựng khu văn hoá thể thao gia đình. Theo ước tính của UBND tỉnh Tây Ninh, tính từ khi thực hiện kế hoạch số 43/KH-UB ngày 11/3/1998 và đề án số 208/UB ngày 15/12/2003, trong tổng số kinh phí xây dựng cơ sở vật chất TDTT ở Tây Ninh (trên 50 tỷ đồng) thì có khoảng tới 21 tỷ đồng là vốn của nhân dân (chiếm 42% tổng số kinh phí).

Bên cạnh đó, việc tổ chức một số giải thể thao quần chúng mang tính xã hội hoá đã tăng lên đáng kể do có sự đóng góp của các tổ chức, tập thể, tư nhân, góp phần gây dựng phong trào TDTT quần chúng sôi nổi ở các địa phương, cơ quan và nhiều đơn vị. Nhiều năm trở lại đây, tính trung bình hàng năm, các xã, phường thị trấn tổ chức được hơn 200 giải thi đấu thể thao, cấp huyện, thị tổ chức hơn 150 giải, hơn 30 giải cấp tỉnh với sự đóng góp trên 300 triệu đồng/năm từ các tổ chức, tập thể, cá nhân trong toàn tỉnh. Quả là những con số đáng mừng.

Làm cơ sở cho mục tiêu lớn

Trên nền tảng những thành tích đã đạt được, tỉnh Tây Ninh đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu tương đối cao trong việc huy động nhân dân thực hiện công tác Xã hội hoá TDTT, thể hiện rõ trong Đề án "Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và TDTT Tây Ninh giai đoạn 2006 - 2010" do UBND tỉnh xây dựng: "Phấn đấu đến năm 2010, từng bước chuyển các cơ sở TDTT công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích, từng bước cân đối thu chi; chuyển một số cơ sở TDTT công lập sang loại hình ngoài công lập". Tiến tới, chuyển đổi thành công và đạt 80% cơ sở TDTT ngoài công lập trong tổng số cơ sở của toàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT để đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân và sẽ được thực hiện theo hướng Nhà nước đầu tư cho huyện, Nhà nước và nhân dân đầu tư cho công trình xã, nhân dân bỏ vốn xây dựng công trình TDTT tư nhân nhằm đảm bảo đến năm 2010 sẽ hoàn chỉnh các khu trung tâm VH - TT huyện, thị đạt quy môn và tiêu chuẩn cấp tỉnh, 100% xã, phường, thị trấn có khu sinh hoạt TDTT, 100% ấp, khu phố có điểm sinh hoạt TDTT và 80% xã thuộc các vùng sâu, vùng xa, biên giới có khu sinh hoạt VH - TT dân lập.

Trên cơ sở đó, tỉnh Tây Ninh cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2010 có đủ các cơ sở luyện tập thể dục thể thao cho 25% dân số, 25% tổng số dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao (tức sẽ tăng 10,3% so với năm 2003), số gia đình thể thao đạt 15% tổng số hộ (tăng 4,95% so với năm 2003), đạt từ 650 đến 700 CLB các môn thể thao (tăng 222 CLB thể thao so với năm 2006). Đạt được mục tiêu như đã đề ra, chắc chắn phong trào TDTT tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển sâu và rộng.

Linh Giang
 

Ảnh trong bài
  • Tây Ninh: hiệu quả từ huy động nguồn lực của nhân dân trong công tác xã hội hoá TDTT