You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Phú Yên: sau 2 năm triển khai thực hiện công tác xã hội hoá TDTT

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, VHTT, Thể dục thể thao. Trên cơ sở kế hoạch triển khai công tác xã hội hóa của Ủy ban TDTT và dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng trong hơn 02 năm (từ 2005 đến nay), công tác Xã hội hoá TDTT ở Phú Yên đã có những kết quả rất đáng khích lệ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, VHTT, Thể dục thể thao. Trên cơ sở kế hoạch triển khai công tác xã hội hóa của Ủy ban TDTT và dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng trong hơn 02 năm (từ 2005 đến nay), công tác Xã hội hoá TDTT ở Phú Yên đã có những kết quả rất đáng khích lệ.

Phong trào TDTT quần chúng từng buớc được đẩy mạnh và phát triển

Có thể nói, trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng ở tỉnh Phú Yên đã có những bước phát triển đáng kể; nhu cầu tập luyện TDTT của các tầng lớp nhân dân ngày càng tăng; phong trào "mỗi người hãy chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tham gia tập luyện" được nhân dân tích cực hưởng ứng... Điều đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trở lên sôi nổi, liên tục và rộng khắp trên các địa bàn dân cư, với nhiều hình thức hoạt động phong phú và đa dạng. Trung bình mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 300 giải thể thao được tổ chức (trong đó cấp tỉnh: từ 20-28 giải; cấp huyện, thành phố: từ 85-90 giải và cấp xã, phường, thị trấn: từ 180-200 giải), thu hút số lượng lớn người tham gia, đặc biệt là năm 2006, tại Đại hội TDTT các cấp tỉnh Phú Yên đã thu hút hàng chục vạn người tham gia tập luyện và thi đấu.

Bên cạnh đó, Sở TDTT Phú Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch ký liên tịch để phát triển các hoạt động TDTT theo từng đối tượng cụ thể như: thanh niên, phụ nữ, CNVC... Tính đến nay, Sở đã ký kết liên tịch với 13 ngành, đoàn thể trong tỉnh gồm: Giáo dục va Đào tạo, Quân đội, Công an, Thanh niên, Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Biên phòng, Y tế, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Báo Phú Yên và Bưu điện tỉnh. Hàng năm có trên 30 giải, Hội thao được các đơn vị tổ chức theo định kỳ, nhất là trong các ngày lễ lớn... Tất cả những hoạt động trên đã tạo cho phong trào TDTT quần chúng ở Phú Yên có nhiều nét khởi sắc theo hướng xã hội hoá.

Nguồn kinh phí đóng góp cho công tác tổ chức các hoạt động TDTT

Theo số liệu thống kê, hàng năm các đơn vị kinh tế, các nhà mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đã tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh khoảng 400 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí không nhỏ, không chỉ giúp cho việc tổ chức thành công các giải thể thao mà nó còn có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh.

Có rất nhiều giải thể thao của tỉnh được tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh như: giải Bóng đá Vô địch - Cúp bia Phú Minh; giải Bóng chuyền Vô địch - Cúp nước khoáng Phú Sen (nay là Cúp Bưu điện); giải Cầu lông Vô địch - Cúp Xổ số kiến thiết; giải Việt dã truyền thống Báo Phú Yên mở rộng; giải Bóng bàn Vô địch - Cúp Pygemaco; giải Bóng đá nhi đồng - Cúp PVTV, Hội thao gia đình (Cty Dược Vật tư Y Tế)… Điển hình, vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Sài gòn thương tín (Sacombank Phú Yên) đã tài trợ cho giải Việt dã "Cùng Sacombank chạy vì sức khoẻ cộng đồng" số tiền là 130 triệu đồng (giải trở thành giải truyền thống hàng năm). Hiện tại, Sacombank Phú Yên đang tiếp tục tài trợ để tổ chức Hội thao Cán bộ quản lý tỉnh Phú Yên năm 2007.

Các Liên đoàn thể thao của tỉnh như: Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Võ thuật, các Hội Vovinam, Taekwondo, Võ Cổ truyền bằng nguồn kinh phí của mình đã chủ động phối hợp với các Ngành, các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức các giải thể thao phong trào như: giải Cúp Bóng đá nam, nữ các trường chuyên nghiệp dạy nghề và trung học phổ thông; giải Cúp Bóng chuyền nam, nữ các trường chuyên nghiệp dạy nghề, giải Quần vợt CNVC, giải Cúp Quần vợt Liên đoàn; giải Bóng chuyền bãi biển, giải Võ cổ truyền, Vovinam, Taekwondo…

Ngoài ra, các ngành khác như: Điện lực, Thuế, Tài chính, Bảo hiểm, Ngân hàng, Thương mại du lịch, Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư, Xổ số kiến thiết, Cấp thoát nước… bằng nguồn kinh phí của đơn vị, ngành đã duy trì và thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT.

Một trong những kết quả nổi bật, rất đáng chú ý trong việc thực hiện công tác xã hội hoá TDTT ở Phú Yên là năm 2005, đội Bóng chuyền của tỉnh (đang ở hạng A1 toàn quốc) đã được Công ty vật tư Tổng hợp tỉnh nhận tài trợ ( lo toàn bộ kinh phí tập luyện cũng như việc tham gia thi đấu tại các giải khu vực, toàn quốc).

Ngày càng nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT được xây dựng

Cùng với sự đầu tư của ngân sách nhà nước dành cho hoạt động TDTT, sự đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu bổ, nâng cấp và xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT ngày càng hiện đại. Đến nay toàn tỉnh Phú Yên có trên 200 điểm tập, CLB thể thao ( Thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Bóng bàn, Võ cổ truyền, Taekwondo, Vovinam, Bi-a, Quần vợt…); 219 sân Bóng đá (166 sân Bóng đá mi ni); 406 sân Bóng chuyền (121 sân xi măng); 181 sân Cầu lông (113 sân xi măng); 249 bàn Bóng bàn; 771 bàn Bi-a; 19 sân Quần vợt; 7 nhà tập thi đấu thể thao (1 nhà tập đa môn ); 9 phòng tập Thể hình - Thẩm mỹ; 1 hồ bơi… Hơn nữa, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (106/106) có sân Bóng chuyền, Bóng đá; các huyện Tuy an, Sông Cầu, Sơn Hoà, Sông Hinh đều có SVĐ trung tâm. Ở một số ngành trong tỉnh như: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quân đội, Liên đoàn Lao động, Bưu điện, Điện lực, Thuế, Xổ số kiến thiết… đã có nhiều cố gắng nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu của cán bộ, CNVC.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp đất cho 2 doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng các công trình TDTT là: Trung tâm giải trí sinh thái Thuận Thảo (với 5 hec ta) và Câu lạc bộ TDTT Phù Đổng. Tại những địa điểm này, các công trình như: bể bơi, Nhà tập các môn, Sân tập đến các phòng chức năng phục hồi, xoa bóp, xông hơi... được trang bị các thiết bị hiện đại, với tổng số vốn đầu tư lên tới 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT ở tỉnh Phú Yên chưa đồng bộ và đồng đều giữa các vùng, miền, chủ yếu tập trung ở các vùng đô thị, trung tâm các huyện lỵ, ở các huyện còn ở cơ sở, công tác xã hội hoá phát triển chậm, sự đóng góp của các tổ chức kinh tế- xã hội, cá nhân cho TDTT còn rất ít, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa còn rất khó khăn nên rất khó động viên các nguồn lực xã hội đóng góp .

Với sự quyết tâm nỗ lực của ngành TDTT tỉnh nhà cùng sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, trong thời gian không xa, Phú Yên sẽ có được những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, tích cực hơn trong công tác xã hội hoá TDTT nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của tất cả các cấp các ngành và các địa phương và trong mỗi người dân Phú Yên. Từ đó phát huy tính cộng đồng, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia các hoạt động TDTT, ngày càng thu hút được sự đóng góp của nhiều nguồn lực xã hội, góp phần đưa sự nghiệp TDTT tỉnh Phú Yên tiến lên theo xu thế hội nhập và phát triển.

Trần Vỹ (Phú Yên)
 

Ảnh trong bài
  • TDTT Phú Yên: sau 2 năm triển khai thực hiện công tác xã hội hoá TDTT