You must configure this module first via "Module Settings"

Công tác Xã hội hóa TDTT của tỉnh Long An

Trong những năm gần đây, nền kinh tế, xã hội của tỉnh Long An đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước đến Long An đầu tư ngày một nhiều. Đời sống của quần chúng nhân dân được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ cũng như tập luyện và tham gia các hoạt động TDTT của quần chúng nhân dân ngày càng phong phú và đa dạng.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế, xã hội của tỉnh Long An đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước đến Long An đầu tư ngày một nhiều. Đời sống của quần chúng nhân dân được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ cũng như tập luyện và tham gia các hoạt động TDTT của quần chúng nhân dân ngày càng phong phú và đa dạng.

Từ sự nhận thức đúng đắn của các cấp lãnh đạo

Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về phát triển TDTT đến năm 2010, Nghị định 73/NĐ-CP của Chính Phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá TDTT, tỉnh Long An đã có Chương trình hành động 06/CTr.TU ngày 13/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An, Chỉ thị 22/CT.UB ngày 30/6/2003 của UBND tỉnh Long An nhằm triển khai và thực hiện tốt các chủ trương chính sách trên của Đảng và Nhà nước. Cấp uỷ Đảng và Chính quyền 14 huyện, thị trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng bằng các văn bản, các Chương trình hành động thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện đặc thù của từng địa phương cơ sở. Qua đó sự nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành TDTT Long An và trong các cấp ủy Đảng, Chính quyền được nâng cao, thống nhất và đồng bộ. Nhờ vậy, hoạt động TDTT trong toàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Đến những kết quả đạt được

Trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ. Điều đó được khẳng định qua số người tham gia tập luyện TDTT tăng nhanh, phong trào TDTT thu hút được nhiều đối tượng tham gia, thành tích thi đấu các giải thể thao cấp quốc gia và khu vực không ngừng được nâng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT từ cấp tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Năm 1999, số người tập luyện TDTT thường xuyên trong toàn tỉnh đạt 9,20% và số hộ gia đình thể thao là 3,97% trên tổng số hộ toàn tỉnh, đến năm 2006 số người tập luyện TDTT thường xuyên đã tăng lên 20,97% (dân số toàn tỉnh) và số hộ gia đình thể thao đạt 13,58%. Đến năm 2006, toàn tỉnh có trên 400 Câu lạc bộ (CLB) TDTT trong đó có rất nhiều CLB như: Dưỡng sinh, Thể dục thẩm mỹ, Cầu lông, Quần vợt, Võ thuật... do các tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền ra thành lập và hoạt động rất có hiệu quả. Các CLB này tập trung ở các huyện thị và các cơ quan, ban, ngành, nhất là ở Thị xã Tân An và các huyện Bến Lức, Đức Hoà, Châu Thành, Cần Đước, Thủ Thừa. Tại tỉnh đã hình thành được các Liên đoàn: Võ thuật, Quần vợt, Cầu lông, Bóng đá. Các tổ chức, Liên đoàn trên đã xây dựng kế hoạch hoạt động, trong đó có việc vận động các nguồn kinh phí, bước đầu đã tìm được nguồn tài trợ cho việc tổ chức các giải phong trào hàng năm. Đó là những minh chứng cho sự phát triển sự nghiệp TDTT của Long An từ khi tổ chức thực hiện công tác XHH TDTT.

Nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh và huyện, thị xã quan tâm đến việc tổ chức các họat động TDTT phong trào như: Công An, Quân sự, Phụ Nữ, Giáo Dục và Đào Tạo, Liên Đoàn Lao Động, Hội Nông Dân… Các đơn vị đã chủ động phối hợp với Sở TDTT tỉnh tổ chức các giải thể thao truyền thống hàng năm và duy trì khá tốt các hoạt động thi đấu thể thao trong nội bộ ngành. Đặc biệt, giải Bóng đá, Bóng chuyền nông dân tỉnh Long An, khởi đầu từ việc các mạnh thường quân chính là các “nhà nông” tài trợ nguồn vật lực - tài lực không nhiều (ngày công tu sửa sân bãi...) và trong 3 năm nay đã được sự tài trợ của Công ty phân bón Bình Điền với kinh phí mỗi năm khoảng gần 200 triệu đồng cho giải. Bên cạnh đó, sự lồng ghép mô hình xây dựng Khu dân cư tiên tiến, Ấp văn hóa gắn với phong trào xây dựng Cụm văn hóa thể thao, gia đình thể thao ở các huyện thị cũng đã tạo ra diện mạo mới cho phong trào TDTT ở cơ sở.

Về thể thao thành tích cao: Long An là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về xã hội hóa các môn thể thao thành tích cao. Điển hình là môn Bóng đá, môn Bóng chuyền nam, nữ... được các nhà tài trợ đầu tư với số tiền lớn (đội tuyển bóng đá Long An được Công Ty TNHH thể thao Đồng Tâm tiếp nhận quản lý và chi toàn bộ kinh phí cho họat động của đội từ năm 2002 với số tiền hàng năm khoảng 15 tỷ đồng; đội tuyển bóng chuyền nữ Long An được Công ty Dệt Long an tiếp nhận quản lý và chi toàn bộ hoạt động của đội từ năm 1990 đến tháng 8/2004, đến tháng 9/2004 Công ty Phân bón Bình Điền hợp đồng tiếp nhận và chi toàn bộ hoạt động của đội với kinh phí hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng; đội bóng chuyền nam Long An được Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Xây Dựng Hoàng Long tiếp nhận quản lý và chi toàn bộ kinh phí cho đội từ tháng 10/2004 với kinh phí hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng). Ngoài ra, hàng năm các đơn vị này còn tài trợ cho công tác tổ chức giải hàng tỷ đồng: giải Bóng chuyền nữ các đội mạnh cúp MHB, do Công ty Phân bón Bình Điền và Ngân hàng đồng bằng sông Cửu Long tài trợ; giải Bóng chuyền nam các đội mạnh, do công ty cổ phần Hoàng Long tài trợ . . .

Trong lĩnh vực đào tạo VĐV trẻ, năng khiếu Bóng đá cũng đã được Công ty TNHH thể thao Đồng Tâm tích cực tham gia. Hiện Công ty đang phối hợp cùng Sở TDTT tập trung đào tạo thường xuyên lực lượng VĐV Bóng đá lứa tuổi U18, U21, U23 để làm lực lượng dự bị cho tuyến trên. Đây là một mô hình mới trong xu thế phát triển chung của nền thể thao Việt Nam cần được động viên khuyến khích phát triển trong thời gian tới

Công tác xây dựng cơ sở vật chất thể thao theo hướng Xã hội hóa, phục vụ cho các hoạt động TDTT của tỉnh trong thời gian qua đã có bước phát triển. Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình TDTT ở cấp tỉnh, cấp huyện bằng nguồn ngân sách Nhà nước, các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị kinh tế, tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình thể thao phục vụ cho nhu cầu tập luyện của đông đảo quần chúng nhân dân.

Ngành TDTT Long An đang ngày càng phát triển, với những kết quả trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, HLV, VĐV và những người làm công tác TDTT và một phần không thể thiếu chính là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác XHH TDTT.

Nguyễn Phước Vẹn
 

Ảnh trong bài
  • Công tác Xã hội hóa TDTT của tỉnh Long An