Xã hội hoá TDTT là một trong những Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lĩnh vực xã hội hoá TDTT càng trở nên quan trọng, bởi đó là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp cho ngành TDTT huy động được nhiều nguồn lực trong toàn xã hội nhằm thúc đẩy sự nghiệp TDTT nước nhà ngày một phát triển.
Báo cáo chính trị BCH TW Đảng khoá VII đã nêu rõ "các vấn đề chính sách xã hội phải giải quyết theo tinh thần xã hội hóa" và Văn kiện Đại hội Đảng X đã nhấn mạnh: “…Đẩy mạnh các hoạt động TDTT cả về quy mô và chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia họat động và phát triển sự nghiệp TDTT. Phát triển mạnh các phong trào TDTT quần chúng, thể thao nghiệp dư, trước hết là trong thanh thiếu niên. Làm tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học...."
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa, tháng 7/2005 tại Hà Nội, Chính Phủ đã tổ chức Hội nghị xã hội hóa toàn quốc. Tại đây, quan điểm và định hướng chung về xã hội hóa thuộc lĩnh vực TDTT đã nêu rõ: xã hội hoá TDTT là một quá trình tạo ra các cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết để phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT; đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội được hưởng thụ các thành quả TDTT ở mức độ ngày càng cao; là quá trình chuyển đổi phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN; đa dạng hoá các chủ thể tham gia hoạt động TDTT, nhằm huy động tiềm năng, nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội; là phương thức thực hiện công bằng xã hội; đặc biệt xã hội hóa không có nghĩa là Nhà nước cắt giảm đầu tư mà trái lại, tăng cường các nguồn lực để phát triển sự nghiệp TDTT.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, cả nước có hơn 10.000 CLB, điểm tập luyện, thi đấu thể thao, trong đó các CLB bán công hoặc ngoài công lập chiếm một tỷ lệ lớn. Các cơ sở này thường do một hay nhiều tư nhân đứng ra đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động ở một số môn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Billiard & Snooker, Thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Bơi lội... Do đặc tính của một số môn thể thao có sức thu hút đông đảo quần chúng tham gia, nên ngày càng nhiều Công ty tập trung kinh phí quảng cáo cho TDTT. Bên cạnh đó, nhiều Công ty đứng ra tài trợ với danh nghĩa là Nhà tài trợ chính, hoặc đồng tài trợ cho các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia. Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao có cơ hội huy động được nguồn kinh phí không nhỏ cho việc tổ chức các giải hàng năm.
Tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), ngoài việc thực hiện nội dung các văn bản trên, còn xây dựng các Đề án đẩy mạnh xã hội hoá TDTT theo từng giai đoạn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ làm tốt công tác xã hội hoá TDTT, năm 2006, nhiều Nhà tài trợ đã đóng góp kinh phí cùng hiện vật để đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ TDTT, đồng thời góp phần to lớn trong việc tổ chức thành công nhiều giải thể thao như: cúp xe đạp ĐBSCL, giải Việt dã báo Ấp Bắc, Hội thao CNVC - LĐ khu vực ĐBSCL, Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL. Công tác vận động, tài trợ... Nhiều cơ quan quản lý hoạt động TDTT điển hình như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ đã vận động các đơn vị tài trợ cho đội tuyển các môn thể thao như: Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần Vina café, Công ty Bảo Việt, Công ty Gạch men Đồng Tâm, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty TNHH TM XNK Hoàng Long... Ngoài ra, các mạnh thường quân còn tài trợ cho các giải thể thao, tu sửa sân bãi tập luyện và thi đấu ở cấp cơ sở và huyện thị từng tỉnh.
Do vậy có thể nói, công tác xã hội hoá TDTT trên cả nước nói chung và ở khu vực ĐBSCL nói riêng đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.
Nguyễn Phước Vẹn (Sở TDTT Long An)