You must configure this module first via "Module Settings"

Thực hiện NQ08/NQ-TW: TDTT An Giang không ngừng phát triển

Là tỉnh nằm ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long, An Giang có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. An giang là tỉnh có tổng số dân lớn nhất trong khu vực với khoảng 2.3 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm khoảng 30%. Điều kiện kinh tế xã hội phát triển đã giúp cho đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần cũng từng bước được nâng cao. Dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành VHTTDL tỉnh An Giang đã nỗ lực chăm lo phát triển TDTT nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Thị Thật - VĐV số 1 trong làng Xe đạp Việt Nam đã xuất sắc giành HCV tại SEA Gams 29 (Ảnh: DT )
Tập trung phát triển TDTT quần chúng

Coi TDTT quần chúng là nền tảng để phát triển Thể thao thành tích cao, An Giang đã phát động các phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân, trong đó nòng cốt là việc đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Cùng với sự thay đổi trong nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe con người, ngành VHTTDL tỉnh đã tổ chức các hoạt động TDTT với sự đa dạng về nội dung, hình thức tập luyện, giúp cho các hoạt động TDTT từ cơ sở đến cấp tỉnh được duy trì thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao sức khoẻ, tình đoàn kết cho cán bộ, nhân dân.

Để thúc đẩy phong trào TDTT, ngành VHTTDL tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương; tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc luyện tập TDTT thường xuyên cho nhân dân. Hàng năm, tổ chức các giải giao lưu nhiều môn Thể thao quần chúng được đông đảo nhân dân yêu thích: Bóng chuyền, Bóng bàn, Cờ tướng, Bóng đá, Cầu lông… và các môn thể thao mang đậm nét văn hóa đặc sắc vùng miền của đồng bào dân tộc như Đua ghe thuyển rồng, Đua bò...

Các hoạt động thi đấu thể thao luôn được tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ, Tết của đất nước, địa phương, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Đồng thời qua đó tạo điều kiện để lĩnh vực đa ngành gồm văn hóa, thể thao có sự tương hỗ cùng phát triển. Bên cạnh đó, duy trì việc tổ chức xen kẽ hàng năm Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer và Chăm nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Phong trào TDTT quần chúng ở An Giang phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, điển hình là 2 thành phố: Long Xuyên và Châu Đốc; thị xã Tân Châu và các huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên... thu hút mọi đối tượng tham gia, trong đó nổi bật là phong trào TDTT ở người cao tuổi, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên. Do đó, phong trào TDTT của tỉnh ngày càng khởi sắc, có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh có trên 34% người tập luyện thể thao thường xuyên, trên 31% gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao; gần 80% cán bộ, công nhân viên chức - lao động tập luyện TDTT thường xuyên; 100% trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nề nếp, gần 80% trường học tổ chức tốt hoạt động TDTT ngoại khóa.

Ông Phan Trí Dũng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ TDTT Sở VHTTDL An Giang cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong những năm qua, phong trào tập luyện, thi đấu TDTT trên địa bàn tỉnh có sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Nhận thức về công tác TDTT của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, các huyện, thành phố, các ngành thường xuyên tổ chức các giải thể thao truyền thống, đã thu hút hàng trăm lượt người tham gia, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Để đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT của nhân dân, cấp ủy Đảng và chính quyền đã quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực phát triển TDTT. Hệ thống nhà tập, sân bãi, trang thiết bị dành cho hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT từng bước được đầu tư xây dựng. Theo thống kê, toàn tỉnh An Giang hiện có hơn 1.500 sân bãi thể thao các loại (từ tỉnh đến cơ sở). Trong đó, trường năng khiếu thể thao có 4 nhà tập, 4 sân Quần vợt, 1 sân Bóng đá, 1 hồ bơi 50m, đặc biệt là khu thể thao dưới nước phục vụ các môn Đua thuyền tại Búng Bình Thiên (huyện An Phú) có diện tích hơn 200ha… Các thiết chế thể thao ở cơ sở cũng luôn được đầu tư, nâng cấp xây dựng mới. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, An Giang đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình TDTT công cộng gồm: Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng, hồ bơi đơn giản, sân Bóng chuyền... trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn cũng như năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, người làm công tác TDTT cũng luôn được quan tâm, đầu tư. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được đẩy mạnh, thông qua việc khuyến khích áp dụng các cơ chế chính sách, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho TDTT nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, giảm đầu tư ngân sách nhà nước...

Tạo đà cho Thể thao thành tích cao phát triển

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúnglà bước tiền đề cho Thể thao thành tích cao của An Giang phát triển. Trong đó, việc triển khai đầu tư trọng điểm các môn thể thao thế mạnh, nhất là các môn Olympic đã đạt được những kết quả đáng biểu dương. Năm 2016, các đội tuyển trẻ, đội tuyển thể thao An Giang đã tham gia thi đấu 89 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, giành 376 huy chương các loại (133 HCV, 124 HCB, 119 HCĐ), vượt 50% so với chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, 2016 là năm thành công nhất của thể thao An Giang tại các giải thể thao Vô địch quốc gia, khi đạt 111 huy chương (37 HCV, 35 HCB, 39 HCĐ). Đó là chưa kể đến thành tích mà các VĐV An Giang đã đạt được tại các giải quốc tế, với 15 HCV, 16 HCB, 5 HCĐ.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2017, các VĐV An Giang đã không ngừng nỗ lực và giành thành tích cao tại các đấu trường trong nước cũng như quốc tế. Điển hình tại SEA Games 29 vừa qua, An Giang đã đóng góp 8 huy chương (03 HCV, 05 HCĐ) vào bảng vàng thành tích của đoàn TTVN do công của các VĐV: Nguyễn Thị Thật đoạt 2 HCV nội dung vòng tròn nữ (criterium) và nội dung xuất phát đồng hàng nữ môn Xe đạp và kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn xuất sắc mang về cho Việt Nam 1 HCV và 1 HCĐ, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nam với 4 phút 22 giây 12. VĐV Việt kiều Lê Nguyễn Paul đoạt 4 HCĐ ở các nội dung 50m ngửa, 200m hỗn hợp nam, 50m bướm và 50m tự do...

Có thể khẳng định, với chiến lược, định hướng đào tạo các tuyến VĐV bài bản, chất lượng, Thể thao thành tích cao An Giang đã luôn có mặt ở vị trí tốp đầu, giành thứ hạng cao tại các kỳ Đại hội thể thao, giải thể thao quốc tế. Gần nhất, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn An Giang xếp vị trí thứ 7 toàn đoàn với 60 huy chương các loại (20 HCV, 17 HCB và 23 HCĐ); tại Đại hội TDTT khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long lần thứ VII, năm 2017, An Giang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 43 HCV, 25 HCB và 13 HCĐ. Bên cạnh đó, hàng năm, An Giang còn là một trong những địa phương cung cấp cho các đội tuyển quốc gia nhiều VĐV xuất sắc tham gia thi đấu tại đấu trường khu vực và quốc tế.

Trong năm 2017, An Giang đã tiến hành tổ chức Đại hội TDTT các cấp. Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội TDTT 2 cấp, thu hút gần 76.300 lượt VĐV tham dự. Mỗi địa phương tổ chức thi đấu từ 5 - 8 môn thể thao đối với Đại hội TDTT cấp xã, phường, thị trấn; từ 8 - 15 môn đối với Đại hội TDTT cấp huyện. Bên cạnh việc tổ chức các môn Thể thao thành tích cao, các địa phương còn duy trì tổ chức các môn Thể thao dân tộc, như: Đẩy gậy, Kéo co, Việt dã, Cờ tướng, Đua xuồng... Trong đó, Đại hội cấp huyện thu hút trên 17.500 lượt VĐV tham dự, tăng trên 2.000 lượt VĐV so với kỳ đại hội trước. TP. Châu Đốc là đơn vị tổ chức nhiều môn thi đấu nhất (15 môn), Châu Thành là địa phương có số lượng VĐV tham gia nhiều nhất.

Đại hội TDTT tỉnh An Giang lần VIII-2018 sẽ tổ chức thi đấu 18 môn, được chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 1 - 5/2018. Giai đoạn I (từ tháng 1 - 2/2018) tổ chức thi đấu 6 môn, gồm: Thể dục thể hình, Việt dã, Đẩy gậy, Kéo co, Pencak Silat và Quần vợt. Giai đoạn II (từ tháng 3 - 4/2018) tổ chức thi đấu 8 môn, gồm: Wushu, Bóng chuyền 6 người, Bóng chuyền 2 người, Kick - Boxing, Xe đạp, Karatedo, Cầu lông, vòng loại Bóng đá nam. Giai đoạn III (từ ngày 19 - 23/5) thi đấu 6 môn, gồm: Điền kinh, chung kết Bóng đá nam, Võ cổ truyền, Vovinam, Bơi lội, Taekwondo. Lễ Khai mạc dự kiến được tổ chức vào ngày 19-5 tại sân vận động tỉnh An Giang.


VD

Ảnh trong bài
  • Thực hiện NQ08/NQ-TW: TDTT An Giang không ngừng phát triển