You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc: thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức cá nhân và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn thành phố, phong trào TDTT của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều khởi sắc, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức khoẻ và cải thiện đời sống văn hoá tinh thần cho người dân.

CLB Yoga được phát triển ở nhiều nơi, thu hút đông đảo thanh thiếu niên, phụ nữ...(Ảnh: A.Nguyệt)
Đa dạng các hoạt động TDTT

Các hoạt động TDTT quần chúng ở thành phố Vĩnh Yên liên tục có những phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo ra một phong trào TDTT sôi nổi, liên tục, rộng khắp trên các địa bàn dân cư. Phong trào TDTT được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và da dạng ở các cấp, các ngành như: Hội khoẻ Phù Đổng, hội thao, hội thi, các giải thể thao quần chúng được tổ chức hàng năm. Đặc biệt là việc chỉ đạo và tổ chức định kỳ Đại hội TDTT các cấp từ cơ sở đến cấp thành phố đã thu hút hàng vạn người tham gia tập luyện và thi đấu.

Gần nhất, tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IV/ 2014, thành phố Vĩnh Yên đăng ký tham gia thi đấu với 125 VĐV, tranh tài 41/73 nội dung của 12/13 môn thi đấu gồm: Bóng đá, Quần vợt, Điền kinh, Bóng bàn, Việt dã, Bắn súng, Vật, Cờ tướng, Karatedo, Pencatsilat, Bóng chuyền. Với mục tiêu phấn đấu, đoàn giành được 41/73 bộ huy chương, trong đó có 26 HCV (vượt chỉ tiêu 06 HCV) và đứng ở vị trí nhất toàn đoàn. Bên cạnh đó, hàng năm, ngành VHTTDL thành phố cùng với các cấp, các ngành đã huy động nguồn lực xã hội để tổ chức hàng trăm giải đấu với quy mô và chất lượng cao.

Toàn thành phố có trên 700 CLB TDTT đơn môn và đa môn. Các CLB TDTT hoạt động thường xuyên, hiệu quả và luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện. Trong đó, ngoài những CLB có bề dày truyền thống như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Xe đạp, Thể dục dưỡng sinh, Thể dục thẩm mỹ, Bóng chuyền hơi,... thì một vài năm trở lại đây, các môn thể thao mới như Thể dục thẩm mỹ, Yoga... có xu hướng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia nhất là thanh niên, phụ nữ, cán bộ CNVC...

Có được những kết quả trên, trước hết là do Sở VHTTDL đã chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh để tổ chức các giải và phát động phong trào TDTT theo từng đối tượng, môn thể thao theo sở thích. Đến nay, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên chiếm trên 32 % dân số (phấn đấu đến năm 2020 con số này sẽ đạt mức 35%). Đây là những tín hiệu đáng mừng cho phong trào thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở.

Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT

Ngoài hệ thống cơ sở vật chất hiện có, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia như Sân vận động, Nhà thi đấu đa năng…, chính quyền các cấp còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi thi đấu của người dân. Điều kiện sân bãi ở nhiều địa phương được đầu tư nâng cấp, nhiều công trình phục vụ cho hoạt động TDTT được xây dựng mới, hiện đại như sân Bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, sân Quần vợt, nhà luyện tập môn Cầu lông…

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 -2020, thực hiện Đề án xây dựng văn hóa, văn minh đô thị thành phố Vĩnh Yên và Chương trình phát triển TDTT thành phố, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện, toàn thành phố có 111/121 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 5/9 xã, phường có nhà văn hóa; nhiều sân chơi, bãi tập thể thao được quy hoạch và đưa vào sử dụng, thu hút đông đảo nhân dân đến tập luyện; 111/121 thôn, tổ dân phố có CLB văn hóa - văn nghệ - TDTTT. Nhiều môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng như Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Thể dục dưỡng sinh, Thể dục thẩm mỹ, Đi bộ... Thể thao thành tích cao đạt nhiều giải trong các kỳ thi đấu của tỉnh: Giải Vô địch Bóng bàn, Cầu lông cấp tỉnh năm 2014, đạt 4 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba... Cấp xã, phường đã hoàn thành xây dựng được 4 nhà văn hoá, 2/6 sân thể thao; thôn, tổ dân phố đã xây mới 25 nhà văn hóa, xây dựng lại 6 nhà văn hóa. Đến nay, toàn thành phố xây dựng được 15 sân thể thao ở khu dân cư, đạt 93,8%.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT đối với sức khỏe con người, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa, TDTT ở cơ sở. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngoài việc xây dựng 24 sân thể thao thôn, tổ dân phố, Vĩnh Yên cũng chủ trương hỗ trợ đầu tư dụng cụ TDTT ngoài trời cho các khu dân cư với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/khu dân cư. Và đặc biệt, tháng 9/2017 vừa qua, UBND thành phố đã lắp đặt 54 thiết bị, dụng cụ thể thao công cộng, trong đó, tại khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh được lắp đặt 27 dụng cụ, vườn hoa khu dân cư số 1 (phường Liên Bảo), vườn hoa khu dân cư số 2 (phường Khai Quang), mỗi địa điểm được lắp đặt 9 dụng cụ thể thao ở những vị trí thuận lợi và an toàn cho người sử dụng.

Các thiết bị luyện tập TDTT được trang bị đều là các dụng cụ tập thông dụng, đơn giản và thích hợp với mọi đối tượng như: Xà đơn, xà kép, dụng cụ tập tay, dụng cụ tập cơ chân, đùi, tập toàn thân… phục vụ cho nam giới; dụng cụ tập lưng bụng, đạp tròn, đi bộ… thích hợp với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Tổng kinh phí thực hiện việc lắp đặt các thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời của thành phố ước tính khoảng hơn 24,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện hai năm 2016 – 2017 là hơn 6,3 tỷ đồng. Số tiền này được trích từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội hóa.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, nâng cấp và mua sắm các trang thiết bị tập luyện TDTT sẽ góp phần tạo đà cho phong trào TDTT của thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị thế là lá cờ đầu trong phong trào TDTT của tỉnh.

VD
 

Ảnh trong bài
  • Thành phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc: thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW