Thể thao thành tích cao tạo nhiều dấu ấn
Trong đó, nổi bật là Thể thao thành tích cao của tỉnh Hòa Bình đã có nhiều khởi sắc, giành được nhiều thành tích tại các giải đấu trong khu vực và toàn quốc. Một số môn thể thao phát triển nhanh, được đầu tư mạnh, gặt hái được nhiều huy chương như: Xe đạp, Boxing, Pencak silat, Karatedo, Đẩy gậy… Cùng với đó, nhiều VĐV tỉnh Hòa Bình thi đấu giành huy chương tại các giải khu vực và quốc gia, được Tổng cục TDTT phong đẳng cấp VĐV Kiện tướng và VĐV Cấp I, được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia, qua đó từng bước nâng cao vị thế của thể thao Hòa Bình. Nổi bật, chỉ tính từ đầu năm đến tháng 9 năm 2017, tỉnh Hòa Bình đã tuyển chọn, huấn luyện 70 lượt VĐV tham gia thi đấu 14 giải thể thao, kết quả giành 10 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 14 Huy chương Đồng, có 4 VĐV được phong Kiện tướng và 3 VĐV Cấp I. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, đến nay các VĐV của tỉnh Hòa Bình đã giành được hàng trăm Huy chương các loại.
Tiêu biểu trong phát triển Thể thao thành tích cao của tỉnh Hòa Bình phải kể đến môn Xe đạp. Đây là môn thể thao thế mạnh khi mang về cho Hòa Bình 8 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng trong năm nay. Bên cạnh lứa VĐV tên tuổi, nhiều kinh nghiệm và có bề dày thành tích như: Đinh Văn Linh, Bùi Văn Tuần, Hà Công Ky... còn có lớp VĐV trẻ kế cận đang dần trưởng thành và khẳng định mình khi mang về những tấm Huy chương Vàng đầu tiên tại các giải trẻ khu vực và toàn quốc như: Bùi Thị Huê, Đinh Tuấn Đạt... Đặc biệt, một số VĐV còn được triệu tập vào đội tuyển quốc gia như: Đinh Văn Linh, Bùi Văn Tuần, Nguyễn Văn Quang, Bùi Thị Huê... Trong đó, VĐV Đinh Văn Linh được giới chuyên môn đánh giá cao và được phong Kiện tướng cấp quốc gia.
Tuy nhiên, Thể thao thành tích cao của tỉnh Hòa Bình mới chỉ tập trung phát triển các môn thể thao cá nhân mà chưa đầu tư cho các môn thể thao đồng đội như: Bóng đá, Bóng chuyền. Bên cạnh đó, VĐV các tuyến còn mỏng, nhất là lực lượng trẻ kế cận, đội tuyển của tỉnh chưa được tập luyện tập trung. Việc khai thác tiềm năng Thể thao thành tích cao còn thiếu chủ động, chưa có chính sách thu hút, đãi ngộ tài năng thể thao. Ngoài ra, nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ dinh dưỡng cho Thể thao thành tích cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển TDTT trong giai đoạn hiện nay.
Theo chia sẻ của ông Đinh Danh Hạnh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình cho hay: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Thể thao thành tích cao của tỉnh đã đạt được những thành tích nổi trội và ngành TDTT nhận định tỉnh có tiềm năng để phát triển Thể thao thành tích cao. Do đó, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển Thể thao thành tích cao mang tính đột phá, bền vững, chuyên nghiệp và từng bước cải thiện vị trí của thể thao Hòa Bình so với toàn quốc.
Tiền đề phát triển TDTT Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2020
Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ rõ mục tiêu trước mắt: Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn Thể thao Hòa Bình dự kiến sẽ tham gia tranh tài ở 6 môn (Xe đạp, Cử tạ, Điền kinh, Boxing, Pencak Silat, Karatedo), phấn đấu ở vị trí thứ 40/65 tỉnh, thành phố, ngành trong cả nước, nằm trong tốp 10 của 19 tỉnh khu vực miền núi. Chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu giành 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng. Qua đó, khẳng định được vị thế của Thể thao thành tích cao tỉnh Hòa Bình với cả nước.
Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2020 cũng đã đưa ra những mục tiêu chung như: Phát triển TDTT nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2015 - 2020”, từng bước đưa việc tập luyện TDTT trở thành thói quen hàng ngày của cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, qua đó phát hiện tài năng thể thao, cung cấp cho công tác đào tạo thể chất của tuyến địa phương và quốc gia; Mặt khác, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng xã hội hài hòa, phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, TDTT tỉnh Hòa Bình còn xây dựng mục tiêu ở nhiều mặt khác nhằm nâng cao, phát triển ngành thể thao nước nhà cũng như vị thế của thể thao Hòa Bình: Thể thao quần chúng (giai đoạn 2017 - 2020 có 900 câu lạc bộ TDTT cơ sở; giai đoạn 2021-2025 có 1.400 câu lạc bộ TDTT cơ sở; giai đoạn 2026-2030 trên 1.900 câu lạc bộ TDTT cơ sở); Thể thao trường học (tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100% đối với tất cả các cấp học, bậc học….); Lực lượng vũ trang (tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đạt từ 85% đến 100% tập luyện TDTT thường xuyên, 100% đơn vị đạt tiêu chuẩn “Đơn vị Công an khỏe”); Thể dục, thể thao trong lực lượng công chức, viên chức, người lao động (100% khu công nghiệp hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân); Thể thao chuyên nghiệp (phấn đấu thành lập câu lạc bộ chuyên nghiệp)...
Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra cũng như tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đến năm 2020, ngành TDTT Hòa Bình cần xác định phải làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển TDTT với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, gắn với yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Hòa Bình; Tập trung đầu tư, phát triển TDTT trong hệ thống trường học, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo VĐV Thể thao thành tích cao, ưu tiên đầu tư phát triển các môn Thể thao trọng điểm nhóm I của tỉnh, phấn đấu xây dựng Hòa Bình trở thành một trong những trung tâm TDTT mạnh của vùng Tây Bắc với các giải pháp chủ yếu: Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT; Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho TDTT; Vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ, sân thể thao phường, xã theo mô hình xã hội hóa và hoạt động dịch vụ TDTT; Hướng dẫn, phát triển các câu lạc bộ TDTT ở cơ sở; bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các hoạt động TDTT; Đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng trong lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, nông dân... góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi lành mạnh trong nhân dân.
Cùng với đó, làm tốt công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, tập luyện cho lực lượng VĐV. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, từng bước đáp ứng điều kiện hoạt động thể thao cho nhân dân, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình.
N.H