You must configure this module first via "Module Settings"

Đà Nẵng: đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT

Là một trong những trung tâm kinh tế chính trị lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ về các mặt kinh tế, xã hội... trong đó có phong trào TDTT.

Là một trong những trung tâm kinh tế chính trị lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ về các mặt kinh tế, xã hội... trong đó có phong trào TDTT. Trong những năm qua, ngành TDTT Đà Nẵng đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền TDTT nước nhà.

Cùng với phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT rộng khắp trên toàn thành phố ngành TDTT Đà Nẵng đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các giải thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo ngày càng phát triển ổn định và từng bước nâng cao về chất lượng chuyên môn. Trong năm 2007, ngành TDTT Đà Nẵng đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức được 32 giải thể thao, trong đó có 10 giải quốc gia. Đặc biệt, Đà Nẵng còn đăng cai, tổ chức thành công Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ III và nhiều hoạt động TDTT phong phú, hấp dẫn trong Liên hoan Du lịch Biển gọi năm 2007...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song để xứng đáng là một trong những đơn vị có phong trào TDTT phát triển, năm 2008 ngành TDTT Đà Nẵng đặt ra nhiệm vụ: tập trung cho công tác tập huấn và đào tạo VĐV, đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT trong toàn dân, đặc biệt đến năm 2010 Đà Nẵng phấn đấu sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển toàn bộ các cơ sở công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển toàn bộ các CLB TDTT do Nhà nước quản lý sang loaị hình ngoài công lập theo Đề án đẩy mạnh các hoạt động XHH TD - TT trên địa bàn thành phố đến năm 2010 (Quyết định số 17/2007/QĐ-UBDN thành phố Đà Nẵng).

Chính vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, nhiều CLB, điểm tập TDTT trong và ngoài công lập được hình thành và hoạt động có hiệu quả, trong đó tập trung vào các môn: Dưỡng sinh, Thể dục thể hình, Cầu lông, Bóng bàn, Billiards, Võ... Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên toàn thành phố đã có 16 CLB Taekwondo, 17 CLB Thể hình, 11 CLB Thể dục thẩm mỹ... do tư nhân quản lý và tổ chức hoạt động. Có thể nói cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự ra đời của các CLB, điểm tập TDTT tư nhân đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo các tầng lớp nhân dân (năm 2010 sẽ đảm bảo đáp ứng tối thiểu từ 70% đến 80% nhu cầu dịch vụ TDTT tuỳ theo từng loại hình)

Để đạt mục tiêu này, ngoài việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, các công trình trọng điểm, các dịch vụ TDTT công cộng có lợi... phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu TDTT của người dân, thành phố đã đề ra các giải pháp mang tính chiến lược như: tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xã hội hoá TDTT, đổi mới về công tác quản lý Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường thể thao, thể chế hoá các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm phát triển đa dạng hoá các loại hình dịch vụ TDTT; khuyến khích thành phố tiếp thị và quảng cáo thể thao để tạo điều kiện nhanh chóng phát triển thị trường TDTT...

Dũng - Nhân
 

Ảnh trong bài
  • Đà Nẵng: đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT