You must configure this module first via "Module Settings"

Công tác xã hội hóa thể dục thể thao ở thành phố Hà Giang

Xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) là chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền trên toàn thành phố Hà Giang đã huy động nhiều nguồn lực cùng chung tay, góp sức chăm lo phát triển phong trào TDTT của địa phương. Qua đó, góp phần đưa phong trào TDTT của thành phố ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Nhiều giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (Ảnh: H.Phong)
Một trong những điểm nhấn của công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT Hà Giang là phát triển ở loại hình CLB TDTT. Các CLB TDTT được thành lập dưới hình thức tự nguyện, thu hút những người cùng chung sở thích. CLB thể thao được thành lập có những quy định riêng và chịu sự quản lý của UBND xã, phường. Hàng năm, thành phố Hà Giang thường xuyên tổ chức nhiều giải thể thao phong trào, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia và nguồn kinh phí tổ chức các giải đấu này phần lớn từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân.

Theo thống kê của Trung tâm VHTTDL, trên địa bàn thành phố Hà Giang có 58 CLB TDTT đơn môn và đa môn hoạt động thường xuyên. Trong đó, nhiều CLB TDTT có số lượng hội viên tham gia đông đảo như: CLB Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá, Thể dục thẩm mỹ, Bóng chuyền, Khiêu vũ, Yoga...

Được biết, kinh phí tham gia CLB TDTT là khác nhau, nhưng ở mức trung bình khoảng 200-500 ngàn đồng/tháng. Nguồn kinh phí này đều do các hội viên tự nguyện đóng góp và dùng để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, sinh hoạt... Vừa đáp ứng được lợi ích sức khỏe mà chi phí tập luyện lại không quá tốn kém nên ngày càng có nhiều người tham gia tập luyện thường xuyên tại các CLB. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, TDTT trên địa bàn thành phố Hà Giang đã thực sự đi vào đời sống, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư. Qua đó, góp phần thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trong nhân dân trên địa bàn thành phố ngày một phát triển mạnh mẽ. Và thông qua các hoạt động thi đấu thể thao phong trào, giúp các nhà chuyên môn có cơ hội tìm kiếm những vận động viên tài năng cho thể thao chuyên nghiệp.

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT, phong trào TDTT của thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Theo đó, năm 2016, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn là 19.200 người; số gia đình tham gia thể thao là 2.015 hộ; số đội TDTT cơ sở là 421 đội; có 162 điểm nhóm tập... Các đội tuyển Thể thao thành tích cao của thành phố luôn tham gia đầy đủ các giải TDTT của tỉnh và giành được nhiều kết quả ngoài mong đợi.

Để làm tốt công tác xã hội hóa TDTT, thành phố Hà Giang đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và tích cực huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình TDTT, tài trợ cho các giải đấu thể thao. Qua đó, đã góp phần đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, cũng như phục vụ tốt các hoạt động TDTT trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã xây dựng nhiều công trình TDTT đảm bảo về quy mô và chất lượng. Đây cũng chính là nơi thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân đến tập luyện.

Bên cạnh đó, hiện nay các xã, thị trấn, chính quyền địa phương đã quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng sân bãi, khai thác, tận dụng cơ sở vật chất vốn có phục vụ hoạt động TDTT tại cơ sở. 100% các xã, phường, thị trấn đã huy động nguồn lực đều có nhà văn hóa được trang bị nhiều dụng cụ tập luyện TDTT. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT từng bước được hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.Trên địa bàn thành phố Hà Giang, ngoài các công trình TDTT do nhà nước đầu tư xây dựng như: Sân vận động, Bể bơi... còn có hàng trăm các công trình TDTT như sân tập luyện Cầu lông, sân Quần vợt, Bể bơi nhân tạo, sân Bóng đá cỏ nhân tạo và nhiều điểm tập luyện TDTT công cộng do tư nhân đầu tư xây dựng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, thành phố Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp kinh phí để xây dựng nhà tập, sân tập thể thao tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Mặt khác, thành phố cũng đề ra những giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn, giảm thuế cho thuê đất, mặt bằng để xây dựng các cơ sở dịch vụ TDTT...

HP

Ảnh trong bài
  • Công tác xã hội hóa thể dục thể thao ở thành phố Hà Giang