You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Phước hiệu quả từ công tác xã hội hóa Thể dục Thể thao

Bình Phước là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, chính vì vậy công tác xã hội hóa TDTT phát triển khá mạnh, ngày càng hiệu quả và thu hút được đông đảo các mạnh thường quân sẵn sàng đồng hành, đầu tư cho sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh nhà.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước: Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 CLB thể thao, chủ yếu là các CLB Bóng đá mini, Cầu lông, Bóng chuyền, Quần vợt... Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập 11 Trung tâm TDTT (1 của tỉnh và 10 của các huyện, thị). Trung tâm TDTT là đơn vị sự nghiệp chịu sự quản lý về mặt nhà nước của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện. Vì vậy, các Trung tâm TDTT đều xây dựng các thiết chế quản lý đối với từng lĩnh vực để phát triển sự nghiệp TDTT. 

Hầu hết, các cơ sở TDTT hoạt động theo phương thức tự quản, tự nguyện, tự trang trải về kinh phí nhưng chịu sự quản lý về mặt nhà nước của UBND phường, xã, thị trấn và về mặt chuyên môn của các Trung tâm TDTT huyện, thị xã. Tuy nhiên, ở các xã, phường, thị trấn vẫn chưa có cán bộ biên chế về TDTT nên vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, thiết chế quản lý trong lĩnh vực thể thao đối với cơ sở cũng xảy ra nhiều bất cập, cần phải thực hiện theo lộ trình từng bước, từng giai đoạn cụ thể khác nhau.   

Công tác phát triển xã hội hóa Thể dục Thể thao ngày càng mạnh mẽ (Ảnh:PB)
Bình Phước có nền kinh tế phát triển khá bền vững trong khu vực phía nam, thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cùng với tình hình chính trị - xã hội tương đối ổn định, đây sẽ là tiền đề và điều kiện cơ bản để phát triển các loại hình TDTT. Với bối cảnh thuận lợi đó, Bình Phước trong chiến lược phát triển TDTT của tỉnh, ngay từ đầu đã luôn xác định xây dựng và đưa ra những chính sách đúng đắn về xã hội hóa TDTT nhằm tạo ra môi trường thích ứng để mở rộng các loại hình tập luyện TDTT từ cơ sở đến phong trào toàn tỉnh.

Hàng năm, nguồn vốn huy động cho các tổ chức TDTT lên đến hàng tỷ đồng. Số tiền tuy chưa lớn, song sự tham gia đóng góp của các tổ chức, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng và một số đơn vị khác cho thấy công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh Bình Phước bước đầu đã khai thác được tiềm năng của các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất TDTT. Đồng thời, thấy được công tác xã hội hoá ở tỉnh đang từng bước lớn mạnh, phù hợp với chủ trương xã hội hóa hiện nay.

Để giải quyết vấn đề thiết chế TDTT phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân và thi đấu của quần chúng, cấp tỉnh đã xây dựng được 2 sân vận động, 4 sân tennis, 1 nhà tập thể thao đa năng, sân tập cho các môn Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá, Cầu mây, Bóng rổ, 1 nhà tập thể thao dành cho các môn Teakwondo, Boxing, Silat... Cấp huyện, 11 huyện, thị xã đã thành lập Trung tâm văn hóa - thể thao và xây dựng được 4 nhà thi đấu Thể thao đa năng, 1 nhà tập Thể thao đa năng, 5 sân vận động có khán đài.

Ngoài ra, các huyện trong toàn tỉnh còn tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân bóng chuyền hoặc cho các cơ sở kinh doanh đầu tư làm sân bóng đá mini. 18/111 xã phường, thị trấn thành lập Trung tâm văn hóa - thể thao, 94 sân bóng đá, 279 sân bóng chuyền và nhiều công trình thể thao được xây dựng theo mô hình xã hội hóa. Bên cạnh đó còn có 100 sân bóng đá, 91 sân quần vợt, 50 bể bơi, hàng chục CLB thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ... hoạt động tốt, thu hút nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh Bình bước trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa được như mong đợi. Do chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những khó khăn do suy thoái kinh tế của cả nước nói chung, chưa có nhiều các doanh nghiệp tài trợ cho các đội tuyển từ tuyến tỉnh đến cơ sở, nguồn kinh phí hỗ trợ ít ỏi vẫn chưa đáp ứng được đủ hết nhu cầu phát triển của ngành. Trong đó, sân chơi, nơi tập luyện TDTT, nhất là các công trình phục vụ cho giáo dục thể chất trong trường học ở nhiều xã, phường, thị trấn còn thiếu, vẫn chưa vận động xây dựng được.
 
Để công tác vận động xã hội hóa TDTT được thực hiện tốt hơn nữa, ngành TDTT tỉnh Bình Phước song song với việc khuyến khích phát triển phong trào Thể thao quần chúng, thời gian tới cần phải nâng cao hiệu quả đào tạo, đạt được nhiều thành tích có quy mô tầm cỡ các giải đấu chuyên nghiệp, đăng cai nhiều giải Thể thao vô địch quốc gia cũng như các sự kiện nổi bật của Trung ương (Tổng cục TDTT). Qua đó, thu hút các nhà đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nằm trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí, hay các chính sách đầu tư, kinh doanh phù hợp trong lĩnh vực thể thao, tạo nên nền tảng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTT tỉnh nhà.

N.H

Ảnh trong bài
  • Bình Phước hiệu quả từ công tác xã hội hóa Thể dục Thể thao