You must configure this module first via "Module Settings"

Hưng Yên: Hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị

Trong những năm qua, công tác TDTT tỉnh Hưng Yên đã có bước phát triển khởi sắc cả về chất và lượng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức khoẻ và cải thiện đời sống văn hoá tinh thần cho người dân. Đồng thời góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự phát triển của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020.

Được biết, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 - NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 43 - KH/TU và tổ chức quán triệt, học tập triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Thực hiện Kế hoạch của tỉnh ủy, ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết (năm 2012), 100% các huyện, thành phố và hầu hết các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành công tác tổ chức quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều văn bản cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển TDTT của Đảng: Đề án Phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch triển khai Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2013 - 2020; đồng thời thực hiện chế độ đãi ngộ đối với VĐV, huấn luyện viên và chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao. Căn cứ kế hoạch, đề án của tỉnh, đã có 12 đơn vị cấp huyện, thành phố ban hành Kế hoạch; 05 đơn vị ban hành chương trình hành động; 03 đơn vị ban hành Nghị quyết; 2 đơn vị ban hành Đề án.

Phong trào TDTT tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh mẽ (Ảnh: N.H)
Cho đến nay, công tác phát triển TDTT tỉnh Hưng Yên đã được triển khai một cách toàn diện, đã tạo nên những điểm nhấn, dấu ấn nổi bật từ khâu đầu tiên là tham mưu giúp cấp ủy cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng thành kế hoạch, chương trình hành động đến khâu cuối cùng là đánh giá, sơ kết và tiếp tục tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác TDTT trong tình hình mới. Nhờ đó, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị (12/2011 - 6/2017), phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển theo hướng ổn định và chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe cho tầng lớp nhân dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh đã được triển khai sâu rộng đến từng địa bàn dân cư và được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Theo số liệu thống kê của Sở VHTTDL: Trên địa bài tỉnh Hưng Yên hiện nay, có trên 30% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, trên 2,5 nghìn CLB, điểm, nhóm luyện tập thể thao; 100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất; 79% trường thực hiện tốt các hoạt động thể thao ngoại khóa, cùng đội ngũ cán bộ giáo viên thể dục được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao như Hội khỏe Phù Đổng, Điền kinh, Bóng đá, Cờ vua, Bóng bàn, Cầu lông… thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, từng bước thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó, phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang luôn được duy trì thường xuyên. Tính đến nay có 97,1% số cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể. Hằng năm, các đơn vị đã phối hợp tổ chức hội thảo, các giải thi đấu  kết hợp giữa các môn thể thao: Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền với thể thao trong lực lượng vũ trang như: chạy vũ trang, bắn súng quân dụng. Có nhiều đội tuyển lực lượng vũ trang tham gia và giành thành tích cao tại các hội thảo cấp tỉnh và hội thảo ngành toàn quốc.

Thể thao thành tích cao giữ vững thế mạnh ở một số môn và nâng cao chất lượng ở các môn có tiềm năng, đóng góp thành tích cho tỉnh và quốc gia như: Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá nhi đồng, Quần vợt, Bắn cung, Đua thuyền, Cử tạ, Điền kinh, Pencaksilat, Taekwondo, Boxing… Đồng thời, xác định rõ thế mạnh của các huyện, thị xã để có hướng chỉ đạo, đầu tư và cử cán bộ chuyên môn về hướng dẫn, tuyển chọn các VĐV có năng khiếu, có thành tích tham gia đội tuyển ở tuyến tỉnh. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW, các đội tuyển Thể thao thành tích cao của tỉnh đã tham dự trên 30 giải toàn quốc với số huy chương đạt được tăng đều qua các năm; số VĐV đạt Đẳng cấp quốc gia ngày càng tăng, cụ thể như sau: Năm 2012 đạt 105 huy chương các loại thì đến hết tháng 6/2017 số lượng đã tăng gần 150 Huy chương các loại. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 46 VĐV đạt Đẳng cấp quốc gia, 15 VĐV kiện tướng, 7 VĐV dự bị kiện tướng, 24 VĐV cấp 1.

Để có được những thành tích nổi bật trong công tác phát triển TDTT trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Hưng Yên đã từng bước dành xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu hoạt động TDTT. Tỉnh đã đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, làm mới một số công trình cho Trường Nghiệp vụ TDTT phục vụ tập luyện: sân Quần vợt, sân Bóng đá mini, cải tạo sân Bóng chuyền ngoài trời thành nhà tập đơn giản. Một số địa phương, cơ sở đã dành đất để làm sân vận động, khu thể thao, xây dựng nhà luyện tập và thi đấu như: huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Phù Cừ; các đơn vị Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã hỗ trợ, đầu tư kinh phí cho các Liên đoàn, các địa phương để tổ chức giải, xây dựng và trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển TDTT, tỉnh Hưng Yên vẫn còn đó một số những tồn đọng, hạn chế: phong trào Thể thao quần chúng phát triển chưa đồng đều, người dân ở nông thôn tham gia luyện tập TDTT còn ít. Tỷ lệ số người tập luyện TDTT và số gia đình thể thao không đồng đều giữa các huyện, thành phố. Chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục thể chất trong nhiều trường học còn thấp, chưa đáp ứng so với mục tiêu giáo dục toàn diện. Hoạt động ngoại khóa, thiết bị giảng dạy TDTT trong nhà trường còn thiếu. Một số môn thể thao trọng điểm tuy được tỉnh đầu tư nhưng hiệu quả còn thấp, một số bộ phận huấn luyện viên chưa đáp ứng đủ mọi mặt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu còn thiếu, chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Để tiếp tục phát huy những lợi thế, kết quả đạt được, dần khắc phục những hạn chế, khó khăn, ngành TDTT tỉnh Hưng Yên đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35%, số gia đình tập luyện TDTT đạt 33%; số cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể đạt 98,5%; duy trì và nâng cao chất lượng số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa; hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ và thực hiện hoạt động TDTT ngoại khóa đạt 85%. 100% huyện, thành phố và trên 50% xã, phường thị trấn có nhà tập luyện, thi đấu thể thao và sân hoạt động TDTT…

Với mong muốn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đặt ra trong sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 08 - NQ/TW, Kết luận số 07 - KH/TU, đồng thời cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thường xuyên, duy trì và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập TDTT, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện ở cơ sở. Tổ chức các giải thi đấu thể thao cho đoàn viên, hội viên trong tổ chức chính trị - xã hội. Phát triển một số môn thể thao mới và loại hình vận động phù hợp với từng lứa tuổi; từng bước xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển TDTT cho người khuyết tật ở các địa phương.

Song song với nhiệm vụ nêu trên, TDTT tỉnh Hưng Yên phải luôn duy trì và nâng cao chất lượng rèn luyện thân thể đối với cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; thành lập, củng cố duy trì hoạt động của các CLB TDTT ở các cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư. Tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT gắn với các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, tỉnh, lễ hội văn hóa ở cơ sở. Đổi mới nội dung đào tạo và huấn luyện đội ngũ VĐV tài năng nhằm nâng cao thành tích ở các giải thi đấu trong và ngoài nước; giảm đầu tư những môn thể thao không đạt hiệu quả và tăng đầu tư kinh phí vào các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện.

Cuối cùng, tỉnh Hưng Yên cần tập trung củng cố bộ máy làm công tác TDTT, hoàn thành Quy hoạch chi tiết Khu liên hợp TDTT trên cơ sở kêu gọi đầu tư, đến năm 2020 khởi công xây dựng theo từng giai đoạn nhà thi đấu đa năng tỉnh. Chú trọng quy hoạch diện tích đất dành cho các hoạt động TDTT tại các xã, phường, thị trấn trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh.

N.H
 

Ảnh trong bài
  • Hưng Yên: Hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị