Xã hội hoá TDTT - một nhiệm vụ mang tính chiến lược đã được ngành TDTT liên tục thực hiện trong suốt thời gian qua, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 73/NĐ-CP về chủ trương xã hội hoá giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục, thể thao đến Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục, thể thao hay mới đây Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá.
Cùng với việc hoạt động TDTT ngày càng được xã hội quan tâm, thì công tác xã hội hoá TDTT cũng được đẩy lên một bước phát triển mới. Dù còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của cả nước cũng như những khó khăn của Bộ khi mới sáp nhập ngành văn hóa, thể thao và du lịch nhưng trong 6 tháng đầu năm 2008, khắc phục khó khăn đó, công tác xã hội hoá vẫn được quan tâm và đạt được một số thành tựu trên nhiều mặt công tác.
Hoạt động xã hội hoá được thực hiện tốt trước hết thể hiện trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo và tiếp tục triển khai của chương trình đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong toàn ngành văn hoá, thể thao và du lịch hay việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ nghiên cứu bổ sung, sửu đổi Nghị định 53 đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định 69/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá, thể thao, môi trường.
Hiện tại, Bộ đang phối hợp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh mục các loại hình, tiêu chí khuyến khích xã hội hoá quy định điều kiện khung cho các cơ sở thực hiện xã hội hoá được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Khi đó, sẽ tạo thêm cơ sở thuận lợi đối với hoạt động vốn gặp nhiều khó khăn này.
Trong 6 tháng vừa qua, ngành TDTT đã tiến hành một số hoạt động như: khen thưởng cho các VĐV, HLV tiêu biểu của Thể thao Việt Nam và Thể thao người khuyết tật năm 2007, trao thưởng cho các VĐV giành HCV tại SEA Games 24, kỷ niệm 62 năm ngày Thể thao Việt Nam, kỷ niệm 30 năm tổ chức cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu... Đặc biệt, các sự kiện này đã được ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước vừa tôn vinh những con người làm lên lịch sử vừa quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xã hội hoá nổi bật là các khoản tài trợ đã được ký kết và thực hiện giữa Nhà tài trợ và tổ chức TDTT. Trong đó, điển hình là sự kiện Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã nhận được tài trợ trị giá 800 triệu đồng ngay sau khi kết thúc Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ V (ngày...). Tập đoàn Động lực đã trao số tiền 100 triệu đồng cho đội tuyển quốc gia Bóng chuyền nữ. Đây là khoản tài trợ năm 2008, trong bản hợp đồng kéo dài 5 năm và có giá trị gần 3 tỷ đồng giữa Động lực và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Tập đoàn Saigon Invest Group tài trợ 1,5 tỷ đồng cho các hoạt động của Liên đoàn Vovinam Việt Nam năm 2008.
Ngoài ra, các hoạt động xã hội hoá với nhiều hình thức khác nhau thường xuyên được diễn ra như việc các Mạnh thường quân tài trợ cho cá nhân VĐV, từng giải đấu, Tập đoàn FPT đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Liên đoàn Cờ Việt Nam (VCF) từ 2008 đến 2010. Trong đó, hàng năm, VCF sẽ phối hợp với FPT tổ chức Giải Cờ Vua Ngôi sao đại kiện tướng thế giới FPT...
Tất cả các hoạt động xã hội hoá, dù dưới hình thức nào cũng đã góp phần ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển của ngành TDTT.
HX