You must configure this module first via "Module Settings"

Xây dựng mô hình CLB từ nguồn xã hội hóa: "đòn bẩy" cho sự phát triển phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT, những năm gần đây, hoạt động TDTT nói chung và công tác xã hội hóa TDTT nói riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực về cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, việc phát triển loại hình Câu lạc bộ TDTT đã, đang ngày càng nở rộ và là một trong những mô hình phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bể bơi thông minh được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, được đặt tại Trạm y tế xã Phụng Công - Hưng Yên đã trở thành địa điểm tập luyện môn Bơi cho trẻ em (Ảnh: VD)
Những điểm sáng

Câu lạc bộ thể dục thể thao là mô hình hoạt động tự nguyện, nơi tập hợp, thu hút những người cùng chung sở thích tập luyện. Ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên những mô hình như vậy đang phát triển mạnh, tạo nền tảng quan trọng cho phong trào TDTT ở cơ sở. Các CLB được UBND xã công nhận và tạo điều kiện về sân bãi, cơ sở vật chất, hoạt động theo tiêu chí tự nguyện, các thành viên tự đóng góp tiền mua sắm trang phục, dụng cụ tập luyện, thi đấu.

Được thành lập từ năm 2007 đến nay, CLB cầu lông Tùng Dương (thôn Đình Dù, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) luôn là điểm đến của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã. Chủ nhiệm CLB Đỗ Trọng Thực cho biết: "Người dân trong thôn hứng thú luyện tập với môn cầu lông, thế nhưng trong thôn lại không có sân luyện tập. Tôi và gia đình đã dành hơn 100m2  đất để xây dựng nhà tập, cũng là nơi sinh hoạt cho các thành viên trong CLB". Ban chủ nhiệm CLB đề ra quy chế hoạt động khá nền nếp, hầu như ngày nào các thành viên trong CLB cũng tập luyện. Để tạo điều kiện cho các hội viên CLB được giao lưu, học hỏi, hàng năm, Ban chủ nhiệm CLB đều tổ chức các giải thi đấu giao hữu với các CLB trong và ngoài huyện. Hoạt động của CLB đã tạo sức hút, khơi dậy tinh thần tự giác, nhiệt tình rèn luyện thể thao trong quần chúng nhân dân.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Văn Lâm đã xây dựng được 80 CLB TDTT tại 11 xã và thị trấn, thu hút hàng nghìn người dân tham gia tập luyện. Các CLB trở thành nòng cốt trong phong trào thể thao ở mỗi xã, điển hình như: Bóng đá (xã Đại Đồng), Cầu lông (thị trấn Như Quỳnh),…

Thực hiện chủ trương xã hội hóa TDTT, các xã đều dành quỹ đất cho hoạt động TDTT trong xây dựng đề án quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới. Phong trào tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện TDTT cũng thu hút đông đảo nhân dân các địa phương hưởng ứng. rong đó phải kể đến những cá nhân, doanh nghiệp tư nhân đầu tư kinh phí xây dựng các công trình TDTT phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân như: Công ty TNHH thương mại Thanh Tùng tài trợ xây dựng sân bóng đá thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng với số tiền trên 110 triệu đồng; Công ty TNHH dịch vụ vận tải và thương mại Tùng Dương xây dựng sân tập cầu lông trị giá gần 50 triệu đồng trên đất của gia đình phục vụ nhân dân trong thôn Đình Dù, xã Đình Dù...

Nhờ sự chung tay của các tổ chức cá nhân, hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho việc tập luyện TDTT ở Văn Lâm từng bước được mở rộng. Hiện, trên địa bàn huyện có 5 sân tập cầu lông do tư nhân xây dựng với quy mô trên 100m2/sân và đang tiếp tục xây dựng 3 sân tập tại thị trấn Như Quỳnh; 5 sân bóng đá mini có hệ thống đèn chiếu sáng với mức đầu tư từ 30- 50 triệu đồng/sân;...

Nở rộ phong trào

 Do có tổ chức nên phong trào ở từng môn có tính định hướng rõ ràng và chủ yếu phát triển theo mô hình CLB. Chẳng hạn như những môn: Bóng đá, Vật, Đá cầu, Cầu lông, Quần vợt..., mỗi lần tổ chức giải cấp tỉnh đều thu hút số lượng lớn CLB thi đấu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phát triển của phong trào TDTT ở cơ sở. Đặc biệt, từ sự nở rộ ấy, chất lượng các môn thể thao quần chúng có chuyển biến tích cực và từ các giải thể thao quần chúng, nhiều VĐV đã trưởng thành trở thành những VĐV xuất sắc trong đội tuyển của tỉnh và đội tuyển quốc gia. 

Để thực hiện tốt công tác xã hội hoá thể thao, chính quyền các cấp trên toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình TDTT bằng cơ chế, chính sách phù hợp như: cho thuê mặt bằng với giá ưu đãi, giảm thuế,... Do đó,.  sân bãi ở nhiều địa phương được đầu tư nâng cấp, nhiều công trình phục vụ cho hoạt động TDTT được xây dựng mới, hiện đại như: sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, sân quần vợt, nhà luyện tập môn cầu lông, bể bơi thông minh… Ngoài kinh phí nhà nước cấp hàng năm và các nguồn lực xã hội đầu tư cho TDTT đã giúp cho hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho việc tập luyện TDTT của người dân từng bước được hoàn thiện; đặc biệt các thiết chế TDTT ở cơ sở được hình thành và bước đầu đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như rèn luyện sức khỏe của người dân. Hiện cả tỉnh có trên 800 sân tập luyện, thi đấu cầu lông, 97 nhà tập cầu lông, nhà tập đơn môn và đa môn, 445 sân bóng đá, 32 sân quần vượt…

Ngoài ra, toàn tỉnh có 500 thôn, khu phố có khu vui chơi thể thao. Các khu vui chơi thể thao có quy mô từ 500 – 1.000 m2, được đầu tư xây dựng khang trang, với những trang thiết bị, dụng cụ tập luyện đa dạng, hệ thống âm thanh, ánh sáng đảm bảo đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện TDTT cho nhân dân.

Mỗi năm, ngành văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức từ 20 – 25 giải thể thao quần chúng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hàng chục giải thể thao khác góp phần đẩy mạnh phong trào luyện tập và thi đấu thể thao trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong tỉnh. Các giải thi đấu giao hữu, giải phong trào ngày càng nở rộ và tổ chức thường niên hơn, giao lưu giữa các cơ quan, đơn vị cũng được triển khai và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân. Cùng với đó, các giải thể thao cấp huyện, các giải Bóng đá, Bóng chuyền liên xã, liên thôn cũng được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức thi đấu, tập luyện phong phú, đa dạng đã trở thành đòn bẩy cho sự phát triển phong trào TDTT ở cơ sở.

Nhờ đó, Số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên tăng hàng năm, đạt trên 3% (năm 2012 là 22,42%, năm 2014 là 25%, năm 2016 là 29,2%). Câu lạc bộ thể dục, thể thao được hình thành rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có khoảng trên 2,5 nghìn CLB, điểm, nhóm luyện tập thể thao; 100% các xã, phường, thị trấn, gần 80% các thôn, làng, khu phố có câu lạc bộ thể dục, thể thao.

Những con số trên đã chứng tỏ rằng việc xây dựng mô hình CLB TDTT từ nguồn xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT ở địa phương ngày càng phát triển, cần tiếp tục được duy trì, nhân rộng. Tuy vậy, các mô hình CLB thể thao vẫn có điểm hạn chế, nhất là về kinh phí, cơ sở vật chất luyện tập và do là tổ chức tự nguyện nên hoạt động của một số đơn vị thiếu tính bền vững. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là để phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT ở cơ sở, rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội, các cá nhân có niềm đam mê TDTT và một điều quan trọng đó là sự đúng đắn trong chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền bằng những cơ chế, chính sách hợp lý trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW của Chính phủ.

VD

Ảnh trong bài
  • Xây dựng mô hình CLB từ nguồn xã hội hóa: "đòn bẩy" cho sự phát triển phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên