You must configure this module first via "Module Settings"

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW: TDTT Thái Bình vững bước đi lên

Thái Bình là một tỉnh ven biển, thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, điều kiện tự nhiên, khí hậu rất thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, bởi vậy nhu cầu hưởng thụ các giá trị tinh thần về văn hóa, thể dục thể thao của nhân dân trong tỉnh cũng từng bước được nâng cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, dưới sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào TDTT của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Hằng năm, có hàng ngàn giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức tại Thái Bình đã góp phần đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển cả về chất và lượng (Ảnh: H.Dung)
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ và chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDTT. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ đó là:

Tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thể dục, thể thao. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ công tác thể dục, thể thao. Xác định rõ phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chung tay xây dựng nông thôn mới.  

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển mạnh thể dục, thể thao của tỉnh đến năm 2020. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên các địa bàn, đối tượng dân cư; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 35% dân số trở lên thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao. Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao; duy trì và phát huy kết quả thể thao thành tích cao, tiếp tục nâng cao vị thế của thể thao Thái Bình trong bảng xếp hạng toàn quốc. Đổi mới tổ chức, quản lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.

Tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện cho công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao. Quy hoạch và dành đất cho hoạt động thể dục, thể thao; bố trí sân tập, các không gian cho hoạt động thể dục, thể thao và trang thiết bị luyện tập phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư có hiệu quả cho công tác thể dục, thể thao. Xây dựng, kiện toàn các câu lạc bộ, điểm luyện tập thể dục, thể thao trong cộng đồng dân cư. Mở rộng liên kết với các tỉnh, trung tâm thể thao lớn trong toàn quốc, các nước trong khu vực để đào tạo, xây dựng lực lượng vận động viên, huấn luyện viên có đủ trình độ tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực, đầu tư, cung ứng các dịch vụ thể dục, thể thao theo quy định.

Với những nhóm giải pháp thiết thực, phù hợp, công tác TDTT trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp ổn định và không ngừng phát triển trên tất cả các mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 30,5% người dân tập luyện thể thao thường xuyên; 20,3% gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao; 78% cán bộ, công nhân viên chức - lao động tập luyện TDTT thường xuyên…

Phong trào TDTT quần chúng được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Cuộc vận động " Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã trở thành phong trào rộng lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các địa bàn dân cư, từ thành thị đến nông thôn. Nhiều người dân đã tự lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực và đặc thù công việc của mình để tập luyện hàng ngày.

Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên, gồm: Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Thể dục thể hình, Thể dục dưỡng sinh, Quần vợt, Đi bộ... Ngoài ra, các môn thể thao như: Kéo co, Cờ tướng, Lân sư rồng,… cũng được các địa phương thường xuyên tổ chức vào mùa lễ hội, đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống của địa phương, đất nước.

Phong trào tập luyện TDTT rèn luyện thân thể trong học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang phát triển mạnh với 100% trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nền nếp, 90% trường học tổ chức tốt hoạt động TDTT ngoại khóa, tích cực tham gia “Hội khỏe Phù Đổng” các cấp và Hội khỏe Phù Đổng tỉnh. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX, năm 16, đoàn VĐV tỉnh ạt 7 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ xếp thứ 40/63 tỉnh, thành, ngành.

Các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức hàng năm và luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Chỉ tính riêng trong năm 2016 có trên 1.100 giải cấp xã, 109 giải cấp huyện được tổ chức. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức 06 giải thi đấu thể thao quần chúng gồm: giải Bóng đá Tiểu học, giải Bóng đá Trung học cơ sở toàn tỉnh, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và giải Việt dã tranh cúp Báo Thái Bình lần thứ XXII, giải Vật tự do, Cầu lông tỉnh Thái Bình tranh cúp Mizuno, giải Quần vợt Thái Bình mở rộng tranh cúp Hữu Nghị lần thứ V... Các giải thi đấu thể thao quần chúng thu hút hàng ngàn lượt người tham gia và nhiều giải đấu đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Song song với hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng biểu dương. Hiện nay, Thái Bình tập trung đào tạo VĐV của 12 môn thể thao và sẽ thi đấu 40 – 50 giải toàn quốc. Hàng năm Thái Bình đóng góp cho các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia từ 15-20 HLV, VĐV, có từ 25-30 VĐV đạt cấp kiện tướng, 20-25 đạt cấp I.

Nhiều môn thể thao thế mạnh của Thái Bình như: Bóng chuyền nữ (liên tục nằm trong Top 3 đội đứng đầu của Bóng chuyền nữ Việt Nam trong nhiều năm liền), Cầu lông, Điền kinh, Bơi, Lặn, Võ thuật, Đua thuyền, Karratedo, Wushu, Boxing... đã ghi dấu ấn với nhiều VĐV tên tuổi khi giành thành tích cao tại các giải trong nước và quốc tế. Trong đó, tiêu biểu như Nguyễn Thị Bình Thơ (cầu lông), Phạm Thị Hiên, Bùi Thị Hiền (Điền kinh), Bùi Đình Khá (Bơi ), Nguyễn Thị Ngà  (Karatedo), Bùi Văn Tuyên (Taekwondo), Nguyễn Văn Cường (Wushu), Nguyễn Thị Hoa (Boxing)... Đây cũng chính là những VĐV trưởng thành từ các phong trào TDTT quần chúng và trở thành những VĐV trong các đội tuyển quốc gia, đã giành nhiều thành tích tại các giải thi đấu quốc tế. Họ chính là niềm tự hào của Thể thao Thái Bình và Thể thao Việt Nam.

Thể thao thành tích cao Thái Bình đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao quốc gia. Điều này được minh chứng bằng thành tích mà các đội tuyển của tỉnh đạt được qua  các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Nếu ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002 đoàn Thái Bình chỉ đạt 10 huy chương gồm 2 HCV, 5 HCBB, 3 HCĐ, xếp thứ 27 trên toàn quốc thì sau 4 năm, tại Đại hội lần thứ V năm 2006 đoàn Thái Bình đã vươn lên 11 bậc, xếp thứ 16 trên bảng xếp hạng khi đạt 24 huy chương gồm 9 HCV,6 HCBB, 9 HCĐ. Tiếp dến, Đại hội VI năm 2010, Thể thao Thái Bình tiếp tục để lại dấu ấn khi đạt 37 huy chương gồm 11 HCV, 12HCB, 14HCĐ vươn lên xếp thứ 15 trên toàn quốc. Và đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII Năm 2014, do một số nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, đặc biệt là sự đổi mới trong quản lý, đầu tư theo hướng tập trung vào những môn thể thao trọng điểm, Thể thao Thái Bình tiếp tục giữ vững vị trí Top 20 đoàn dẫn đầu tại Đại hội (giành 31 huy chương với 08 HCV, 11 HCB và 12 HCĐ, xếp vị trí thứ 19/65 tỉnh, thành, ngành tham dự). Ngoài ra, Thái Bình cũng là địa phương đăng cai và tổ chức thành công 4 môn thể thao trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, gồm Bóng chuyền, Vật, Cầu lông, Karatedo.

Trong năm 2017, Thái Bình tập trung tổ chức Đại hội TDTT các cấp, hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc sẽ diễn ra vào năm 2018. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở. Cụ thể, trong quý I năm 2017, tổ chức Đại hội TDTT cấp xã với quy mô 5 môn thể thao. Đại hội được tổ chức gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu dương lực lượng ở địa phương. Đại hội cấp huyện sẽ thi đấu 8 môn trở lên, được triển khai từ quý II đến hết năm 2017 và Đại hội TDTT cấp tỉnh sẽ diễn ra vào tháng 3/2018.

Mục tiêu mà Thể thao Thái Bình đặt ra tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII đó là phấn đấu đạt từ 11 Huy chương vàng, 11 Huy chương bạc và 22 Huy chương đồng trở lên; đoàn Thái Bình phấn đấu xếp thứ 14/66 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh Ủy, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, và sự hưởng ứng đồng thuận của người dân, phong trào TDTT ở Thái Bình hứa hẹn sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

VD

Ảnh trong bài
  • Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW: TDTT Thái Bình vững bước đi lên