You must configure this module first via "Module Settings"

Hậu Giang với những chính sách khuyến khích xã hội hóa TDTT

Thực trạng XHH trong TDTT của tỉnh Hậu Giang bước đầu đã có tác dụng và hiệu quả. Thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành TDTT tỉnh và trong các cấp ủy Đảng ngày càng được nâng lên, thể hiện ở một số lĩnh vực hoạt động TDTT đã có sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo sở, ngành hữu quan phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT; đồng thời, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều tổ chức kinh tế - xã hội và tư nhân đã cùng chung tay đầu tư xây dựng các công trình TDTT.

Hàng năm, huy động nguồn vốn cho các hoạt động TDTT lên đến hàng tỷ đồng. Đây là số tiền chưa lớn, song với sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã giúp cho công tác XHH TDTT của tỉnh từng bước phát triển phù hợp với quan điểm của Đảng và chủ trương của nhà nước.

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, như: xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; Nghiên cứu xây dựng và ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào hoạt động thể thao và nâng cao năng lực công nghệ về TDTT.

Bên cạnh đó xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ TDTT theo hướng xã hội hoá. Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tiền lương, tiền công cho đội ngũ VĐV, HLV thể thao; nghiên cứu, kiến nghị ban hành xây dựng mới và hoàn thiện các chính sách ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và các chính sách khen thưởng, bảo đảm an sinh xã hội (bảo hiểm, việc làm ...) cho các HLV, VĐV ưu tú khi họ giải nghệ. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT trong việc quản lý, điều hành các hoạt động TDTT; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Liên đoàn, Hội thể thao trên địa bàn tỉnh.

Về cơ bản các chính sách đã được triển khai trong thực tiễn, đơn cử như chính sách đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động TDTT tiếp tục được gia tăng, cơ sở vật chất, sân bãi tiếp tục được xây mới, nâng cấp đạt tiêu chuẩn thi đấu. Hiện nay, trong cả tỉnh có nhiều công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp khu vực, quốc gia; các công trình thể thao công cộng đã được đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân; khoảng 60 đến 70% xã, phường, thị trấn đã dành đất cho TDTT; trong đó, có hơn 30% xã, phường, thị trấn có sân tập, nhà tập. TDTT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có bước phát triển. Thể thao dân tộc được quan tâm giữ gìn, bảo tồn. Một số môn thể thao dân tộc như: Kéo co, Vovinam, Đá cầu, Võ cổ truyền … bước đầu đã được bảo tồn, phát huy.

Công tác xã hội hóa phát triển đã góp phần mang đến những kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh phát triển TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang. TDTT quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng rãi trên tất cả các đối tượng và địa phương theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng và chất lượng phong trào TDTT từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 và tổ chức phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” hàng năm tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn, các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian, một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.

Tính đến nay, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên năm 2016 chiếm tỷ lệ 29,51% dân số toàn tỉnh, tăng 11,51% so với năm 2006 (18%); Số gia đình thể thao năm 2016 chiếm tỷ lệ 22,65% số hộ gia đình toàn tỉnh, tăng 13,85% so với năm 2006 (8,8%); Số CLB TDTT đến năm 2016 có 669 CLB hoạt động hiệu quả, tăng 229 CLB so với năm 2006 (440 CLB).

Số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình GDTC nội khóa năm 2016 đạt 100% trường, tăng 15% so với năm 2006 (85%). Số trường học phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2016 đạt 61,8% tổng số trường tăng 31,83% so với năm 2006 (30%). Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2016 đạt trên 87% tổng số học sinh phổ thông các cấp tăng 13,5% so với năm 2006 (73,5%). Trong TDTT lực lượng vũ trang, số cán bộ, chiến sĩ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo từng quân, binh chủng đến năm 2016 đạt trên 93,03% tổng số cán bộ, chiến sĩ tăng 18,03% so với năm 2006 (75%).

Hầu hết các trường đều tập trung tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT, hướng dẫn viên TDTT cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách huy động, khuyến khích các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia tài trợ hoạt động thi đấu TDTT trong trường học.

Về phát triển thể thao thành tích cao, tỉnh có những giải pháp chiến lược mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương để phát huy tiềm năng, nâng cao hơn thành tích thể thao. Bên cạnh đó, có chính sách đãi ngộ đặc biệt để phát huy và động viên sự cống hiến của tài năng thể thao tỉnh nhà.

Đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, … tăng dần về số lượng lẫn chất lượng theo từng năm, thể thao tỉnh nhà những năm qua cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng, điển hình như sau:  Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2006, Đoàn Thể thao Hậu Giang tham dự 01 môn, đạt 01 Huy chương đồng (HCĐ) xếp hạng 66/66 tỉnh, thành, ngành cả nước ; Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010: Tham dự 07 môn, đạt 02 Huy chương vàng (HCV), 01 Huy chương bạc (HCB) xếp hạng 53/66 tỉnh, thành, ngành cả nước;  Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014: Tham dự 04 môn, đạt 01 HCV, 01 HCĐ xếp hạng 53/65 tỉnh, thành, ngành cả nước.

Trên đấu trường thể thao quốc tế, các VĐV tỉnh Hậu Giang cũng góp những tấm huy chương trong thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam, như: HCB môn Judo tại SEA Games 26, HCĐ môn Judo tại SEA Games 27 và SEA Games 28. Ở đấu trường Đông Nam Á, các VĐV cũng giành được  1 HCB giải Judo trẻ quốc tế 2012;  01 HCĐ giải Vô địch Judo Đông Nam Á 2013; 01 HCV và 01 HCĐ giải Vô địch Judo Bali mở rộng 2014; 02 HCV giải Vô địch Judo Đông Nam Á 2014; 01 HCB giải Vô địch và Trẻ Taekwondo Đông Nam Á và 01 HCV giải Vô địch Karatedo Đông Nam Á.

Bên cạnh việc huy động sự quan tâm của cá nhân, tổ chức trong nước, UBND tỉnh Hậu Giang đã tranh thủ sự hợp tác quốc tế về TDTT theo quy định, phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh nước ta đang là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch gửi những VĐV xuất sắc của tỉnh tập huấn dài hạn tại các nước có trình độ thể thao tiên tiến trong Khu vực, Châu Á và thế giới để được tiếp cận với hệ thống huấn luyện bài bản, khoa học và tạo điều kiện để VĐV được thường xuyên thi đấu cọ sát, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện cho VĐV có tâm lý thi đấu vững vàng; đồng thời, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa Hậu Giang nói riêng, Việt Nam nói chung với bạn bè trên khu vực và thế giới.

Với những kết quả trên, có thể khẳng định chủ trương XHH đã có tác động tích cực đến sự nghiệp TDTT tỉnh Hậu Giang, các loại hình hoạt động TDTT đã được đa dạng hoá và mở rộng về quy mô, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Bước đầu khai thác được tiềm năng của các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, các ngành, các tổ chức xã hội … về đầu tư, xây dựng các cơ sở vật chất TDTT như: sân bãi, phòng tập, nhà tập, hồ bơi, sản xuất lưu thông hàng hoá thể thao ... phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của quần chúng.  Mở rộng và làm phong phú thêm hệ thống thi đấu TDTT quần chúng từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, kích thích và thu hút đông đảo các đối tượng tham gia tập luyện và thi đấu TDTT. Cũng như tăng cường chất lượng thi đấu và thành tích thể thao của các đội tuyển; tạo nguồn và phát hiện để bổ sung tài năng thể thao của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác XHH trong lĩnh vực TDTT của tỉnh Hậu Giang vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó công tác đào tạo, quản lý vận động viên thể thao trình độ cao chủ yếu vẫn dùng nguồn ngân sách Nhà nước. Việc khuyến khích các tổ chức xã hội, CLB phối hợp đào tạo tài năng trẻ được quan tâm và chỉ đạo kịp thời, tuy vậy hiệu quả chưa cao, chủ yếu tập trung ở một số môn Bóng chuyền nữ, Võ… Việc huy động các Hội Việt kiều, các cá nhân người Việt Nam cư trú ở nước ngoài đào tạo VĐV và khuyến khích các VĐV trẻ Việt kiều về tham gia thi đấu vẫn chưa được chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện cụ thể. Do vậy, trong thời gian tới, ngành TDTT tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT để từ đó đẩy mạnh phát triển TDTT quần chúng cũng như thứ hạng thể thao thành tích cao trên mặt bằng chung của các địa phương trên cả nước.

KC

Ảnh trong bài
  •  Hậu Giang với những chính sách khuyến khích xã hội hóa TDTT